
AI đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng (Ảnh: SP).
Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc, dẫn đầu bởi Giáo sư Fu Yanfang (Đại học Công nghệ Tây An), đã phát triển một hệ thống AI (dựa trên mô hình AI DeepSeek) có khả năng tự động tạo ra hàng nghìn kịch bản chiến đấu mô phỏng, giúp giảm thiểu đáng kể thời gian cần thiết cho công tác lập kế hoạch quân sự.
Sự đổi mới này hứa hẹn sẽ định hình lại các chiến lược chiến tranh và có tiềm năng tác động đến cán cân quyền lực toàn cầu.
DeepSeek: "Chỉ huy" kỹ thuật số siêu tốc
Theo truyền thống, công tác lập kế hoạch quân sự phụ thuộc vào các chuyên gia, những người phải dành hàng giờ, thậm chí hàng ngày, để phân tích, dự đoán và mô phỏng các tình huống chiến trường khác nhau.
Quá trình này không chỉ tốn thời gian mà còn bị giới hạn bởi khả năng nhận thức và nguồn lực của các nhà phân tích.
DeepSeek đánh dấu một bước đột phá: Hệ thống AI này có khả năng tạo ra 10.000 kịch bản tiềm năng chỉ trong 48 giây - một nhiệm vụ mà một chỉ huy con người có thể cần tới 48 giờ để hoàn thành.
Khả năng đáng kinh ngạc này không chỉ tiết kiệm thời gian quý báu mà còn cho phép khám phá một phổ khả năng rộng lớn hơn, mang lại những hiểu biết sâu sắc chưa từng có về động lực phức tạp của chiến trường.
Chuyển đổi mang tính bước ngoặt trong huấn luyện quân sự
Việc ứng dụng DeepSeek báo hiệu một sự thay đổi sâu sắc trong cách quân đội huấn luyện và hoạch định tác chiến.
Thay vì dựa vào các kịch bản cứng nhắc theo những quy tắc cố định, hệ thống AI mới này sử dụng một "tác nhân thông minh" có khả năng học hỏi, thích ứng và mô phỏng các tương tác phức tạp giữa lực lượng quân đội và kẻ thù.
Theo Giáo sư Fu, loại hệ thống này cung cấp một môi trường kỹ thuật số, nơi các chiến lược tương lai có thể được thử nghiệm trong điều kiện gần với thực tế.
Thông qua phân tích khối lượng lớn dữ liệu và nhận dạng mẫu, DeepSeek xây dựng một bản đồ tri thức chi tiết về chiến trường, cho phép phân tích và tái hiện các tình huống chiến đấu với độ phức tạp cao.
Cuộc đua AI quân sự toàn cầu
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ mới này. Tại Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng nước này cũng đã triển khai nhiều sáng kiến tương tự nhằm tăng cường năng lực.
Ví dụ nền tảng “Thunderforge”, được phát triển với sự hợp tác của Scale AI, Microsoft và Google, đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình ra quyết định và lập kế hoạch chiến lược ở cấp độ chiến trường.
Thunderforge xử lý lượng thông tin khổng lồ theo thời gian thực và hỗ trợ các trò chơi chiến tranh (wargames) do AI điều khiển, cho phép các chỉ huy dự đoán và phản ứng nhanh chóng trước các mối đe dọa không ngừng biến đổi.
Quân đội Hoa Kỳ cũng đang tích hợp AI vào hoạt động thông qua chương trình Chỉ huy và Kiểm soát chung trên mọi lĩnh vực (JADC2). Chương trình này kết nối các cảm biến trên toàn bộ lực lượng vũ trang thành một mạng lưới thống nhất, được hỗ trợ bởi AI, nhằm cải thiện việc chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực, tăng tốc độ và độ chính xác của việc ra quyết định.
Các quốc gia và sáng kiến quốc tế khác
Bên cạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực phát triển các ứng dụng quân sự dựa trên AI.
Israel được cho là sử dụng một hệ thống có tên "Habsora" (hay "The Gospel"), có khả năng đề xuất tới 100 mục tiêu ném bom mỗi ngày ở Gaza - một tốc độ vượt xa khả năng của các nhà phân tích con người.
Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy chiến lược "tái vũ trang thông minh", tập trung vào các công nghệ hiện đại như máy bay không người lái tự động, tác chiến điện tử và trí tuệ nhân tạo.

Nhiều quốc gia đang tích hợp AI vào trong vũ khí quân sự, kế hoạch tác chiến (Ảnh: SP).
Nổi bật với công ty khởi nghiệp của Đức là Helsing đang nghiên cứu các phương tiện không người lái dưới nước tự động phục vụ giám sát hàng hải trên diện rộng.
Về phần mình, NATO đang khám phá phần mềm có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ để dự đoán xung đột tiềm tàng trước tới 6 tháng. Công ty SensusQ của Estonia đã phát triển một hệ thống phân tích thông tin từ nhiều nguồn để dự đoán các động thái và mối đe dọa trong tương lai, mang lại lợi thế chiến lược quan trọng.
Những vấn đề đạo đức
Tuy nhiên, cuộc chạy đua vũ trang kỹ thuật số này cũng đặt ra những câu hỏi lớn về đạo đức.
Việc gia tăng sử dụng AI trong các hoạt động quân sự làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm dụng, đặc biệt là liên quan đến quyền tự chủ của vũ khí, trách nhiệm pháp lý trong trường hợp xảy ra sai sót và nguy cơ leo thang xung đột ngoài tầm kiểm soát.
Vào ngày 12/5, Liên Hợp Quốc đã có các cuộc thảo luận về nhu cầu quản lý vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Bất chấp những nỗ lực này, một khuôn khổ quốc tế nghiêm ngặt vẫn chưa được thông qua, trong bối cảnh các cường quốc như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ thường ưu tiên các quy định quốc gia hơn là các tiêu chuẩn toàn cầu.
Tại Hoa Kỳ, một đề xuất chính sách về việc sử dụng AI có trách nhiệm trong quân đội đang được xây dựng nhằm xác định các nguyên tắc đạo đức. Trong khi đó, Úc đang phân tích các rủi ro pháp lý và đạo đức liên quan đến AI quân sự để xây dựng các kế hoạch quản lý phù hợp.
Có thể thấy, sự phát triển của các hệ thống trí tuệ nhân tạo như DeepSeek minh chứng cho một sự thay đổi mang tính kiến tạo trong cách chúng ta nhận thức, lập kế hoạch và tiến hành các cuộc xung đột vũ trang.
Những công cụ này không chỉ cho phép tăng tốc độ và độ chính xác mà còn mở rộng đáng kể phạm vi các khả năng chiến lược.
Trong khi cuộc cách mạng công nghệ này, hứa hẹn tối ưu hóa năng lực quân sự, nó cũng đòi hỏi một sự xem xét kỹ lưỡng về các khuôn khổ đạo đức và quy định để ngăn chặn những hành vi vượt giới hạn có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Tương lai của chiến tranh đang được viết bằng ngôn ngữ máy. DeepSeek là một minh chứng ấn tượng cho thấy điều đó.
Câu hỏi giờ đây không còn là liệu AI có thay đổi chiến tranh hay không, mà là xã hội sẽ quản lý thực tế mới này như thế nào?
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/trung-quoc-bien-deepseek-thanh-tuong-quan-doi-lap-ke-hoach-chop-nhoang-20250528021755573.htm
Bình luận (0)