Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đóng tiền tỷ nhưng con không được học, bố mẹ nghe chỉ trích "giàu mà…"

(Dân trí) - Đóng gần 4,5 tỷ đồng theo gói đầu tư giáo dục để con học hết lớp 12 nhưng rồi dang dở giữa đường, chị Thanh nhận về không ít điều tiếng, chỉ trích...

Báo Dân tríBáo Dân trí26/05/2025

"Lỡ mình có chuyện gì, con vẫn được đảm bảo học tập"

Chị Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi) là một trong hàng trăm phụ huynh mua gói đầu tư giáo dục cho con tại Trường Quốc tế Mỹ (AISVN).

3 năm trước, sau khi cân nhắc tài chính và lựa chọn cách thức đóng phí tại trường, chị Thanh quyết định mua gói đầu tư giáo dục không hoàn lại cho hai con với tổng số tiền gần 4,5 tỷ đồng.

Đóng tiền tỷ nhưng con không được học, bố mẹ nghe chỉ trích giàu mà… - 1

Phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ xem lại thông báo gần nhất của trường (Ảnh: H.N).

Thế nhưng, chỉ một bé nhà chị học chưa hết 1 năm, một bé chưa nhập học thì trường đóng cửa vì vỡ nợ.

Người mẹ kể, khi sự việc tại Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) vỡ lở, trường vỡ nợ đóng cửa vào cuối năm học 2023-2024, phụ huynh như chị phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ vật chất đến tinh thần.

Khoản tiền tích góp lâu nay vợ chồng chị đã dồn hết để mua gói đầu tư giáo dục cho con. Giờ tìm trường học khác cho con, anh chị vừa phải cân nhắc môi trường phù hợp vừa cân nhắc tài chính.

Cạnh đó là áp lực về tinh thần mà theo chị Thanh, rất khó để bày tỏ. Trên các diễn đàn, các hội nhóm nói về sự việc, chị đọc được nhiều phản hồi chê bai, tiêu cực về phụ huynh "đóng tiền tỷ cho con vào trường quốc tế".

Chị nghe nhiều ý kiến nói phụ huynh sính ngoại, giàu mà không biết xài tiền, tham thì thâm, với người giàu từng đó ăn thua gì mà phải khóc…

Người mẹ cho biết, ngay trong gia đình, chị cũng không dám nói với bố mẹ về việc mình đóng tiền tỷ vào trường để lo cho con học. Chị không chỉ lo ông bà xót tiền mà còn sợ bị bố mẹ chỉ trích, chê bai…

Trải lòng về việc chi tiền tỷ để con theo học, chị Thanh cho biết, thời điểm đó chị đi tìm trường học cho con. Trường AISVN khi đó được đánh giá tốt về chất lượng, cơ sở vật chất và phù hợp với mong muốn của vợ chồng chị về con đường học tập của con. Chưa kể, trường gần nhà, thuận thiện trong việc đi lại.

Cũng như nhiều phụ huynh khác tìm trường cho con, chị quan tâm cách thức đóng học phí thế nào có lợi và phù hợp với điều kiện của gia đình. Chị Thanh cân nhắc và chọn gói không hoàn lại.

Với hợp đồng này, chị đóng vào trường gần 4,5 tỷ đồng. Đây được xem là số tiền học phí để hai con chị học hết lớp 12 và không được hoàn lại. 

Chị Thanh cho biết, thời điểm đó ngay sau dịch Covid-19, chị chứng kiến nhiều hoàn cảnh bố mẹ ra đi để lại con bơ vơ, bấp bênh trên con đường học tập. Chị nghĩ đến tình huống nếu như mình có chuyện gì thì chí ít con mình vẫn được đảm bảo việc học đến hết lớp 12.

Đóng tiền tỷ nhưng con không được học, bố mẹ nghe chỉ trích giàu mà… - 2

Nhiều phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ chịu nhiều áp lực về kinh tế và cả tinh thần sau khi "đóng tiền tỷ nhưng con không được học" (Ảnh: H.N).

