Mỗi hiện vật là một câu chuyện vô giá
Cách đây 49 năm, đúng 11 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam của quân và dân ta đã phất phới tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng, đánh dấu sự kiện Đà Nẵng được giải phóng.
Ngay sau khi tiếp quản thành phố, lực lượng cách mạng khẩn trương thiết lập an ninh trật tự, ổn định cuộc sống cho nhân dân và bắt đầu xây dựng, kiến thiết lại thành phố.
Để thực hiện những nhiệm vụ này, Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng và các cấp.
Ủy ban Quân quản Đà Nẵng là chính quyền lâm thời do các đồng chí trong bộ máy quân sự Khu V và Đặc khu ủy Quảng Đà tạm thời điều hành, quản lý trước khi chuyển giao lại cho chính quyền nhân dân.
Ngay sau khi giải phóng, Ủy ban Quân quản ra Thông cáo số 01 về việc công bố danh sách Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng. Con dấu của Uỷ ban Quân quản được sử dụng vào thời điểm này (29-3-2975). Đây là con dấu được làm bằng tay, không có tay cầm; thể hiện tính quyền lực, hiệu lực pháp lý của chính quyền mới thiết lập.
Con dấu của Uỷ ban Quân quản Đà Nẵng
Ủy ban Quân quản được thành lập gồm: ông Hồ Nghinh làm Chủ tịch; 03 Phó Chủ tịch là Thiếu tướng Nguyễn Chánh, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát và Trần Cát; 05 Ủy viên gồm: Phan Hoan, Phạm Đức Nam, Hoàng Văn Lai, Nguyễn Duy Hưng, Trần Hưng Thừa.
Một trong các nhiệm vụ đầu tiên Ủy ban Quân quản thực hiện là ổn định tình hình an ninh trật tự của thành phố, chống lại các hoạt động phá hoại, xuyên tạc đường lối chủ trương, chính sách của chính phủ cách mạng lâm thời, lật đổ chính quyền cách mạng của các phần tử phản động.
Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Ủy ban Quân quản trong những ngày đầu giải phóng, cuộc sống của người dân thành phố Đà Nẵng dần dần được ổn định, nề nếp. Đồng thời, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chính quyền mới.
Bảo tồn, gìn giữ các hiện vật lịch sử
Hiện tại Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ khoảng 40 hiện vật liên quan đến sự kiện giải phóng thành phố Đà Nẵng như: cờ, sao vàng, con dấu, súng các loại, các thông cáo… Đây là minh chứng hùng hồn, thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng, sự kiên cường dũng cảm của lực lượng vũ trang ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với nhiều hiện vật lịch sử khác, “con dấu của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng” cũng đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Anh Trần Văn Chuẩn – Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, các hiện vật được đưa về bảo tàng thông qua nhiều cách thức khác nhau. Sau đó, cán bộ phụ trách công tác kho sẽ tiến hành phân loại, kiểm kê khoa học và bố trí vào các kho cơ sở cho phù hợp.
“Mỗi hiện vật tùy loại hình, chất liệu mà bảo tàng sẽ có các giải pháp để bảo quản phòng ngừa phù hợp như: vệ sinh bụi bẩn thường xuyên, kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, phủ màng chống rỉ sét, diệt côn trùng, nấm mốc, khử ô nhiễm không khí… nhằm hạn chế tối đa sự tác động của môi trường, thời tiết và kéo dài tuổi thọ cho hiện vật”, anh Chuẩn chia sẻ.
Bảo tàng Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa con người Đà Nẵng và dải mảnh đất miền Trung
Ngoài các hiện vật liên quan đến sự kiện giải phóng thành phố Đà Nẵng, hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng còn có không gian trưng bày, giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận. Đặc biệt, có hơn 1.900 hiện vật gốc được sưu tầm từ sau ngày giải phóng đến nay, nhiều tư liệu hiện vật quý, lần đầu tiên ra mắt công chúng.
Không chỉ là một địa chỉ trưng bày hiện vật mang giá trị lịch sử, Bảo tàng Đà Nẵng còn là nơi thu hút người dân và du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển và đấu tranh của thành phố.
Cùng với đó, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã phối hợp với Bảo tàng tổ chức các chương trình học tập ngoại khóa, vui chơi cho học sinh. Qua đó nhằm giáo dục cho các em ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa mà cha ông để lại.
Học sinh tham gia học tập, tìm hiểu văn hoá, lịch sử tại Bảo tàng Đà Nẵng
49 năm kể từ ngày giải phóng thành phố, nhiều hiện vật vẫn còn đó, là “dấu gạch nối” giữa quá khứ và hiện tại, là nhân chứng lịch sử cho cuộc đấu tranh của quân và dân ta. Đồng thời, cũng nhắc nhớ trong mỗi chúng ta về những chiến công oanh liệt, chiến thắng hào hùng để càng hiểu và biết trân trọng những công lao, sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì độc lập tự do của dân tộc.
KHÁNH NHI
Nguồn
Bình luận (0)