Triển vọng bứt phá
Hợp nhất từ hai địa phương năng động (Bắc Ninh và Bắc Giang), tỉnh Bắc Ninh mới thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trên nền tảng tiềm lực sẵn có, việc hợp nhất hai địa phương không chỉ mở rộng quy mô quản lý mà còn tạo xung lực thúc đẩy lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển lên tầm cao mới. Với vị trí chiến lược, quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước cùng lợi thế là điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng bước vào thời kỳ hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.
Ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh sản phẩm OCOP. |
Tỉnh Bắc Ninh mới có quy mô dân số lớn, khoảng 3,5 triệu người, sẽ là một trong những đơn vị hành chính có dân số lớn nhất miền Bắc, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng mạnh. Cùng đó là hơn 35 nghìn doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp sôi động như: Yên Phong, Quế Võ, VSIP, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng… Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử, logistics, tài chính, giáo dục, y tế tư nhân phát triển, từ đó hình thành các trung tâm dịch vụ vùng phục vụ không chỉ dân cư mà cả doanh nghiệp. Việc sáp nhập hai tỉnh không đơn thuần là gộp đơn vị hành chính, mà là cơ hội để tạo ra cực tăng trưởng mới về thương mại - dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 97.763 tỷ đồng (ước cả năm 2025 của tỉnh Bắc Ninh mới đạt 207 nghìn tỷ đồng); tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm 20,7%... Việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã được ký với các nước là nền tảng để tỉnh phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại, đồng thời tăng cường đầu tư vào hạ tầng thương mại - dịch vụ quy mô lớn.
Một số dự án trọng điểm đang được triển khai và đi vào hoạt động như: Khu liên hợp - Dịch vụ nông sản - Chợ đầu mối Thuận Thành; Trung tâm Hội chợ Triển lãm tỉnh; Trung tâm Thương mại Khắc Niệm; Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang… Các dự án này góp phần gắn kết thương mại - dịch vụ với công nghiệp, nông nghiệp và đô thị. Hiện ngành Công Thương tỉnh chủ trì xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng dự kiến ban hành bộ tiêu chí đánh giá và công nhận hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, văn minh; triển khai các đề án, chương trình phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, có chiều sâu.
Khởi sắc thương mại điện tử
Công nghệ thông tin phát triển, thương mại điện tử tiếp tục là điểm sáng của tỉnh Bắc Ninh (cũ), trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế số. Theo công bố của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2025, chỉ số thương mại điện tử (EBI) của tỉnh Bắc Ninh (cũ) đạt 13,9 điểm, xếp thứ 6 toàn quốc. Tỉnh cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ với việc phát triển các trung tâm logistics, sàn thương mại điện tử, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và nhiều nông sản ở trong và ngoài nước. Những bước tiến này cho thấy thương mại điện tử đang mở ra động lực tăng trưởng mới cho cả hai địa phương - nay đã hợp nhất thành tỉnh Bắc Ninh mới.
Sau khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh mới hội tụ đầy đủ điều kiện để bứt phá mạnh mẽ. Trong bức tranh chung đó, thương mại- dịch vụ đứng trước cơ hội vàng để tăng tốc phát triển, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. |
Trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu từ thương mại điện tử chiếm hơn 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube... tiếp tục mở rộng với hình thức livestream bán hàng ngày càng chuyên nghiệp. Để bắt nhịp xu hướng, nhiều siêu thị, cửa hàng và tiểu thương chủ động đầu tư xây dựng hình ảnh, kênh bán hàng, phần mềm quản trị, thiết bị công nghệ, cũng như đào tạo nguồn nhân lực số. Đáng chú ý, tỉnh tổ chức nhiều khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu và hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Hạ tầng hỗ trợ thương mại điện tử cũng được củng cố với việc duy trì và quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (ecombacninh.vn).
Tính đến nay, 100% cơ sở có sản phẩm OCOP đã hoàn tất truy xuất nguồn gốc, có tài khoản ngân hàng giao dịch điện tử và được tiếp cận các kênh bán hàng hiện đại như voso.vn, postmart.vn. Sự phát triển đồng bộ giữa chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và các nền tảng số đã hình thành mạng lưới thương mại - dịch vụ toàn diện, góp phần nâng cao năng lực số và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hướng tới xây dựng đô thị Bắc Ninh hiện đại, văn minh
Tỉnh Bắc Ninh mới xác định mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm từ 40-45% GRDP, trở thành trung tâm mua sắm quy mô lớn của vùng Thủ đô; phát triển thương mại gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững, tạo không gian sống lý tưởng để thu hút nhân lực chất lượng cao. Ngay từ bây giờ, Bắc Ninh thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới căn bản chiến lược phát triển thương mại, điện tử, hình thành chuỗi cung ứng khép kín, hiệu quả và bền vững.
Cụ thể, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao như thương mại điện tử xuyên biên giới, tài chính, logistics, dịch vụ số…; thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao. Phát triển hạ tầng thương mại, thúc đẩy hoạt động các tuyến phố chuyên doanh, phố đêm; hình thành các trung tâm logistics lớn luân chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc. Đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm quảng bá hình ảnh của tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế.
Việc thành lập tỉnh Bắc Ninh mới là cơ hội để tạo ra cực tăng trưởng về thương mại - dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; là đô thị hiện đại, thông minh, phát triển thịnh vượng.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/co-hoi-vang-de-thuong-mai-dich-vu-but-pha-postid421002.bbg
Bình luận (0)