Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cấp thuốc ngoại trú tối đa 3 tháng: Lợi ích kép, nâng cao chất lượng điều trị

ĐNO - Thông tư 26/2025/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 cho phép kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tối đa 90 ngày đối với 252 bệnh thuộc 16 nhóm bệnh. Nhiều bệnh viện tại Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai thực hiện, bước đầu ghi nhận hiệu ứng tích cực.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng16/07/2025

Người bệnh nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hải Châu.
Người bệnh nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hải Châu. Ảnh: T.A

Chủ động nguồn thuốc, triển khai đồng bộ

Tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, hiện có trên 2.000 bệnh nhân ung thư vú điều trị ngoại trú và nhận thuốc nội tiết hàng tháng. Trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận hơn 50 lượt bệnh nhân đến khám và kê đơn thuốc nội tiết. Đây là nhóm đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ sự thay đổi trong Thông tư 26/2025/TT-BYT.

Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng Nguyễn Thanh Hùng cho biết, bệnh viện đã chủ động rà soát danh sách bệnh nhân dự kiến, số lượng thuốc dự trù cấp phát, quy trình cấp phát thuốc ngoại trú, ban hành hướng dẫn nội bộ và giao trách nhiệm cho bác sĩ lâm sàng quyết định số ngày kê đơn, tối đa không quá 90 ngày…

Theo bác sĩ Hùng, quy trình kê đơn thuốc ngoại trú vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi về số lượng thuốc được kê cho các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện. “Tùy vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh, bác sĩ sẽ xem xét để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng tối đa không quá 90 ngày. Điều này cần phải dựa vào rất nhiều yếu tố: khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, mức độ ổn định của bệnh hiện tại, phác đồ điều trị đang áp dụng, tiên lượng bệnh…”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.

Mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hải Châu tiếp nhận 15.000 đến 17.000 lượt khám bệnh, trong đó số lượng người bệnh mãn tính chiếm trên 50% như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, tuyến giáp… Bác sĩ Nguyễn Hồng Tịnh, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, việc cấp thuốc dài ngày cho những bệnh nhân ổn định đã được đơn vị chủ động triển khai. Tuy nhiên, việc kê đơn thuốc phải tùy vào tình hình sức khỏe của người bệnh để có đánh giá linh hoạt.

Bác sĩ Tịnh nhận định: “Việc kéo dài thời gian cấp phát thuốc không chỉ phù hợp với thực tiễn điều trị mà còn mang lại lợi ích kép. Người bệnh được đảm bảo điều trị liên tục, giảm gánh nặng di chuyển; cơ sở y tế có thêm thời gian chăm sóc chuyên sâu cho các trường hợp nặng”.

Theo ghi nhận, việc triển khai thực hiện kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tối đa 90 ngày tại các bệnh viện ở Đà Nẵng diễn ra thuận lợi. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, quy trình và nguồn thuốc, hầu hết đơn vị đều bảo đảm khả năng kê đơn và cấp phát thuốc dài ngày cho bệnh nhân thuộc nhóm bệnh được quy định.

Cần giải pháp theo dõi hiệu quả

Về công tác theo dõi sau cấp thuốc, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng cho biết, dù kê đơn 1 tháng hay 3 tháng/lần, bệnh nhân điều trị ngoại trú luôn được tư vấn đầy đủ về theo dõi hiệu quả điều trị và tác dụng phụ của thuốc.

“Chúng tôi luôn khuyến cáo người bệnh chủ động đến cơ sở y tế khi xuất hiện phản ứng bất thường. Ngoài ra, các bệnh viện đều có quy trình tiếp nhận, ghi nhận và xử lý tác dụng phụ khi bệnh nhân đến khám, cấp cứu hoặc liên hệ từ xa. Bệnh viện cũng hướng dẫn người bệnh nhiều kênh liên lạc trực tiếp để được tư vấn trong suốt thời gian điều trị ngoại trú”, bác sĩ Hùng thông tin.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hồng Tịnh cho biết, số điện thoại của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hải Châu luôn được niêm yết công khai. “Chúng tôi không từ chối bất kỳ cuộc gọi nào của bệnh nhân, dù là hỏi về thuốc, tác dụng phụ hay các thủ tục hành chính. Đây là trách nhiệm nghề nghiệp”, bác sĩ Tịnh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tịnh, việc triển khai kê đơn dài ngày cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là trong khâu theo dõi tuân thủ điều trị ở nhóm bệnh nhân cao tuổi. “Đa số bệnh nhân mãn tính tại bệnh viện là người lớn tuổi. Việc kiểm soát mức độ tuân trị hiện vẫn chủ yếu dựa vào lời kể của người bệnh, trong khi chưa có công cụ đo lường khách quan nào được áp dụng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị”, bác sĩ Tịnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác là trần đơn thuốc bảo hiểm y tế tại một số thời điểm có xu hướng tăng, do số lượng bệnh nhân lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao, trong khi việc kê đơn dài ngày thường kéo theo chi phí thuốc phát sinh lớn hơn bình quân. Đây là vấn đề cần sự phối hợp, chia sẻ.

Theo Thông tư 26/2025/TT-BYT của Bộ Y tế, danh mục 252 bệnh trải rộng trên 16 nhóm bệnh, bao gồm: bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng; bướu tân sinh (Neoplasm); bệnh của máu, cơ quan tạo máu và các rối loạn liên quan đến cơ chế miễn dịch; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa; bệnh tâm thần; bệnh hệ thần kinh; bệnh mắt và phần phụ của mắt; bệnh hệ tuần hoàn; bệnh hệ hô hấp; bệnh hệ tiêu hóa; bệnh da và mô dưới da; bệnh hệ cơ - xương - khớp và mô liên kết; bệnh hệ sinh dục - tiết niệu; thai nghén, sinh đẻ và hậu sản; vết thương ngộ độc và hậu quả của một số nguyên nhân bên ngoài; các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và tiếp xúc dịch vụ y tế.

Nguồn: https://baodanang.vn/cap-thuoc-ngoai-tru-toi-da-3-thang-loi-ich-kep-nang-cao-chat-luong-dieu-tri-3297021.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm