Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại học Đà Nẵng phải là trung tâm kiến thức và đổi mới sáng tạo của khu vực

GD&TĐ - Ngày 23/7, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương làm việc với ĐH Đà Nẵng về triển khai các chủ trương của Đảng trong lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại23/07/2025

Ông Huỳnh Thành Đạt, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng về việc khảo sát, đánh giá thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, môi trường và công tác tri thức.

Cụ thể hóa Nghị quyết bằng các mục tiêu, chương trình hành động

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã báo cáo kết quả triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước tại đơn vị, đặc biệt là việc cụ thể hóa Nghị quyết 45/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức và Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, hoạt động công bố quốc tế được Đại học Đà Nẵng quan tâm, đẩy mạnh. Số bài báo quốc tế trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus) giai đoạn 2020-2024 tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2016-2020 (hơn 2.600 bài), bình quân tăng xấp xỉ 10%/năm. Năng suất công bố khoa học của đội ngũ tiến sĩ tăng mạnh, từ 0,18 bài/tiến sĩ năm 2015 lên 0,74 bài/tiến sĩ năm 2024. Tỷ lệ các bài báo Q1/Q2 trong tổng số các bài WoS/Scopus tăng đáng kể, từ 58% năm 2020 lên 83% năm 2024…

dai-hoc-da-nang-ban-tuyen-giao.jpg
Ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Năm 2024, Đại học Đà Nẵng triển khai 242 đề tài các cấp với tổng kinh phí huy động đạt 39,7 tỷ đồng. Đại học Đà Nẵng là điểm đến của nhiều diễn đàn học thuật với trên 25 hội thảo quốc tế uy tín, tiêu biểu như Hội nghị quốc tế về Truyền thông và Điện tử lần thứ 10 (IEEE ICCE), Hội thảo quốc tế về Kế toán và Tài chính (ICOAF), Hội thảo quốc tế “Ứng dụng Công nghệ mới trong công trình xanh” (ATiGB), Hội thảo Khoa học Quốc tế về Công nghệ thông tin và Ứng dụng trong các lĩnh vực (CITA)...

Thực hiện kế hoạch hành động về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết 57-NQ/TW, các đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó chủ động đề xuất hơn 100 nhiệm vụ cụ thể. Các đề xuất này được phân thành 4 nhóm trọng tâm: Đột phá khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số và các nhiệm vụ liên quan khác.

Đại học Đà Nẵng có nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực cao. Các giảng viên trẻ sau khi được tuyển dụng phải cam kết lộ trình đi đào tạo ở nước ngoài bằng Đề án của Chính phủ hoặc chương trình học bổng khác. Nhờ vậy, hàng năm, Đại học Đà Nẵng có thêm từ 60 đến gần 100 tân tiến sĩ, đa số được đào tạo ở nước phát triển nên có năng lực ngoại ngữ xuất sắc và chuyên môn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Giảng viên được tạo điều kiện để tự chủ học thuật, tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi chuyên môn tại nước ngoài.

Đại học Đà Nẵng cũng đón đầu, mở mới các ngành, chuyên ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung như: Vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, công nghệ tài chính, logistics, …

Đại học Đà Nẵng đề nghị thành phố Đà Nẵng cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có hệ thống đối với từng ngành, lĩnh vực. Có sự chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ từ phổ thông đến ĐH để giáo dục STEM hình thành nên lớp học sinh, sinh viên say mê khoa học và toán học, là nguồn đầu vào quan trọng cho các trường ĐH tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.

Đại diện lãnh đạo các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng nêu những thuận lợi, khó khăn cũng như đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai nghị quyết về khoa học, công nghệ. Từ thực tiễn nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, các nhà khoa học đồng thời cũng là cán bộ quản lý trường đại học gợi mở điều kiện để phát huy hơn nữa vai trò, tiềm lực của đội ngũ trí thức trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

dai-hoc-da-nang-dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song.png
Các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Tại buổi làm việc, Đại học Đà Nẵng kiến nghị Trung ương xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho đại học vùng, trong đó được tự chủ sâu rộng về tài chính, tổ chức bộ máy, chính sách nhân sự và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ theo mô hình Đại học Quốc gia.

Kiến nghị cho phép Đại học Đà Nẵng triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Xuất sắc, Quỹ đầu tư khoa học công nghệ cấp đại học với cơ chế bảo lãnh công nghệ cho các công ty khởi nguồn, cơ chế tài chính linh hoạt, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng đề nghị Trung ương ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư trung hạn cho các dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghệ lõi như: AI, chip bán dẫn, năng lượng xanh, thiết kế vi mạch, công nghệ tài chính và kinh tế số, công nghệ sinh học và nông nghiệp - thủy sản công nghệ cao.

Cộng hưởng các nguồn lực đầu tư

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Thành phố hỗ trợ Đại học Đà Nẵng rà soát Quy hoạch 1/2000 cho Dự án Xây dựng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc; đầu tư cơ sở vật chất, các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm dùng chung, nhất là đối với ngành như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; huy động nguồn lực xã hội hóa, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia; tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Đại học Đà Nẵng phát triển trở thành Đại học Quốc gia…

so-gddt-da-nang.png
Đại diện Sở GD&ĐT và Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng gợi mở cơ chế phối hợp với Đại học Đà Nẵng trong các lĩnh vực có liên quan.

Ông Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao Đại học Đà Nẵng trong việc chủ động, sáng tạo tiếp cận, triển khai tích cực các chủ trương, Nghị quyết về phát triển đội ngũ trí thức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện cơ chế chính sách và đổi mới hệ thống quản trị đại học tiên tiến.

Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương gợi mở một số định hướng để Đại học Đà Nẵng triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, môi trường và công tác tri thức.

Theo đó, Đại học Đà Nẵng cần tiếp tục triển khai, cụ thể hóa tầm nhìn, chiến lược phát triển thành Đại học Quốc gia, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ trí thức, các nhóm nghiên cứu mạnh; bồi dưỡng nhân tài thông qua các chương trình liên kết đào tạo và nghiên cứu trong và ngoài nước; có cơ chế thu hút, giữ chân các nhà khoa học, chuyên gia; huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế từ xã hội hóa.

Vận hành Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của Đại học Đà Nẵng, chú trọng phát triển các doanh nghiệp spin-off để thương mại hóa sản phẩm, kết quả nghiên cứu; khuyến khích đăng ký sở hữu trí tuệ; tăng cường đầu tư vào các ngành, lĩnh vực chiến lược như danh mục của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, trong đó có AI, chip bán dẫn, dữ liệu lớn, năng lượng tái tạo…

Ông Huỳnh Thành Đạt gợi mở Đại học Đà Nẵng cần xây dựng chiến lược, mô hình chuyển đổi số hướng tới đại học thông minh kết nối với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết vùng, gắn với phát triển vùng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường đào tạo nguồn nhận lực chất lượng cao, phát triển Đại học Đà Nẵng thành trung tâm tri thức của khu vực miền Trung và cả nước.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dai-hoc-da-nang-phai-la-trung-tam-kien-thuc-va-doi-moi-sang-tao-cua-khu-vuc-post741164.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm