
Cú bứt tốc này không chỉ phản ánh tốc độ phát triển năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về chiến lược đột phá để Đà Nẵng có thể vươn xa hơn trên bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Cú hích tạo đà
Theo ông Nguyễn Văn Chương, quản lý chương trình Swiss Entrepreneurship Program Vietnam (Thụy Sĩ) tại Đà Nẵng, trong bảng xếp hạng GSEI của StartupBlink, ba yếu tố chính được sử dụng để đánh giá và xếp hạng một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm: số lượng (quantity), chất lượng (quality) và môi trường kinh doanh (business environment).
Các yếu tố này áp dụng nhằm đo lường quy mô và mật độ hoạt động khởi nghiệp tại một địa phương; đánh giá chất lượng và tầm ảnh hưởng của các thành tố trong hệ sinh thái; đo lường sự thuận lợi của môi trường pháp lý, hạ tầng và chính sách đối với khởi nghiệp.
Việc thành phố tăng 130 bậc so với bảng xếp hạng năm 2024 phản ánh rõ tốc độ tăng trưởng khởi nghiệp, số lượng sự kiện kết nối (meetups) đang gia tăng nhờ các chính sách hỗ trợ miễn thuế và các không gian như Công viên Phần mềm Đà Nẵng số 2. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần nỗ lực hơn để rút ngắn khoảng cách với nhóm 500 thành phố hàng đầu thế giới, đặc biệt cải thiện ở các chỉ số như số lượng startup kỳ lân (unicorns), số trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty quốc tế và chỉ số thông thạo tiếng Anh (EPI).
Trong khi đó, Giám đốc Draper Startup House (DSH) Việt Nam Aaron Everhart, thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp của quỹ đầu tư mạo hiểm Draper, nhận định, Đà Nẵng đang sở hữu một hệ sinh thái sôi động với nhiều startup công nghệ mới. Sự phát triển nhanh chóng của các công cụ SaaS, nền tảng low-code, AI, blockchain... đã giúp rút ngắn khoảng cách từ ý tưởng đến sản phẩm thử nghiệm.
Những công nghệ này khiến việc khởi nghiệp trở nên dễ dàng, tiết kiệm và thực tiễn hơn bao giờ hết. Một trong những sự kiện trọng điểm góp phần thúc đẩy sự vươn lên của Đà Nẵng là Diễn đàn Đầu tư và Khởi nghiệp Đà Nẵng - DAVAS 2025. Đây là nơi gặp gỡ giữa các nhà sáng lập, nhà đầu tư, cố vấn, các tổ chức hỗ trợ và doanh nghiệp. Theo ông Aaron, việc tổ chức thành công sự kiện liên tục trong hai năm qua cho thấy, Đà Nẵng đã và đang tạo cơ hội để tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp (từ tập đoàn đa quốc gia đến các công ty SMEs) với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (incubators, Draper Startup House, Kilsa Global...).
Đặc biệt, việc ra mắt các không gian đổi mới sáng tạo với các quốc gia, vùng lãnh thổ nổi bật trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu tại thành phố đánh dấu bước phát triển vượt bậc, đóng vai trò then chốt trong việc tạo đà bứt phá đối với hệ sinh thái của Đà Nẵng. Trong khuôn khổ của DAVAS 2025 vừa qua, thành phố ra mắt Không gian Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - vùng Vịnh lớn (Greater Bay Area Innovation Center).
Bà Trần Hạnh Trang, Giám đốc điều hành và sáng lập của Enosta Group, cho biết đây là bước tiến chiến lược nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng với các trung tâm công nghệ và tài chính hàng đầu khu vực như: Thâm Quyến, Quảng Châu, Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc). Các không gian này sẽ trở thành nền tảng thiết yếu giúp startup địa phương tiếp cận thị trường quốc tế, nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến và đội ngũ chuyên gia chất lượng cao. Đây cũng là không gian lý tưởng để ươm tạo ý tưởng, chia sẻ tri thức và thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Đà Nẵng với các địa phương và ngược lại.
Theo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ), tính đến nay, thành phố ban hành gần 30 chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có các chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá và chưa từng có tiền lệ như: thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; miễn thuế cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ; hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai những kế hoạch dài hạn mang tính chiến lược như: thành lập Khu Thương mại tự do, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế… hứa hẹn tạo xung lực để Đà Nẵng bứt phá, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Một trong những điểm đáng chú ý là việc đầu tư mạnh vào hạ tầng khởi nghiệp, kể đến như: Không gian Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm kết nối và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp; Công viên Phần mềm số 2, với diện tích sàn hơn 92.000m², được thiết kế để phục vụ 6.000 nhân lực, tập trung vào các ngành công nghiệp bán dẫn và AI; hạ tầng số hiện đại với cáp quang biển quốc tế APG và SEMEWE 3; hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông đạt tiêu chuẩn quốc tế...
