Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên. Định kỳ 2 năm/lần, các cơ sở thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính (danh sách cơ sở này do Thủ tướng Chính phủ ban hành) có trách nhiệm tổ chức kiểm kê, xây dựng báo cáo kiểm kê cấp cơ sở từ năm 2024 trở đi và gửi về UBND cấp tỉnh trước ngày 31-3 kể từ năm 2025 để thẩm định; hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng hoàn chỉnh phương pháp tính toán phát thải khí nhà kính trong 6 lĩnh vực theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, gồm: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải. Cùng với đó, thu thập thông tin, lập báo cáo phân tích tính toán và xây dựng sơ bộ đường cơ sở phát thải khí nhà kính đối với 6 lĩnh vực nói trên và lựa chọn lĩnh vực chất thải để tính toán chi tiết hiện trạng phát thải khí nhà kính cùng dự báo đến năm 2030. Đây cũng là một chương trình thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Ông Nguyễn Thanh Trí, chuyên gia của Trung tâm tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ) cho hay, hiện có 31 cơ sở tại Đà Nẵng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP với tần suất kiểm kê định kỳ 2 năm/lần; trong đó, 22 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương, chủ yếu là các cơ sở sản xuất công nghiệp; 8 cơ sở xây dựng và 1 cơ sở môi trường. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Sơn Phong cho rằng, các văn bản pháp luật quy định rõ danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và quy định rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình...
Việc kiểm kê và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn thành phố không chỉ phục vụ kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon được quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo ghi nhận, trong năm 2024 và đầu năm 2025, các sở, đơn vị liên quan của thành phố tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn và đôn đốc 30 doanh nghiệp xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở để nộp về UBND thành phố trước ngày 31-3. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5-2025, hơn 40% tổng số doanh nghiệp nộp báo cáo này về thành phố. Trước tình hình đó, các sở, ngành tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính và lập kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Sở Xây dựng vừa yêu cầu chủ 32 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà thương mại phối hợp cung cấp thông tin phục vụ quản lý phát thải và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có 8 doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, 18 doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm giai đoạn từ năm 2014 đến nay và 6 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng khác. Sở Công Thương cho biết, đã đôn đốc 22 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính. UBND thành phố vừa ban hành văn bản giao Sở Xây dựng, Sở Công Thương tiếp tục đôn đốc các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính theo quy định.
Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202505/doanh-nghiep-can-thuc-hien-nghiem-kiem-ke-khi-nha-kinh-4007621/
Bình luận (0)