Những chuyển động của điện ảnh Việt Nam gần đây cho thấy, chúng ta vừa học hỏi nước bạn, vừa phát huy nội lực để định hình lối đi riêng. Tiếp tục có chiến lược đúng đắn, giấc mơ về một nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam “cất cánh”, vươn tầm quốc tế sớm thành hiện thực.

Mẫu hình lý tưởng cho Việt Nam
Trong Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) diễn ra tại Đà Nẵng từ 29-6 đến 5-7, điện ảnh Hàn Quốc được chọn là tiêu điểm với chương trình chiếu những bộ phim được sản xuất từ những năm 1960 đến nay. Qua đó, công chúng và giới chuyên môn có thể thấy rõ từng thời kỳ vượt khó, vươn lên, chớp cơ hội, gây dựng nội lực một cách bài bản để đi đến thành công của điện ảnh Hàn Quốc.
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF III đánh giá, điện ảnh Hàn Quốc là một “tấm gương lớn” cho Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Khi xem lại nhiều phim Hàn từ thập niên 1960, Ban tổ chức ngỡ ngàng vì sự tương đồng bất ngờ với các tác phẩm điện ảnh Việt cùng thời. Tuy nhiên, chỉ vài thập niên sau, nhờ chiến lược quốc gia và làn sóng Hallyu, điện ảnh Hàn Quốc đã tạo nên sự bứt phá ngoạn mục. Sự phát triển song hành giữa nghệ thuật và thị trường đã làm nên sự bền vững cho điện ảnh Hàn Quốc. Đây cũng là điều mà điện ảnh Việt Nam đang hướng tới.
Câu chuyện về đạo diễn lão làng Im Kwon Taek - người được trao giải Thành tựu trọn đời tại DANAFF III, là minh chứng sống động cho cách Hàn Quốc gìn giữ văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh. Các thế hệ đạo diễn kế tiếp như Bong Joon Ho, Park Chan Wook, Hong Sang Soo... đã phát triển phong cách riêng biệt, vừa kế thừa, vừa đổi mới trên nền di sản phong phú.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của điện ảnh Hàn là sự đầu tư mạnh mẽ cho thế hệ đạo diễn trẻ. Ông Kim Dong Ho, nguyên Chủ tịch Liên hoan phim quốc tế Busan nhấn mạnh: “Muốn phát triển nền điện ảnh phải nuôi dưỡng lớp đạo diễn trẻ tài năng”.
Mô hình phát triển điện ảnh Hàn Quốc đáng chú ý là có sự tham gia có định hướng của Chính phủ và các tổ chức chuyên ngành, như Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), trong việc xây dựng hệ sinh thái điện ảnh năng động và chuyên nghiệp.
Bà Park Hee Seong, đại diện KOFIC cho biết, cơ quan này sử dụng nguồn lực công để hỗ trợ nhà làm phim tư nhân, từ đầu tư sản xuất đến phát hành quốc tế, minh bạch hóa doanh thu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Theo đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh, người từng nghiên cứu điện ảnh Hàn Quốc từ những năm 2000, mô hình điện ảnh nước này là hình mẫu gần gũi và khả thi nhất cho Việt Nam, bởi hai quốc gia cùng ở châu Á, có sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, nguồn lực...
“Chìa khóa” phát triển giai đoạn mới
Điện ảnh Việt Nam và Hàn Quốc có quan hệ hợp tác khăng khít từ hàng chục năm qua. Cũng nhờ quá trình đó mà Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của nước bạn trong việc sản xuất phim cũng như phát triển công nghiệp điện ảnh, nên có những bước chuyển rõ nét.
Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh nhớ lại, khi thực hiện bộ phim remake “Em là bà nội của anh” (năm 2015), phía đối tác Hàn Quốc đã yêu cầu “Việt hóa tối đa” để phù hợp với văn hóa bản địa. Chính sự cởi mở trong sáng tạo ấy đã góp phần làm nên thành công của bộ phim, mở đường cho một loạt phim remake ăn khách sau này như “Tháng năm rực rỡ”, “Tiệc trăng máu”... Tuy nhiên, nếu như trước đây các dự án quốc tế chủ yếu đặt Việt Nam ở vai trò hỗ trợ cho ê kíp nước ngoài, thì giờ đây, các nhà làm phim Việt đã có đủ năng lực để tham gia toàn diện, từ khâu kịch bản, sản xuất đến truyền thông.
“Chúng ta đã đi một chặng đường dài và giờ có thể tự tin bước vào bàn hợp tác với tư cách ngang hàng” - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định.
Minh chứng rõ ràng là các dự án hợp tác mới như “Mang mẹ đi bỏ” - phim đồng sản xuất giữa Motive Pictures (Hàn Quốc), Anh Tễu Studio (Việt Nam) và SATE, dự định công chiếu vào ngày 1-8-2025. Đây không phải là phim remake hay nhập khẩu ý tưởng, mà là kịch bản gốc được đạo diễn Mo Hong-jin viết trong thời gian sinh sống tại Việt Nam. Dự án có sự tham gia bình đẳng giữa hai bên, từ dàn diễn viên nổi tiếng như Jung Il-woo (Hàn Quốc), Hồng Đào và Tuấn Trần (Việt Nam), đến đội ngũ sáng tạo và sản xuất từ cả hai quốc gia...
Song, để nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam thực sự “cất cánh” trong giai đoạn mới, việc học hỏi là chưa đủ. Chìa khóa nằm ở ba yếu tố cốt lõi: Con người, văn hóa và chính sách. Trước hết là yếu tố con người, điện ảnh Việt Nam cần một thế hệ đạo diễn, biên kịch, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, có tư duy toàn cầu nhưng vẫn giữ được cái tôi sáng tạo cá nhân.
Tiếp theo là yếu tố văn hóa. Việt Nam sở hữu một kho tàng văn hóa - lịch sử đồ sộ nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả bằng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, nếu biết cách kể chuyện, những giá trị truyền thống của Việt Nam sẽ là lợi thế lớn trên bản đồ điện ảnh thế giới, giống như cách Hàn Quốc từng làm với “Ký sinh trùng”, “Trò chơi con mực”... Quan trọng không kém là chính sách. Điện ảnh là ngành cần sự hỗ trợ toàn diện, từ đào tạo, cấp vốn, cấp phép, phân phối đến quảng bá trong và ngoài nước. Cơ chế minh bạch, ổn định và thân thiện với nhà đầu tư sẽ tạo đòn bẩy cho các dự án điện ảnh lớn hình thành và phát triển.
Sự kết hợp giữa học hỏi mô hình hiệu quả từ Hàn Quốc và phát huy nội lực, gồm con người sáng tạo, bản sắc văn hóa độc đáo và những quyết sách chiến lược đúng đắn sẽ là nền tảng vững chắc để công nghiệp điện ảnh Việt Nam tự tin “cất cánh”, vươn đến thị trường toàn cầu.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/dien-anh-viet-nam-hoc-hoi-de-cat-canh-708862.html
Bình luận (0)