Nông dân Việt Nam giờ đây có thể sánh vai với nông dân các nước ứng dụng công nghệ và khoa học - kỹ thuật, trong đó có drone (thiết bị bay không người lái - UAV) để tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, việc ứng dụng drone trong nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết để phát huy tối ưu hiệu quả.
Từ giấc mơ trực thăng đến những chiếc drone
Tại lễ diễu binh, diễu hành ngày 30-4 tại TP HCM, khối nông dân Việt Nam trang trí xe hoa diễu hành mô hình lớn một chiếc drone. Ngành nông nghiệp hiện đại ở Việt Nam hiện đã có những chiếc drone bay trên những cánh đồng phục vụ nhiều phần việc sản xuất.
Hồi cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, Nông trường Lúa Vàng giữa Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đã dùng những chiếc trực thăng quân sự để sạ lúa, bón phân cho những cánh đồng rộng hàng trăm, hàng ngàn mẫu. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, drone từ chỗ xuất hiện tại một số nơi, mang tính thử nghiệm thì gần đây "không đoàn" drone đã bay trên những cánh đồng ở vùng đồng bằng có những thửa ruộng lớn. Đầu tháng 4 vừa qua, trong một lần về quê tại vùng sâu của tỉnh Long An, chúng tôi đã hỏi ông Tư Một, một nông dân tuổi U80, về chuyện trồng lúa. Ông Tư hồ hởi: "Giờ làm ruộng sướng chưa từng có. Cày bừa, gặt đập, sấy lúa bằng máy là chuyện nhiều năm trước. Hiện nay, việc sạ lúa, rải phân, xịt thuốc trừ sâu bệnh… đều có drone lo hết. Việc thuê dịch vụ cũng thuận lợi và giá cũng cạnh tranh". Ứng dụng drone từ nhiều năm nay đã được xem là một giải pháp hỗ trợ nông dân trên toàn cầu, đặc biệt trong sản xuất quy mô nhỏ tại các nước châu Á. Các ứng dụng của drone rất đa dạng trong sản xuất nông nghiệp như lập bản đồ, kiểm tra và theo dõi mùa vụ, gieo sạ giống, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giám sát tưới tiêu hay chăn thả gia súc.
Theo Báo cáo Thông tin chuyên sâu về công nghiệp drone trong nông nghiệp 2023/2024 của DJI Agriculture, việc áp dụng drone cho nông nghiệp trên toàn thế giới là minh chứng cho sức mạnh chuyển đổi của các công nghệ mới nổi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đến cuối tháng 6-2024, đội quân hơn 300.000 chiếc drone nông nghiệp các loại đã giúp xử lý hơn 500 triệu ha đất nông nghiệp trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia hiện nới lỏng quy định, phân loại UAV nông nghiệp là máy bay có rủi ro thấp và cung cấp hướng dẫn sử dụng chúng trong phun thuốc, tương tự như quy định đối với thiết bị trên mặt đất.
Drone được ứng dụng nhiều trong nông nghiệp trên thế giớiẢnh: DJI Argiculture
Cần Nhà nước chung tay
Có một thực tế cho thấy việc ứng dụng drone trong sản xuất nông nghiệp đã thuyết phục được nông dân vì đem lại cho họ nhiều lợi ích thiết thực. Ngay cả về công lao động, nó cũng giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động khi ngày càng có đông người trong độ tuổi lao động ở nông thôn "ly nông ly hương", rời nông thôn đi tới các thành thị, các KCN làm việc.
Các nhà nghiên cứu của MarketsAndMarkets nhận định các chính sách, trợ cấp và quy định thuận lợi của chính phủ cùng với việc đầu tư ngày càng tăng của những người tham gia thị trường nhằm thúc đẩy việc sử dụng các công cụ nông nghiệp kỹ thuật số như drone đang đóng vai trò là động lực cho thị trường drone nông nghiệp. Các quan hệ đối tác công tư tạo ra sự đổi mới trong việc phát triển các giải pháp phù hợp. Giáo dục và đào tạo mở rộng cũng được thực hiện, giúp nông dân hiểu rõ hơn về khả năng của drone, nhằm giúp họ có thể sử dụng các công cụ phù hợp và hiệu quả.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, dịch vụ drone nông nghiệp chủ yếu mang tính tự phát và riêng rẽ. Trong khi, đây lại là một loại hình dịch vụ có những yếu tố đặc biệt cần phải được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Đã có không ít ý kiến về việc quản lý chặt hơn dịch vụ drone nông nghiệp, vừa tạo điều kiện cho những người làm dịch vụ, bao gồm cả cá nhân, hoạt động ổn định và có lợi hơn, vừa bảo đảm an toàn bay, sử dụng thuốc BVTV. Việc sử dụng drone vào việc bón phân, phun thuốc... đã được quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó có nhiều quy định và tiêu chuẩn mà bất cứ tập thể hay cá nhân nào muốn sử dụng drone trong nông nghiệp đều phải tuân thủ. Chẳng hạn như người điều khiển drone phải đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự và có giấy phép điều khiển bay do cơ quan có thẩm quyền cấp. Do drone nông nghiệp là thiết bị bay chuyên dụng, việc điều khiển nó cần đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn, khác hơn các loại hình drone khác. Nhưng thực tế là chuyện giấy phép bay, giấy chứng nhận bay đang có những bất cập, còn buông lỏng. Đặc biệt nguy hiểm cho môi trường và bất lợi cho cây trồng là chuyện sử dụng vô tội vạ các loại thuốc, chủ yếu là tùy theo "liều lượng và chỉ định" của chính dịch vụ drone.
Cả thế giới từ lâu đã nhìn nhận lợi ích của việc ứng dụng drone trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp về ứng dụng drone để có thể khai thác và phát huy tối ưu công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; cần có sự chung tay và phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước (các cơ quan chức năng) - nông dân - nhà cung cấp dịch vụ drone.
Tiết kiệm, giảm thiểu tiếp xúc thuốc BVTV
Sau 2 năm (2021 - 2022) khảo nghiệm thực tế trên đồng ruộng thuốc BVTV phòng chống sinh vật gây hại cây trồng bằng UAV do Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì, bộ "Tiêu chuẩn TCCS 830:2022/BVTV về khảo nghiệm" đã ra đời. Kết quả cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ drone để phun thuốc BVTV, đặc biệt trên các cây trồng như lúa, bắp, cây ăn quả với mức độ phòng trừ tương đương hoặc cao hơn; tiết kiệm, giảm thiểu tiếp xúc với thuốc BVTV; tiết kiệm giờ công.
Nguồn: https://nld.com.vn/drone-dua-nong-nghiep-cat-canh-196250517204910442.htm
Bình luận (0)