Bứt phá để cải thiện thứ hạng
Ông Aaron Everhart nhìn nhận, Đà Nẵng hiện nằm trong nhóm những địa phương dẫn đầu về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, với những chính sách tiên phong như: mô hình thử nghiệm “sandbox”, các khu công nghệ và hàng loạt trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp chuyên biệt theo từng ngành nghề, lĩnh vực công nghệ…

“Thành phố cần xây dựng cổng thông tin thử thách (challenge portal) để doanh nghiệp nêu bài toán thực tế và startup đưa ra giải pháp phù hợp để rút ngắn khoảng cách giữa ý tưởng và nhu cầu thị trường. Đà Nẵng cũng cần đẩy mạnh kết nối giữa các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như các vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp với khối doanh nghiệp, từ tập đoàn đa quốc gia đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặt khác, duy trì các chương trình hỗ trợ sau sự kiện như: hội thảo, đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật, kinh doanh, kỹ năng mềm và ngoại ngữ, tạo nền tảng vững chắc cho startup tiếp cận vốn và phát triển bền vững. Với sự đồng hành của các đối tác quốc tế như Draper Startup House và Kilsa Global, Đà Nẵng có cơ hội bứt phá để trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu châu Á”, ông Aaron Everhart bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, từ thực tiễn của hệ sinh thái, thành phố cần tập trung vào nhóm giải pháp toàn diện xoay quanh ba trụ cột: số lượng - chất lượng - môi trường kinh doanh.
Một trong số đó là việc tăng cường số lượng startup, thu hút thêm 100-200 startup mới từ các thành phố trong khu vực và quốc tế, thông qua chính sách miễn thuế, hỗ trợ tài chính; mở rộng 20-30 không gian làm việc chung, kết nối cùng các tổ chức như: Swiss EP, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (DISSC); tổ chức 50-70 sự kiện kết nối mỗi năm để tăng mật độ tương tác; tập trung phát triển chương trình ươm tạo theo ngành: AI, blockchain (công nghệ chuỗi khối), thương mại điện tử xuyên biên giới, công nghệ thực phẩm, khoa học đời sống, tạo bản sắc riêng biệt cho hệ sinh thái Đà Nẵng…
Hệ sinh thái của Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng của startup qua việc đào tạo startup trước các sự kiện gọi vốn lớn qua các chương trình tăng tốc chuyên ngành, hướng đến mục tiêu tổng vốn đầu tư đạt 100 triệu USD trong 3 năm.
Bên cạnh đó, thu hút các trung tâm R&D quốc tế như: Nvidia, Marvel, Soitec, FPT, Viettel về đặt tại Công viên Phần mềm số 2; nâng tầm DAVAS thành sự kiện quy mô lớn, với trên 1.000 người tham gia, có sự góp mặt của chuyên gia, nhà sáng lập tầm vóc toàn cầu.
Đồng thời, cần cải thiện môi trường kinh doanh qua việc đơn giản hóa thủ tục; triển khai visa khởi nghiệp và visa cho digital nomad (du mục kỹ thuật số), thu hút chuyên gia quốc tế; cải thiện hạ tầng số; tăng chỉ số thông thạo tiếng Anh (English Proficiency Index) thông qua chương trình đào tạo tiếng Anh tại 18 trường đại học trên địa bàn.
“Bằng cách chọn ngách chiến lược công nghệ tiên phong (kinh tế số - thương mại điện tử xuyên biên giới, AI, blockchain, công nghệ thực phẩm, khoa học sự sống) và xây dựng bản sắc “Thành phố đổi mới sáng tạo miền Trung”, cùng với các đề xuất trên, Đà Nẵng có thể tăng tổng điểm GSEI lên 4.0 - 4.5, hướng tới top 500 toàn cầu vào năm 2030 và top 10 châu Á về công nghệ mới nổi”, ông Chương cho hay.
Nguồn: https://baodanang.vn/da-nang-can-lam-gi-de-but-pha-tren-ban-do-khoi-nghiep-toan-cau-3264808.html
Bình luận (0)