Một dữ liệu công bố ngày 21/2 cho thấy ngày càng nhiều đàn ông ở Hàn Quốc không làm việc, cũng không tìm việc làm, thay vào đó dùng toàn bộ thời gian để nuôi dạy con cái.
Cụ thể, báo Korea Herald dẫn dữ liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) cung cấp, cho biết số nam giới coi việc chăm sóc trẻ em là lý do để không tham gia vào nền kinh tế vào năm 2023 là khoảng 16.000 người, tăng 37,4% so với khoảng 12.000 người của năm trước.
Đây là mức cao nhất từ trước tới nay kể từ khi KOSTAT tổng hợp dữ liệu lần đầu tiên vào tháng 6/1999.
Số lượng ông bố nội trợ cũng tăng đều đặn, từ 6.000 người vào năm 2013 lên 9.000 vào năm 2019, và đạt 13.000 người vào năm 2021.
Mức tăng được đánh giá là xuất phát từ việc chính phủ mở rộng chính sách cho vợ chồng nghỉ khi sinh con và nam giới ngày càng nhận thức được việc chăm sóc con cái là quan trọng.
Tính theo nhóm tuổi, nam giới độ tuổi 40 chiếm cao nhất (khoảng 8.400 người, tương đương 53,3%), tiếp theo là độ tuổi 30 (4.600 người, tương đương 28,8%).
Mặt khác, số phụ nữ không đi làm, không tham gia vào việc kiếm tiền là khoảng 840.000, đánh dấu mức giảm 14,7% so với 984.000 của năm trước. Các con số này giảm dần do ngày càng có nhiều phụ nữ tiếp tục làm việc sau khi sinh con.
Theo nhóm tuổi, phụ nữ ở độ tuổi 30 có 497.000 người (tương đương 59,1%), ở độ tuổi 40 là 219.000 người, tương đương 26,1%.
Tỉ suất sinh của Hàn Quốc giảm xuống 0,72 vào năm 2023. Chính phủ đang tiến hành cuộc chiến chống lại tình trạng tỉ lệ sinh thấp khi con số dự kiến trong năm nay sẽ giảm xuống còn 0,68.
Ngày 21/2, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giải quyết tỉ lệ sinh thấp, bao gồm hỗ trợ dịch vụ chăm sóc trẻ em cho gia đình có hai nguồn thu nhập, cũng như trợ cấp một phần chi phí chăm sóc trẻ.
Bộ Bình đẳng giới cũng chạy thử nghiệm dịch vụ chăm sóc trẻ em khẩn cấp, cho phép bố mẹ đăng ký chậm nhất 2 giờ trước đó, nhằm đối phó với các trường hợp khẩn cấp tại nơi làm việc.
Ngoài ra, các gia đình có từ 2 con trở lên sẽ được trợ cấp một phần chi phí chăm sóc trẻ. Chính phủ cũng tăng cường hỗ trợ cho các gia đình đa văn hóa với các khoản trợ cấp từ 400.000 – 600.000 won (60.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đến từ các hộ gia đình đa văn hóa có thu nhập thấp được nhận trợ cấp).
Bộ trưởng Kim Hyun Sook cho biết: “Đức và Thụy Điển đã ghi nhận tỉ lệ sinh tăng trở lại nhờ tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình”.
“Nền tảng để giải quyết tỉ lệ sinh thấp có thể đạt được bằng cách thúc đẩy một môi trường thân thiện với gia đình, nơi đàn ông và phụ nữ cùng làm việc và chăm sóc con cái, nhằm giảm bớt gánh nặng chăm sóc trẻ em”.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ, Phụ nữ Tp.HCM)