Chung sức xây dựng nông thôn mới
Con đường nối Quốc lộ 1A về Giáo xứ Bến Đén, xã Đức Châu (gồm các xã: Diễn Hồng, Diễn Kỷ, Diễn Phong và Diễn Vạn, Giáo xứ Bến Đén thuộc xã Diễn Kỷ cũ) hai bên nở đầy hoa, ban đêm có điện cao áp sáng rực, 2 hàng cờ (một bên treo cờ Tổ quốc, một bên treo cờ Giáo hội) tạo nên cảnh quan tươi đẹp và thể hiện tinh thần đoàn kết lương - giáo. Các tuyến đường ở đây đã được mở rộng, rải nhựa và bê tông, việc đi lại trở nên dễ dàng, thuận tiện.

Trong những năm qua, Hội đồng Mục vụ kết hợp với cấp ủy, ban cán sự thôn vận động nhân dân xây dựng nhiều công trình có giá trị như kênh mương nội đồng; xây dựng đường bê tông nông thôn; tu sửa nhà văn hóa, làm mới sân bóng đá, bóng chuyền để đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, thể thao của bà con nhân dân, với kinh phí gần 600 triệu đồng.
Để hoàn thành bê tông hóa các tuyến đường giao thông nội thôn với tổng chiều dài hơn 4,5 km, bà con đã đóng góp gần 2 tỷ đồng và hơn 6.200 ngày công, hiến hơn 2.000m2 đất, phá dỡ 9 cổng nhà và 1.800m tường bao, chặt bỏ hơn 100 cây ăn quả lâu năm.

Đặc biệt, theo lời ông Nguyễn Trung Đức - Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bến Đén, năm 2022 có dự án làm đường liên xã đi qua địa phận giáo xứ, theo thiết kế mặt đường rộng 9m, trong khi đường cũ chỉ rộng 5m. Để tạo sự đồng thuận, các thành viên ban cán sự thôn và Hội đồng Mục vụ đã đến từng hộ gia đình để thuyết phục bà con đồng ý lùi bờ rào vào trong để mở đường.
Nhờ đó, tuyến đường dài 1,6 km qua Giáo xứ Bến Đén sớm được hoàn thành. Kết quả, bà con đã hiến gần 2.000 m2 đất ở, hơn 2.000 m2 đất nông nghiệp, hơn 1.600m bờ rào và 7 cổng nhà dân. Trong đó, gia đình anh Nguyễn Văn Liễu và gia đình chị Nguyễn Thị Phương đã tự nguyện dỡ bỏ 2 chiếc cổng lớn vừa xây dựng với mức kinh phí hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, linh mục quản xứ Bến Đén đã đồng ý lùi tường rào, hiến hơn 100m2 đất để mở rộng đường liên xã.

Không chỉ Giáo xứ Bến Đén, nhiều giáo xứ, giáo họ trong tỉnh cũng tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Có thể kể đến Giáo xứ Hưng Thịnh thuộc xã Hưng Nguyên (gồm các xã: Hưng Đạo, Hưng Tây, Thịnh Mỹ và thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên sáp nhập; Giáo xứ Hưng Thịnh thuộc xã Hưng Tây cũ) bà con giáo dân đã tích cực hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Số diện tích đất đã được hiến lên tới gần 2.000m2, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, làm đẹp làng xóm.
Tại Giáo xứ Đồng Lam thuộc xã Nhân Hòa (gồm các xã: Tam Đỉnh, Cẩm Sơn và Hùng Sơn sáp nhập; Giáo xứ Đồng Lam thuộc xã Hùng Sơn cũ) đã trồng 2.200m đường viền cây xanh dọc các trục đường liên thôn, đóng góp 1,1 tỷ đồng xây dựng 2 nhà văn hóa; làm 300 cột cờ, đường hoa dài 3 km trị giá 600 triệu đồng.

Từ năm 2023 - 2024, bà con giáo dân đã đóng góp gần 2.000 ngày công, thi công 2,3 km đường bê tông, 1 km đường nhựa, hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh; trong phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", cộng đồng giáo dân đã tự nguyện hiến 192.702m² đất, tháo dỡ 48.349 mét tường rào, chặt bỏ hàng nghìn cây các loại; đóng góp 286.784 ngày công, quy đổi thành tiền giá trị trên 57 tỷ đồng. Đóng góp 114 tỷ 883 triệu đồng; làm mới 83 km đường nhựa, bê tông hóa 1.170 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 1.135 km mương thoát nước, tu sửa 29 nhà văn hóa, xây dựng đường điện chiếu sáng 85.295m, 8.077 cột cờ, trồng 142.458 cây xanh...
Khởi sắc ở các xứ đạo
Hơn 10 năm nay, Giáo xứ Phú Xuân thuộc xã Quỳnh Tam (gồm các xã: Tân Sơn, Quỳnh Châu và Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu sáp nhập; Giáo xứ Phú Xuân thuộc xã Quỳnh Tam cũ) triển khai mô hình “Giáo xứ bình yên” đã mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Mô hình tập trung vào các nội dung: Phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn tệ nạn xã hội, giáo dục giới trẻ sống lành mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, giữ gìn an ninh, trật tự. Mô hình còn khéo lồng ghép các giá trị đạo đức Công giáo với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Qua đó, giúp bà con giáo dân yên tâm sinh sống và lao động sản xuất, giữ vững an ninh, trật tự, sống "Tốt đời đẹp đạo".
Ông Trần Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Phú Xuân cho biết: “Để mô hình hoạt động hiệu quả, Hội đồng Mục vụ giáo xứ và các giáo họ luôn chú trọng hướng dẫn giáo dân thực hành đức tin theo đúng giáo lý, giáo luật và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nội quy mô hình. Bà con chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân”.

Cũng theo ông Quang, giáo xứ đã thành lập đội an ninh và 25 tổ liên gia tự quản, thường xuyên tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự. Trước giờ lễ, linh mục quản xứ luôn nhắc nhở cộng đoàn, nhất là giới trẻ tránh xa tệ nạn xã hội, giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh. Nhờ đó, địa bàn giáo xứ luôn đảm bảo an ninh, trật tự, đời sống nhân dân ổn định, kinh tế phát triển.
Nhiều giáo xứ trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy tinh thần đoàn kết và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Đồng bào Công giáo đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng.
Nhiều hộ đã áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả thu nhập vượt trội, với năng suất bình quân đạt trên 65 tạ/ha/năm.
.jpg)
Bên cạnh đó, các hộ giáo dân cũng đẩy mạnh phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Phong trào đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, đồng thời, nâng cao tỷ lệ hộ khá và hộ giàu trong đồng bào Công giáo.
Cụ thể, tỷ lệ hộ khá và hộ giàu trong đồng bào Công giáo đã tăng từ 41,2% năm 2020 lên 52,4% vào năm 2024; trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,2% xuống còn 2,9%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được chú trọng, từng bước phát triển. Tỷ lệ hộ giáo dân đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa” ngày càng tăng, năm 2020 có 42.621 hộ (đạt 69,8%), đến năm 2024 có 44.406 hộ (đạt 78,2%).


Với việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước, bộ mặt nông thôn tại các xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch, đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của bà con giáo dân từng bước được cải thiện. Vị thế và vai trò của người Công giáo trong cộng đồng ngày càng được khẳng định. Tại Đại hội Thi đua yêu nước biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh Nghệ An, có 19 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, 14 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh”.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nghệ An
Nguồn: https://baonghean.vn/chuyen-do-cong-tram-trieu-hien-dat-lam-duong-o-cac-xu-dao-10301448.html
Bình luận (0)