Chủ động từ chính quyền cấp xã
Ngay sau khi lũ rút, tại các xã như Tương Dương, Kỳ Sơn, Tam Quang, Mỹ Lý, Nhôn Mai…, chính quyền địa phương đã tổ chức rà soát các điểm công cộng như nhà văn hóa, hội trường UBND, trụ sở các trường học chưa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ để bố trí làm nơi nghỉ ngơi, lưu trú cho các đoàn thiện nguyện.

Bà Lương Thị Thanh Ngọc - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tương Dương cho biết: Xã đã dọn dẹp Trường Mầm non Hòa Bình, chuẩn bị sẵn hệ thống điện, nước và chăn màn sạch sẽ để phục vụ các đoàn đến cứu trợ. Nhu yếu phẩm thiết yếu như nước uống, mì tôm, cơm... cũng được người dân hỗ trợ.

Được biết, tại Trường Mầm non Hòa Bình, ngay trong đêm 27/7 đã có 80 người của các đoàn thiện nguyện vào ăn, nghỉ. Trước đó cũng đã có nhiều đoàn đến ăn nghỉ tại đây. Ngoài ra, tại đây còn là nơi ăn, nghỉ của lực lượng quân đội, công an đến giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả của trận lũ.
"Không chỉ lo chỗ ăn, nghỉ, xã còn cử người hướng dẫn đường đi, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, phân phối quà tặng và làm cầu nối giữa đoàn thiện nguyện với người dân vùng thiệt hại nặng", bà Lương Thị Thanh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tương Dương cho hay.
Để đảm bảo an toàn cho các đoàn thiện nguyện, xã Tương Dương thống nhất quan điểm, không để các đoàn phải tự xoay xở, tìm nơi ăn, nghỉ trong điều kiện khó khăn. Xã cũng chỉ đạo công an, y tế phối hợp đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và an ninh trật tự trong suốt quá trình đoàn hoạt động tại địa phương.
Tại xã Kỳ Sơn (trung tâm của huyện Kỳ Sơn cũ) cũng được chính quyền địa phương bố trí điểm ăn, nghỉ cho các đoàn thiện nguyện.
Nhiều địa phương vùng lũ xác định, việc các đoàn cứu trợ về giúp dân không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn lan tỏa tinh thần sẻ chia, gắn kết cộng đồng. Vì vậy, việc chăm lo nơi ăn, nghỉ, bảo đảm an toàn cho các đoàn là trách nhiệm và cũng là nghĩa tình.
Lan tỏa tinh thần nhân ái
Tinh thần nhân ái của người người dân còn được thể hiện tại các bếp ăn không đồng. Như tại Trường Mầm non Hòa Bình, bếp ăn không đồng được các chị em tích cực tham gia nấu ăn, với tinh thần trách nhiệm cao.

Chị Lô Thị Thương, đại diện bếp ăn không đồng tại Trường Mầm non Hòa Bình cho biết: 3 ngày qua, bếp ăn của chị đã nấu hàng nghìn suất cơm cho người dân bị thiệt hại do lũ và các đoàn thiện nguyện, cũng như lực lượng tham gia giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. "Trưa nay 28/7, đã có 120 suất cơm đã được đăng ký. Ngoài ra chúng tôi luôn có 15 suất cơm đề phòng khi có đoàn thiện nguyện đăng ký muộn", chị Thương chia sẻ.

Tại bếp ăn không đồng của gia đình anh Trần Văn Duy và chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở xã Tương Dương, vừa bỏ tiền túi vừa tiếp nhận thực phẩm của Ủy ban Mặt trận tổ quốc để nấu mỗi ngày hàng trăm suất cơm cho người dân bị thiệt hại và các lực lượng cứu trợ, thiện nguyện.
Việc các địa phương chủ động tạo điều kiện lưu trú cho đoàn thiện nguyện không chỉ góp phần hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động cứu trợ, mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử trong hoạn nạn.

Hiện nay, theo thống kê từ các địa phương, trung bình mỗi ngày có từ 10 - 15 đoàn thiện nguyện về trao quà tại các điểm ngập nặng. Nhờ sự phối hợp tốt giữa chính quyền, người dân, lực lượng thiện nguyện, công tác tiếp nhận, phân phối cứu trợ đang diễn ra thuận lợi, đảm bảo đúng người, đúng nhu cầu.
Trong gian khó, nghĩa tình càng được nhân lên, làm ấm lên biết bao tấm lòng thiện nguyện đang ngày đêm hướng về đồng bào nơi rốn lũ.
Tuy nhiên, hiện nay do trời tiếp tục có mưa, nên các tuyến đường đến các xã bị sạt lở, ách tắc, do đó các đoàn thiện nguyện cần lưu ý thực hiện theo khuyến cáo của chính quyền địa phương để di chuyển an toàn./.
Nguồn: https://baonghean.vn/cac-dia-phuong-vung-lu-mien-tay-nghe-an-san-sang-bo-tri-noi-an-nghi-cho-cac-doan-thien-nguyen-10303379.html
Bình luận (0)