Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: MAI QUẾ |
Ghi nhận nhiều khởi sắc từ doanh nghiệp
Quý 1-2025, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đạt 1.277,5 tỷ đồng, bằng 25,3% mục tiêu doanh thu năm 2025 (5.050 tỷ đồng), tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024; lợi nhuận sau thuế 57,8 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ (44,6 tỷ đồng). Ông Nguyễn Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường dệt may Việt Nam tăng trưởng, đơn hàng ổn định, nhu cầu và giá bán của ngành sợi được cải thiện so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, công ty chủ động kiểm soát các chi phí sản xuất kinh doanh cũng góp phần cải thiện hiệu quả tài chính so với cùng kỳ. Hiện đơn vị tiếp tục tập trung cho công tác thị trường, khai thác đa dạng thị trường xuất khẩu; tìm kiếm, mở rộng nguồn cung nguyên liệu từ các quốc gia và phát triển nguồn cung trong nước thông qua các hình thức liên kết với doanh nghiệp dệt nhuộm. Công ty tập trung nghiên cứu, định hình trong công tác thiết kế, phát triển mẫu, mua nguyên phụ liệu và hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất nội tại để gia tăng giá trị cho các sản phẩm may mặc và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cũng ghi nhận sản xuất tích cực trong quý 1-2025, doanh thu Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đạt 663,3 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024 (647,3 tỷ đồng), tuy vậy lợi nhuận sau thuế của công ty tăng khá tốt so với cùng kỳ do chi phí tài chính giảm 39%.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, công ty đang vận hành nhà máy với 2 phân xưởng trong Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và các đơn vị trực thuộc tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, công suất tối đa 7.300 tấn sản phẩm/năm. Để bảo đảm hoạt động sản xuất liên tục và đẩy mạnh kinh doanh, cuối năm 2024, công ty triển khai mua mới máy móc thiết bị gồm hệ thống máy luộc tôm công suất 750kg/giờ và băng chuyền cấp đông lai HQF nhằm thay đổi hệ thống cấp đông, máy luộc đã cũ với tổng mức đầu tư gần 6,6 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước. Ảnh: MAI QUẾ |
Trong khi đó, doanh thu thuần quý 1-2025 của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đạt 1.179,7 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái dù sản lượng tăng. Nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, cụ thể giá cao su nguyên liệu tăng 25-30% so với cùng kỳ, bên cạnh đó chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng.
Theo đại diện công ty, DRC đang triển khai các chiến lược nhằm ổn định hoạt động sản xuất và kinh doanh. Công ty dự kiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Trung Đông và châu Phi để giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời, quý 2-2025 sẽ khởi sắc hơn nhờ giá dầu mỏ đang giảm - yếu tố quan trọng trong sản xuất lốp.
4 nhóm ngành công nghiệp đều tăng trưởng
Theo báo cáo của Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4-2025 ước tăng lần lượt 7,4% so với tháng trước và 10,6% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, điểm nổi bật là cả 4 nhóm ngành chính đều đạt tốc độ tăng trưởng dương.
Cụ thể: nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 10,6% so với tháng cùng kỳ; hoạt động sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng 4,5% so với tháng trước và 11,1% so với tháng cùng kỳ; nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng khá mạnh với 17,9% so với tháng trước, 10,7% so với cùng kỳ cho thấy nhu cầu về dịch vụ cung cấp nước và xử lý môi trường ngày càng được chú trọng; hoạt động khai khoáng tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 8% so với tháng cùng kỳ năm 2024.
Tính chung 4 tháng năm 2025, chỉ số IIP tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng và cơ bản tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng mà nghị quyết HĐND thành phố đề ra. Việc gia tăng lượng đơn hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2025 đã thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp ở một số nhóm ngành tăng cao như: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 34%, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 29,7%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,8%, sản xuất sản phẩm từ cao su tăng 26%, sản xuất xe có động cơ tăng 25,9%... Bên cạnh đó, một số nhà máy mở rộng quy mô sản xuất góp phần thúc đẩy gia tăng khối lượng sản xuất sản phẩm trên địa bàn.
Theo Sở Công Thương, thành phố đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2025 tăng 11-12% so với năm 2024; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 đạt 8-9% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu trên, mức tăng trưởng đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2025 dự kiến: hàng dệt may 7,8%; thủy sản 8%; thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ 6%; đồ chơi trẻ em 5%; cao su thành phẩm 9,6%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử tăng 9,2%. Về giải pháp, thành phố xác định thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu là vấn đề quan trọng nhất cần đẩy mạnh, trong đó tập trung các nhóm giải pháp: phát triển sản xuất và mở rộng thị trường; phát triển logistics; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nguồn nhân lưc.
Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều thách thức do các yếu tố khó lường của kinh tế thế giới. Sở đang phối hợp chặt chẽ với đầu mối của Bộ Công Thương để kịp thời cập nhật thông tin đến doanh nghiệp về các quy định thuế quan, rào cản thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm để giúp doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thích ứng với bối cảnh thị trường biến động.
Đồng thời, sở tiếp tục triển khai các đề án khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn chuyển đổi dây chuyền, thiết bị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm môi trường và hiệu quả sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để thuận lợi trong việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.
MAI QUẾ
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/cong-nghiep-tiep-da-tang-truong-tich-cuc-4006688/
Bình luận (0)