Với chị, đây như là số tiền để mua một gói bảo hiểm về học tập cho con và gói bảo hiểm này không được hoàn lại tiền. Chị đâu thể ngờ, bất trắc lại xảy ra ngay ở trường con học, nơi chị dồn hết tiền bạc và cả sự yên tâm.

"Người ta nói bố mẹ…"

Anh Nguyễn Văn Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi) cũng trải qua giai đoạn chật vật tìm trường mới cho hai con theo học sau sự việc xảy ra tại Trường Quốc tế Mỹ.

Con đường chuyển trường của hai con vô cùng nan giải vì nhiều yếu tố. Một số trường công khó khăn trong việc tiếp nhận do các cháu hạn chế sử dụng tiếng Việt, chương trình học khác nhau.

Rồi không phải trường tư hay song ngữ nào cũng thích hợp. Chưa kể lúc này nhiều phụ huynh khi đã cạn kiệt về tài chính do đã dốc hết tiền mua gói hợp đồng giáo dục để con học hết 12 năm, thêm gần đây công việc làm ăn khó khăn.

Trên thực tế, sau khi trường đóng cửa, không ít học sinh của Trường AISVN đang ở nhà, chưa tìm được chỗ học phù hợp.

Anh Hoàng chia sẻ, không phải phụ huynh nào cho con theo học tại đây cũng giàu có hay thừa tiền như nhiều người nhầm tưởng. Nhiều gia đình với mong muốn đầu tư việc học cho con, họ bán tài sản, thậm chí vay mượn với tâm lý con có môi trường tốt để học hết phổ thông. Còn bố mẹ cày cuốc trả nợ dần…

Đóng tiền tỷ nhưng con không được học, bố mẹ nghe chỉ trích giàu mà… - 3

Một năm qua, nữ sinh Trường Quốc tế Mỹ chưa đi học do gia đình khó khăn, không tìm được trường phù hợp (Ảnh: H.N).

Theo anh Hoàng, mong muốn và đầu tư cho con học của phụ huynh không xấu, không sai. Chỉ là có những sự việc ngoài tầm tay, hiểu biết, cũng chưa từng có tiền lệ nên họ không lường được.

Ông bố kể, khi sự việc xảy ra, trên mạng xuất hiện rất nhiều đả kích, chê bai và cả tấn công phụ huynh. Điều này tác động rất lớn đến tâm lý của những đứa trẻ đang chênh vênh khi trường đóng cửa, phải chuyển đến nơi mới… 

"Nhiều đứa trẻ thu mình lại, việc thích nghi với môi trường mới cũng khó khăn hơn. Con tôi từng nói, người ta chỉ trích bố mẹ kìa", anh Hoàng kể.

Anh Nguyễn Văn Hoàng thừa nhận, với mong muốn con được đảm bảo lộ trình học tập, anh đã đầu tư sai chỗ.

Được biết, trước khi bị vỡ nợ và đình chỉ hoạt động vào tháng 7/2024, Trường AISVN huy động gói đầu tư giáo dục từ phụ huynh với tổng số tiền lên đến 3.600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Linh, chuyên gia giáo dục độc lập ở TPHCM cho hay, gói hợp tác đầu tư giáo dục là nhu cầu lành mạnh, một mô hình hai bên gồm nhà trường và phụ huynh cùng có lợi. Ở TPHCM, không chỉ ở AISVN mà một số trường học khác cũng áp dụng gói hợp đồng giáo dục này.

Tuy nhiên, đi cùng đó cũng có nhiều rủi ro đi kèm xuất phát từ việc phía nhà trường học không lường được việc huy động vốn quá nhiều, dùng tiền dài hạn tiêu cho trước mắt. Còn phụ huynh họ là nạn nhân, không lường hết những rủi ro…

Việc phê phán phụ huynh "sính ngoại" theo ông Linh là không hợp lý vì điều này xuất phát từ nhu cầu, quan điểm của mỗi gia đình. Cũng cần nhìn thực tế phụ huynh chọn trường tư cũng góp phần giảm áp lực về trường lớp, sĩ số cho giáo dục công lập.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dong-tien-ty-nhung-con-khong-duoc-hoc-bo-me-nghe-chi-trich-giau-ma-20250526134428378.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm