>> Yên Bái phấn đấu tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt hai con số
>> Yên Bái hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp
Đồng bộ các giải pháp
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều năm qua tỉnh Yên Bái đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch gắn với đầu tư hạ tầng, mở rộng cơ sở vật chất và ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế công nghiệp phát triển. Cùng với đó, Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021-2025 cũng như định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra một khung chính sách quan trọng, tạo nền tảng để tỉnh tái định hình vai trò và hướng đi của ngành công nghiệp trong giai đoạn mới hiện nay theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, tỉnh tích cực triển khai công tác xây dựng các chuyên đề, phương án phát triển ngành công nghiệp; phát triển các khu, CCN; phát triển hệ thống điện; quy hoạch, khai thác chế biến khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất, phát triển nông lâm nghiệp, phát triển giao thông vận tải, xây dựng. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, duy trì có hiệu quả các hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, cà phê doanh nhân… nhằm nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các dự án đầu tư. Đồng thời, quan tâm quy hoạch và xây dựng các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, liên huyện, liên xã gắn với vùng nguyên liệu, khu, CCN đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phát triển.
Xác định đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cán bộ là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, tỉnh cũng đã quan tâm đào tạo nghề cho gần 100.000 người. Số lượng lao động qua đào tạo nghề cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong tỉnh về trình độ tay nghề cũng như ngành nghề mà các doanh nghiệp đang tuyển dụng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sản xuất công nghiệp.
Bức tranh với nhiều gam màu sáng
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, bền vững. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN, hạ tầng logistics, 5 năm qua, tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, CCN như: KCN Âu Lâu, KCN phía Nam, KCN Minh Quân, CCN Yên Thế, Âu Lâu… với tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 438.434 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 414.262 triệu đồng; ngân sách huyện là 24.172 triệu đồng.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã thu hút được 44 dự án có quy mô khá, máy móc tiên tiến hiện đại vào các khu, CCN với tổng vốn đầu tư 10.133,6 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt trên 80%, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt trên 40%.
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản từng bước được cơ cấu lại, chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng nguyên liệu. Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC; thâm canh tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm chè, sắn, quế, măng tre... tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Trong 5 năm, tỉnh đã thu hút được 24 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1.970.391 triệu đồng, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn như: Dự án chế biến gỗ xuất khẩu Yên Bái Công ty cổ phần JUNMA Yên Bái công suất 100.000 m3/năm; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất ván sàn SPC và các sản phẩm chế tạo từ gỗ của Công ty TNHH MTV China Qiuanfu Wood Co.,limitted; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất viên nén nhiên liệu của công ty TNHH đầu tư Lâm nghiệp Hòa Phát; Dự án nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái…
Cùng với đó, công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản có bước chuyển tích cực sang đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, tiết kiệm tài nguyên.
Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản duy trì sản xuất, khai thác các sản phẩm hiện có và sản xuất một số sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu như: tấm ốp lát từ đá trắng đá xẻ, tấm nhựa gỗ, ván lát sàn, ván ốp tường, ngói màu… Trong 5 năm, tỉnh thu hút được một số dự án sản xuất sản phẩm mới, trong đó có dự án xây dựng nhà máy ươm tơ, dự án sản xuất tủ bếp.
Nhà máy sản xuất măng Bát Độ của Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên
Tạo đà phát triển công nghiệp xanh, bền vững
Dù có những bước phát triển tích cực song ngành công nghiệp của tỉnh vẫn gặp nhiều thách thức. Các khu, CCN chậm đầu tư hạ tầng, chậm đầu tư xử lý rác thải tập trung, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, chưa thu hút được các dự án lớn làm động lực, trung tâm định hướng cho phát triển; khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển công nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư còn khiêm tốn, chưa có dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược có tính chất xoay chuyển, mang tính đột phá trong lĩnh vực công nghiệp; doanh nghiệp chưa chủ động và tích cực trong đầu tư đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng được thị trường.
Để phát triển công nghiệp thông minh, bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh theo định hướng của Chính phủ, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: Chế biến nông lâm sản gắn với khai thác, phát triển vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao; khai thác và chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương như: dệt may, da giày.
Tỉnh cũng ưu tiên lựa chọn các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học. Tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề gắn với chế biến, tiêu thụ nông lâm sản. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp và các ngành dịch vụ liên quan như: Thương mại, vận tải, logistics, xuất nhập khẩu… Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương (DDCI).
Song song với đó, thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, ưu tiên huy động, bố trí các nguồn lực cho công tác xây dựng hạ tầng các khu, CCN trên địa bàn; tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư; xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng tốc chuyển đổi, tạo ra những không gian phát triển mới cho nhà đầu tư…
Thanh Chi
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/215/350873/Yen-Bai-toi-uu-hoa-co-hoi-de-phat-trien-cong-nghiep-xanh-ben-vung.aspx
Bình luận (0)