(MPI) – Tập trung cao độ thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực trọng điểm; bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực quốc gia; đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao. Đây là một trong những nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường thu hút đầu tư các dự án sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu cơ bản của nước ngoài.
Rà soát, kịp thời xử lý vướng mắc ở các dự án sản xuất các mặt hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến có vai trò quan trọng để các dự án này sớm đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Đẩy mạnh hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, phát huy hiệu quả cơ chế tổ công tác làm việc với từng doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số…
Tăng cường bố trí nguồn lực tài chính phù hợp cho các chương trình đào tạo và nghiên cứu phục vụ phát triển nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi của ngành và địa phương.
Tiếp tục triển khai thực chất, hiệu quả Đề án 06 gắn với tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hình thành hệ sinh thái công dân số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giảm phiền hà, thời gian, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; quyết liệt tháo gỡ các dự án tồn đọng, yếu kém. Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính theo quy định; 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Tập trung số hóa, hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, đưa vào vận hành tháng 6 năm 2025.
Tiếp tục chủ động, quyết liệt, tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém.
Tập trung rà soát, phân loại và đề xuất cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc, sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng, chống lãng phí, giải phóng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-12-12/Day-nhanh-chuyen-doi-so-quoc-gia-phat-trien-kinh-t392jgf.aspx