Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ăn 1 tép tỏi mỗi ngày: Bí quyết rẻ tiền cực kỳ tốt cho tim mạch, tuổi thọ

(Dân trí) - Không chỉ là gia vị quen thuộc trong nhiều món ăn, tỏi đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như với các bệnh tim mạch, ung thư và hội chứng chuyển hóa.

Báo Dân tríBáo Dân trí06/07/2025

Bạn sẽ khó có thể tìm thấy một bữa ăn nào không được hưởng lợi từ một ít tỏi. Từ trứng tráng, các món mì ống, đến nước ướp thịt, một chút tỏi có thể giúp tăng thêm hương vị tuyệt vời.

Không chỉ thế, việc tiêu thụ tỏi đã được chứng minh là có lợi ích sức khỏe đầy hứa hẹn đối với một số tình trạng sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, ung thư và hội chứng chuyển hóa. Trên thực tế, tỏi chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh đến mức nhiều nghiên cứu đang tìm hiểu về tác dụng của việc sử dụng tỏi dưới dạng bổ sung.

Lợi ích sức khỏe của tỏi

Theo TODAY.com, một tép tỏi có 5 calo, 1g carbohydrate, 0g chất béo hay protein. Tỏi cũng có một số vitamin và khoáng chất, nhưng lượng trong một tép tỏi là rất ít.

Lượng tỏi được yêu cầu trong hầu hết các công thức nấu ăn là nhỏ so với các thành phần khác, nhưng lợi ích cho sức khỏe thì rất nhiều. Tỏi có hợp chất phenolic có đặc tính chống viêm. Các nghiên cứu cho thấy ngay cả một lượng nhỏ các hợp chất thực vật này trong chế độ ăn uống cũng có thể có tác dụng tích cực đối với sức khỏe tổng thể.

Ăn 1 tép tỏi mỗi ngày: Bí quyết rẻ tiền cực kỳ tốt cho tim mạch, tuổi thọ - 1

Tiêu thụ tỏi mang lại nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành về lợi ích sức khỏe của tỏi, nhưng có điều cần lưu ý là hầu hết các nghiên cứu trên con người đều quan sát tác dụng của việc ăn tỏi liều lượng lớn dưới dạng bổ sung, thay vì ăn tỏi trong thực phẩm.

Một đánh giá gần đây cho thấy việc bổ sung tỏi đã được chứng minh là làm giảm mức cholesterol và nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu, đau tim và đột quỵ. Các tác giả cho rằng những phát hiện này là do đặc tính chống oxy hóa của tỏi, giúp bảo vệ tim khỏi căng thẳng và tổn thương.

Tỏi cũng đã được nghiên cứu về vai trò của nó trong điều trị ung thư. Liều lượng và thời gian ăn tỏi khác nhau, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc bổ sung tỏi và điều trị ung thư.

Ví dụ, một thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên đã kết luận rằng việc bổ sung tỏi trong thời gian dài ở những bệnh nhân ung thư dạ dày có liên quan đến tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Ngoài ra, tỏi đã được nghiên cứu về vai trò của nó trong hội chứng chuyển hóa, một nhóm các bệnh như tăng huyết áp và béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Tất cả các nghiên cứu trong lĩnh vực này đều cho thấy rằng việc tiêu thụ tỏi có liên quan nghịch đảo với việc phát triển hội chứng chuyển hóa.

Một nghiên cứu đã kiểm tra tác động của việc ăn từng tép tỏi mỗi ngày trong 30 ngày đối với bệnh nhân tiểu đường type 2. Những người tham gia đã giảm cholesterol LDL (xấu) và triglyceride, cũng như cải thiện cholesterol HDL (tốt).

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động đối với hội chứng chuyển hóa khi những người tham gia được cho ăn tỏi sống, nghiền nát. Họ phát hiện ra rằng sau khi ăn một bữa ăn duy nhất với 5g (khoảng 1,5 tép) tỏi, các gen miễn dịch và tiêu diệt tế bào ung thư đã tăng lên.

Kết quả trong khoảng thời gian 4 tuần cũng rất hứa hẹn. Lượng tỏi ăn vào khác nhau tùy theo cân nặng của những người tham gia, nhưng một người nặng 70kg đã ăn khoảng 6g (hoặc khoảng 2 tép) mỗi ngày và kết quả cho thấy huyết áp, cholesterol LDL và lượng đường trong máu giảm.

Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung tỏi tươi băm nhỏ vào chế độ ăn hàng ngày có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, đây là cách ngon để nêm nếm thức ăn theo cách lành mạnh.

Tác dụng phụ của tỏi

Tỏi không đắt và dễ sử dụng, đồng thời mang lại hương vị và dinh dưỡng tuyệt vời. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa cho những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Tỏi chứa fructan, một loại carbohydrate có thể gây ra khí ở bụng không mong muốn và đầy hơi ở những người bị IBS. Tuy nhiên, những người bị IBS vẫn có thể có được một số hương vị tỏi mà không có tác dụng phụ không mong muốn.

Theo Đại học Monash (Australia), fructan không tan ra trong dầu. Do đó, bạn có thể thêm tỏi vào dầu khi nấu và múc ra trước khi dọn món ăn cuối cùng. Dầu sẽ có hương vị tỏi mà không có tác dụng phụ khó chịu.

Ngoài ra, hợp chất hoạt tính của tỏi - allicin - làm tăng độ axit trong dạ dày và làm giãn cơ thắt thực quản. Các cơ chế này gây ra nhiều trào ngược hơn ở những người bị GERD.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/an-1-tep-toi-moi-ngay-bi-quyet-re-tien-cuc-ky-tot-cho-tim-mach-tuoi-tho-20250704093019623.htm


Chủ đề: ung thưtối

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm