Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đột phá tư duy, hành động quyết liệt để phát triển toàn diện

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chuyển mình mang tính bước ngoặt. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,52% - mức tăng cao nhất khu vực, khẳng định sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế sau nhiều năm chịu thử thách bởi dịch bệnh, bất ổn kinh tế toàn cầu và biến động địa chính trị.

Hà Nội MớiHà Nội Mới20/07/2025

kinh-1.jpg
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment (Khu công nghiệp Quang Minh). Ảnh: Đỗ Tâm

“Cỗ xe tam mã” tăng tốc đồng bộ và hiệu quả

Từ ngày 1-7-2025, việc sáp nhập các tỉnh và đưa chính quyền địa phương hai cấp vào vận hành chính thức, đã đánh dấu một cột mốc thể chế quan trọng, không chỉ giúp tinh giản bộ máy, tiết kiệm ngân sách, mà còn mở ra dư địa tăng trưởng mới, định hình lại bản đồ kinh tế quốc gia - nơi các vùng liên kết, tỉnh, thành phố lớn được tổ chức lại, sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, du lịch, tài chính tầm vóc toàn cầu, nếu được quy hoạch và đầu tư đúng hướng; đồng thời tạo điều kiện hình thành các vùng kinh tế liên kết theo chuỗi giá trị ngành thay vì rời rạc theo địa giới hành chính cũ. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp giúp phân quyền mạnh mẽ, tăng hiệu quả điều hành, từ đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải cách thủ tục và tiếp cận thị trường.

Cùng với đó, việc Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ về thuế đối ứng và tham gia hợp tác với các quốc gia thuộc khối BRICS đã mở ra dư địa xuất khẩu lớn chưa từng có trong lịch sử hiện đại của nước ta. Tất cả tạo nên một thời cơ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để Việt Nam vượt lên chính mình, chạm tới mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025.

Ba động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang tiếp tục giữ vai trò trung tâm. Cụ thể, giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2025 đạt tỷ lệ cao, tập trung vào các đại dự án hạ tầng kết nối liên vùng, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh và chuyển đổi số. Các khu vực mới sáp nhập có tiềm năng trở thành trung tâm logistics, công nghiệp, tạo giá trị gia tăng lan tỏa cho toàn vùng.

Xuất khẩu tăng tốc nhờ đà phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng hưởng từ các thỏa thuận thương mại mới với Hoa Kỳ và BRICS. Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất - công nghệ - dịch vụ chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh, nhờ thu nhập gia tăng, tâm lý tiêu dùng tích cực và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, đặc biệt tại các khu vực đô thị mới hình thành sau sáp nhập.

Các giải pháp phát triển đột phá

kinh-2.jpg
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Winmart+.

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 8%, giải pháp đầu tiên cần thực hiện là đầu tư công hiệu quả, có chiến lược, tập trung vào các dự án “mang tính bản lề” như đường vành đai vùng, cao tốc xuyên tỉnh, cảng biển, năng lượng sạch, chuyển đổi số vùng nông thôn. Ngoài ra, cần ưu tiên các tỉnh vừa sáp nhập, để tạo các cực tăng trưởng mới, lan tỏa ra toàn vùng.

Xuất khẩu cũng cần đẩy mạnh dựa trên lợi thế mới. Đó là việc tận dụng các FTA thế hệ mới và đặc biệt là thỏa thuận thuế với Mỹ để thúc đẩy các ngành điện tử, dệt may, nông thủy sản, logistics; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khối BRICS và các nền kinh tế mới nổi bằng chiến lược thương hiệu quốc gia, sản phẩm xanh và bền vững.

Tiêu dùng nội địa thông minh cần được thúc đẩy bằng việc hỗ trợ lãi suất tiêu dùng có mục tiêu cho các ngành dịch vụ, bán lẻ, du lịch nội địa cùng khuyến khích tiêu dùng sản phẩm trong nước, phát triển thương mại điện tử vùng sâu, vùng xa.

Nhóm giải pháp khác không kém quan trọng là phát triển kinh tế tư nhân - động cơ tăng trưởng nội lực. Để thực hiện, cần triển khai mạnh Nghị quyết số 68-NQ/TƯ của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân như một trụ cột của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp với chính sách thuế phù hợp, vốn ưu đãi, hỗ trợ kế toán - pháp lý, tư vấn chiến lược phát triển; từng bước xem xét dỡ bỏ “room tín dụng”, thay vào đó áp dụng quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, để tín dụng “chảy đúng chỗ - hiệu quả cao - chi phí hợp lý”.

