Số liệu từ bảng tương quan học bạ - điểm thi mà Bộ GD&ĐT công bố, dễ nhận thấy tất cả các môn thi đều có hệ số tương quan dương với điểm học bạ. Tuy nhiên, không có môn thi nào có hệ số tương quan đủ mạnh (>0,7), phần lớn chỉ ở mức trung bình, ngoại trừ môn toán.
Theo đó, điểm trung bình môn toán thi tốt nghiệp THPT là 4,78. Trong khi điểm học bạ môn toán đạt trung bình 6,7 ở lớp 10, 6,89 ở lớp 11 và 7,51 ở lớp 12. Hệ số tương quan lần lượt là 0,67-0,68-0,63.
Hệ số tương quan thấp nhất ở lớp 12 cho thấy điểm học bạ có phần "ảo" khi điểm trung bình học tập của học sinh cả nước ở mức rất cao nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp lại ở mức rất thấp (<5).
Tuy nhiên, môn toán vẫn là môn duy nhất có hệ số tương quan lớn hơn 0,6. Tất cả các môn còn lại đều dưới mức này. Cá biệt có những môn thi có hệ số tương quan rất thấp so với học bạ gồm công nghệ - công nghiệp, công nghệ - nông nghiệp, lịch sử và địa lý.


Cũng theo bảng tương quan này, độ lệch chuẩn và độ lệch tuyệt đối trung vị của điểm thi tốt nghiệp THPT lớn hơn đáng kể so với điểm học bạ.
Ví dụ, điểm thi tốt nghiệp môn toán có độ lệch chuẩn là 1,68, độ lệch tuyệt đối trung vị là 1,35 nhưng con số này ở điểm học bạ lớp 12 lần lượt là 0,45 và 0,38.
Giá trị độ lệch chuẩn càng lớn cho thấy sự phân hoá càng cao ở điểm thi tốt nghiệp môn toán với xu hướng phân tán về hai phía, khoảng cách chênh lệch điểm của thí sinh lớn.
Trong khi đó, điểm học bạ có giá trị độ lệch chuẩn rất nhỏ, cho thấy sự "co cụm", không có tính phân hoá. Nói cách khác, điểm học bạ không thể hiện sự khác biệt về năng lực giữa các nhóm học sinh từ giỏi, trung bình đến yếu ở môn toán.
Đáng chú ý, dù độ lệch chuẩn điểm học bạ môn toán ở mức thấp, chỉ số của môn này vẫn cao hơn các môn còn lại.
Môn ngữ văn là môn có độ phân hoá thấp nhất trong cả kỳ thi tốt nghiệp lẫn kết quả học bạ THPT. Độ lệch chuẩn điểm học bạ chỉ ở mức 0,31-0,36, tính phân loại kém.
Khoảng cách lớn về mức độ phân hóa giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp trong bảng tương quan mà Bộ GD&ĐT công bố đặt ra câu hỏi về sự đồng nhất trong chuẩn đánh giá giữa các trường phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Đồng thời, những con số nói trên cũng nêu vấn đề về tính chính đáng, công bằng khi sử dụng kết quả học bạ trong tuyển sinh đại học.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-gddt-cong-bo-tuong-quan-hoc-ba-va-diem-thi-tot-nghiep-bat-ngo-mon-toan-20250722112517258.htm
Bình luận (0)