Tháo gỡ vướng mắc
Thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội thông qua nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết số 198/2025/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 17/5/2025, tại kỳ họp thứ 9 quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị. Đây là nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc lớn của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, đang hạn hẹp nguồn lực, khó khăn khi vay vốn, nhất là vốn đầu tư vào các lĩnh vực chi phí cao, dài hạn.
Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh (phường Mão Điền) được ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi trong quá trình sản xuất, kinh doanh. |
Hiện lãi suất cho vay bình quân đối với giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm 0,08%/năm so với cuối năm 2024, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân giảm áp lực vốn trong sản xuất, kinh doanh. Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ), lãi suất cho vay ổn định ở mức 4%/năm.
Từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đưa vào thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, tiếp tục mở rộng cho vay tiêu dùng và hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể, lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân. Chỉ tính riêng tổng dư nợ của hai Chi nhánh Agribank Bắc Ninh và Agribank Bắc Ninh II đạt gần 40.000 tỷ đồng, trong đó 70% số vốn được phân bổ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhóm khách hàng chủ yếu là các hộ kinh tế tư nhân. Những con số này thể hiện rõ định hướng xuyên suốt và cam kết mạnh mẽ của Agribank trong việc ưu tiên nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân.
Cùng với Agribank, các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Á Châu… cũng đang triển khai nhiều gói vay vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cải thiện khả năng hấp thụ vốn
Trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Hiện nay, kinh tế tư nhân trở thành một trụ cột, chiếm gần 50% GDP, tạo hơn 80% việc làm và đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu cũng như phát triển các ngành nghề mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Song trên thực tế, khối doanh nghiệp này vẫn đang gặp không ít những rào cản trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Hiện địa bàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 450 chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô; là một trong những địa phương có số tổ chức tín dụng cao trong số 15 khu vực cùng quy mô huy động vốn. Tổng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm 2025 đạt 350,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ của khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể) chiếm khoảng 54,7% tổng dư nợ. |
Theo các chuyên gia, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng, trước hết các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính, đặc biệt là sổ sách kế toán, đồng thời củng cố năng lực quản trị. Đây là điều kiện quan trọng để ngân hàng đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động và mức độ tin cậy của doanh nghiệp, từ đó sẵn sàng đồng hành và cung cấp nguồn vốn phù hợp.
Bà Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại HT (Khu công nghiệp Quế Võ) chia sẻ: “Để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được vốn tín dụng, các ngân hàng nên thiết kế sản phẩm tài chính chuyên biệt như khoản vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh, khoản vay theo hợp đồng đầu ra hoặc khoản vay dựa trên tài sản hình thành từ vốn vay. Ngoài ra, cần mở rộng mô hình đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch thực tế của doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào tài sản bảo đảm”.
Để tăng khả năng hấp thụ vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi cho khu vực kinh tế tư nhân, Nhà nước cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng hiệu quả và có các quỹ hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp. Ngoài ra, các ngân hàng có sản phẩm tín dụng đặc thù, thay đổi cách thẩm định, tập trung vào phương án kinh doanh thay vì tài sản thế chấp. Bản thân doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, minh bạch dòng tiền và hoạch định đầu tư bài bản. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước xác định là đối tượng ưu tiên, cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường (hiện nay là 4%/năm).
Nhằm tiếp sức cho kinh tế tư nhân phát triển, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đều cam kết hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh. Sự đồng hành của ngành Ngân hàng sẽ góp phần trao cơ hội và nguồn lực toàn diện để thúc đẩy kinh tế tư nhân, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/bac-ninh-tiep-von-cho-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-postid422278.bbg
Bình luận (0)