Ngoài ra, cần thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nâng cao năng suất. AI cần được đưa vào học tập, công việc. Học sinh, sinh viên và người lao động cần được trang bị kỹ năng sử dụng AI để tăng năng suất cá nhân, thúc đẩy sáng tạo xã hội; tiến hành chuyển đổi số trong doanh nghiệp và chính quyền.

Nhóm giải pháp cuối cùng là thể chế minh bạch - tài khóa bền vững - thị trường vốn hiện đại. Để đạt được cần cải cách mạnh thủ tục hành chính, số hóa toàn diện, tăng tính minh bạch, giảm chi phí tuân thủ; ổn định tài khóa - tiền tệ nhưng linh hoạt và thích ứng; duy trì tỷ giá và lãi suất hợp lý, kiểm soát lạm phát trong tầm kiểm soát, đồng thời mở rộng đầu tư công có chọn lọc; phát triển thị trường vốn lành mạnh; phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh, thu hút nhà đầu tư dài hạn và khơi thông dòng vốn cho các trung tâm kinh tế mới sau sáp nhập.

Năm 2025 có thể sẽ được ghi nhận là năm bản lề của một chu kỳ phát triển mới. Đất nước tối ưu hóa bộ máy, đồng thời mở ra các không gian kinh tế chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% không còn là “mục tiêu cao” nếu chúng ta tận dụng tốt các cơ hội: Tái cấu trúc hành chính - quan hệ thương mại chiến lược - đầu tư công hiệu quả - kinh tế số - tư nhân năng động - thể chế đổi mới.

Giám đốc Học viện Tài chính Nguyễn Đào Tùng:

o-tung.jpg

Các doanh nghiệp đã có nhiều điểm tựa

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II-2025 đã đạt mức 7,96% so với cùng kỳ năm 2024; 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52%, là mức cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2011 đến nay.

Tăng trưởng GDP cao trong nửa đầu năm 2025 chủ yếu dựa vào các động lực tiêu dùng (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%). Như vậy, các chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế, tăng đầu tư công hay các biện pháp tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt đã thực sự là điểm tựa cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Một điểm sáng khác là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động đạt hơn 152 nghìn đơn vị, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024 cho thấy các chính sách phát triển kinh tế tư nhân đã đi vào cuộc sống, củng cố, gia tăng niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên:

o-thien.jpg

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam rất tích cực, rõ ràng xu hướng đi lên, mặc dù điều kiện giai đoạn vừa qua không ít khó khăn. Nếu các rào cản được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn lực, qua đó hình thành các doanh nghiệp tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân cần nhất không phải bơm tiền theo kiểu ưu tiên, ưu đãi, mà là môi trường kinh doanh bình đẳng, thị trường đúng nghĩa. Doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng cũ, quản trị kiểu cũ cũng phải thay đổi.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của nền kinh tế cũng cần được tái cấu trúc với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thời đại mới, sức mạnh của lực lượng lao động sẽ phụ thuộc vào khả năng kết hợp giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo. Nếu tận dụng được lợi thế này, Việt Nam có thể gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia lên gấp nhiều lần trong tương lai.

Giám đốc khối đầu tư, Quỹ đầu tư Dragon Capital Lê Anh Tuấn:

o-tuan.jpg

Dịch chuyển hạ tầng sẽ vượt xa kỳ vọng

Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cải tổ mạnh mẽ với bộ máy tinh gọn từ 18 xuống 14 bộ, từ 63 còn 34 địa phương. Tốc độ ban hành chính sách tăng vọt. Cơ chế đặc biệt cho phép Chính phủ gỡ vướng pháp lý sẽ thúc đẩy 2.200 dự án trị giá 235 tỷ USD (tương đương 50% GDP), tạo đòn bẩy tăng trưởng đáng kể.

Minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình là tốc độ phát triển hạ tầng. Tuyến metro Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh dài gấp đôi tuyến metro hiện tại nhưng dự kiến hoàn thành trong 3 năm (so với 12 năm của tuyến đầu tiên). Với tốc độ này, sự dịch chuyển hạ tầng trong 5 năm tới sẽ vượt xa kỳ vọng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu về hạ tầng, công nghệ và phát triển khu vực tư nhân, thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng, trở thành ưu tiên chiến lược của Chính phủ, hướng tới một trung tâm tài chính khu vực. Điều này sẽ giúp dòng tiền luân chuyển hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp các dự án hạ tầng, đổi mới công nghệ và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tăng tốc đầu tư, mở rộng quy mô.

Khánh An ghi

Nguồn: https://hanoimoi.vn/dot-pha-tu-duy-hanh-dong-quyet-liet-de-phat-trien-toan-dien-709777.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm