Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ hướng dẫn người dân thị trấn Sông Cầu cài đặt ứng dụng VBSP smartbanking để quản lý tín dụng chính sách. |
Tính đến thời điểm này, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đang quản lý trên 113.400 khách hàng, với tổng dư nợ trên 5.361 tỷ đồng.
Do lượng khách hàng vay vốn lớn, trải dài khắp các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa, nên việc đẩy mạnh số hóa không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Với mục tiêu "đưa ngân hàng đến gần người dân hơn", NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hàng loạt giải pháp công nghệ để hiện đại hóa hoạt động tín dụng chính sách. Hồ sơ vay vốn được số hóa, xử lý trực tuyến; người dân có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, lịch trả nợ và giao dịch dễ dàng qua Mobile Banking, Internet Banking mà không cần phải đi lại nhiều lần.
Công nghệ Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được áp dụng để đánh giá chất lượng tín dụng, sàng lọc rủi ro và hỗ trợ ra quyết định cho vay. Đặc biệt, việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã giúp NHCSXH xác thực thông tin người vay một cách chính xác, minh bạch hơn.
Chị Khương Thị Mão, ở tổ dân phố Cọ 2, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), cho biết: Trước đây, tôi thường phải lên trụ sở UBND xã vài lần thì mới hoàn thiện được hồ sơ vay vốn. Đến nay chỉ cần dùng điện thoại là xem được tiến độ xử lý hồ sơ, rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian.
Không dừng ở đó, NHCSXH tỉnh cũng đang ứng dụng công nghệ blockchain để bảo mật dữ liệu và minh bạch hóa giao dịch, giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận và sai sót. Nhờ vậy, quy trình vận hành được tối ưu, giảm chi phí, tăng tính hiệu quả.
Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh số hóa trong hoạt động không phải không có trở ngại. Tại các huyện miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn (như: Võ Nhai, Định Hóa), hạ tầng Internet chưa ổn định, thiết bị thông minh chưa phổ biến, dẫn đến việc tiếp cận các dịch vụ số còn nhiều hạn chế.
Một bộ phận người dân, đặc biệt là người cao tuổi, vẫn ngần ngại hoặc chưa thành thạo thao tác trên ứng dụng điện thoại. Chị Bàn Thị Minh, ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa), chia sẻ: Tôi sợ thao tác sai có thể mất tiền nên vẫn chọn cách đến điểm giao dịch tại xã cho chắc chắn.
Ngoài ra, thách thức về an ninh mạng, bảo mật dữ liệu cũng là vấn đề được NHCSXH tỉnh đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao có những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi.
Một hộ dân ở xã Tân Long (Đồng Hỷ) được vay vốn chính sách để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống. |
Để chuyển đổi số thực sự lan tỏa tới từng hộ dân, vai trò của các tổ tiết kiệm - vay vốn tại cơ sở rất quan trọng. Anh Nông Quý Hợi, Tổ trưởng tổ tiết kiệm - vay vốn xóm Đồng Mới, xã Phú Thượng (Võ Nhai), cho biết: Công nghệ giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian trong hoạt động, nhưng với những khách hàng lớn tuổi thì cần có hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu hơn.
Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc NHCSXH tỉnh: Đẩy mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay. Chúng tôi đang tăng cường mở rộng hệ thống hỗ trợ khách hàng, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kỹ năng số cho người dân và cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể. Đồng thời đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng bảo mật thông tin để người dân vay vốn an tâm giao dịch.
Ứng dụng công nghệ không chỉ giúp NHCSXH tỉnh quản lý hoạt động hiệu quả hơn, mà quan trọng nhất là đem lại cơ hội tiếp cận vốn nhanh chóng, minh bạch và an toàn cho các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào ở vùng khó khăn. Đó cũng là một bước đi quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trong kỷ nguyên số.
Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ. Đó là hành trình thay đổi cách tiếp cận, cách phục vụ và cách sống - để mỗi đồng vốn chính sách đến được đúng đối tượng, đúng lúc và mang lại giá trị, hiệu quả trong cuộc sống.
Để chuyển đổi số trong lĩnh vực tín dụng chính sách thật sự “chạm” tới người dân, thời gian tới cần sự phối hợp chặt chẽ từ ba phía: Chính quyền địa phương - ngân hàng - người dân. Trong đó, việc ưu tiên phủ sóng internet đến những vùng khó khăn, nâng cao nhận thức số và đào tạo kỹ năng công nghệ cơ bản cho người dân chính là "chìa khóa" then chốt.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/day-manh-ung-dung-cong-nghe-so-quan-ly-tin-dung-chinh-sach-fb22456/
Bình luận (0)