Trước đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam của VinSpeed, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam xây dựng trụ cột công nghiệp mới cho quốc gia, giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, tạo hàng triệu việc làm và giảm chi phí xã hội.
Đường sắt cao tốc trên thế giới (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Công nghiệp tốc độ cao: Cỗ máy kéo nền kinh tế
Các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều bắt đầu công nghiệp hóa giai đoạn hiện đại bằng việc phát triển mạnh mẽ công nghiệp đường sắt cao tốc.
Theo TS Nguyễn Văn Lĩnh, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực công trình giao thông, đường sắt cao tốc là "cỗ máy kéo công nghiệp phức hợp" với khả năng lan tỏa lớn.
"Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia phát triển đều sở hữu hệ thống đường sắt hiện đại và công nghiệp đường sắt nội địa vững mạnh. Một dự án đường sắt tốc độ cao không chỉ là chuyện đi lại, mà là cú hích cho hệ sinh thái phức hợp, từ cơ khí, vật liệu, điện - điện tử tới công nghệ thông tin, xây dựng, logistics… cùng phát triển", TS Nguyễn Văn Lĩnh nói.
Đưa ra tính toán cụ thể, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị ước tính 33,5 tỷ USD. Cùng với đó là chuỗi cung ứng cho công nghiệp phương tiện và thiết bị, ước tính khoảng 34,1 tỷ USD, bao gồm đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu và nhiều hạng mục công nghệ cao khác.
TS Lĩnh cho rằng, đường sắt tốc độ cao còn kéo theo nhu cầu phát triển mạnh ngành điện - điện tử - tự động hóa. Các hệ thống điều khiển tín hiệu, cảnh báo an toàn, cảm biến, vận hành thông minh, vé điện tử… đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp nội địa đầu tư bài bản, chuyển mình từ lắp ráp sang làm chủ công nghệ lõi.
"Thay vì mãi gia công đơn giản, nếu làm chủ được công nghệ sản xuất và bảo trì các linh kiện, phụ tùng đường sắt cao tốc, thì Việt Nam có thể tiến vào nhóm trung cao trong chuỗi giá trị toàn cầu", vị chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, đường sắt còn giúp tái cấu trúc ngành logistics, kết nối hiệu quả với cảng biển, sân bay, khu công nghiệp. "Đây là giải pháp bền vững giúp giảm chi phí logistics - vốn đang ở mức 16-20% GDP - xuống gần bằng mức của các nước phát triển là dưới 10%", TS Lĩnh nhấn mạnh.
Rộng hơn, chuyên gia kinh tế Đoàn Ngọc Khanh chỉ ra thực tế, mỗi tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ hình thành một trục phát triển mới, kéo theo sự xuất hiện của hàng chục đô thị trung chuyển, cụm công nghiệp và trung tâm dịch vụ dọc tuyến. "Không chỉ là vận tải hành khách, đường sắt còn kích hoạt dòng vốn đầu tư bất động sản, dịch vụ, thương mại tại các nhà ga, biến các nhà ga thành trung tâm đô thị mới", bà nói.
Theo bà, ở góc độ xã hội, ngành công nghiệp đường sắt có thể tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp: từ lao động xây dựng, cơ khí, điện tử, công nhân nhà máy đến nhân sự vận hành, bảo trì, logistics và dịch vụ đi kèm. Đây là cú hích lớn giúp chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm thất nghiệp và thúc đẩy phát triển bền vững.
Vị chuyên gia cũng nhắc tới thực tế, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ngành đường sắt từng là "máy hút" việc làm, với hàng trăm nghìn nhân lực trình độ kỹ thuật cao được đào tạo, sử dụng ổn định trong suốt hàng chục năm. "Việt Nam hoàn toàn có thể đi theo con đường này nếu có chính sách đầu tư và quy hoạch đúng đắn", vị chuyên gia khẳng định.
Đừng để lỡ chuyến tàu xây dựng trụ cột quốc gia
Theo các chuyên gia, để phát triển một ngành công nghiệp lớn như đường sắt cao tốc, Việt Nam cần có doanh nghiệp đủ năng lực. Ở góc độ này, nhiều người nhắc đến tiền lệ mang tính biểu tượng là VinFast và ngành công nghiệp ô tô Việt.
"Trước khi VinFast xuất hiện, Việt Nam gần như không có ngành công nghiệp ô tô thực thụ. Tên gọi 'công nghiệp lắp ráp' là đúng nhất với tình trạng khi đó", TS Nguyễn Văn Lĩnh nhận định.
Sự ra đời của VinFast không chỉ đưa ô tô Việt lên bản đồ thế giới, mà còn tạo ra chuỗi cung ứng nội địa, thúc đẩy đầu tư vào cơ khí, vật liệu, công nghệ điện tử… Bài học này có thể lặp lại với ngành đường sắt cao tốc nếu có một doanh nghiệp dám đi đầu, tương tự như VinSpeed hiện nay.
"Việt Nam đang đứng trước cơ hội có một VinFast thứ hai - lần này là trong công nghiệp đường sắt tốc độ cao. Nếu Việt Nam tiếp tục chậm trễ trong phát triển công nghiệp đường sắt, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội tạo ra chuỗi giá trị chiến lược mang tầm quốc gia", vị chuyên gia chia sẻ.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu quan điểm: "Giao cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có đủ năng lực thực hiện dự án này cần được xem là điều kiện tiên quyết". Đây là bước đi chiến lược, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về Kinh tế tư nhân vừa được ban hành.
"Nếu có một doanh nghiệp trong nước như VinSpeed - song hành hỗ trợ là Vingroup đủ năng lực, đủ khát vọng và sẵn sàng đầu tư - thì nên giao. Vingroup, với hệ sinh thái và kinh nghiệm triển khai những dự án quy mô lớn, là một trong số ít tập đoàn hội đủ điều kiện để thực hiện thành công những dự án tầm cỡ quốc gia", vị chuyên gia khẳng định.
Ở góc độ vĩ mô, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC nhấn mạnh cách tiếp cận bằng tư duy cởi mở, tích cực và dài hạn.
"Quá lo ngại sẽ dễ bỏ qua cơ hội đối với doanh nghiệp tư nhân và nền kinh tế. Điều cần vượt qua không phải là ai làm, mà là tư duy ngại thay đổi và thiếu cơ chế kiểm soát rõ ràng", luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cong-nghiep-duong-sat-toc-do-cao-trien-vong-cho-viet-nam-20250523075020846.htm
Bình luận (0)