.jpeg)
Hành trình bền bỉ của những “người tiên phong”
Nằm giữa cánh đồng lúa Cẩm Thanh, bên dòng sông Đò hiền hòa, The Field Restaurant & Bar Hội An là một trong những mô hình du lịch bền vững mà các doanh nghiệp tại miền Trung đang nỗ lực xây dựng.
Với định hướng phát triển ẩm thực bản địa thân thiện môi trường, The Field mang đến thực đơn “Back to Bacsis” - quay về những giá trị nguyên bản của tự nhiên. Nguyên liệu có nguồn gốc từ khu vườn hữu cơ của nhà hàng hoặc thu mua trực tiếp từ nông dân Hội An, tuyệt đối không sử dụng thành phần nhập khẩu.
Thực phẩm được chế biến theo nguyên tắc tối ưu hóa nguyên liệu giảm thiểu lãng phí, ưu tiên nguyên liệu theo mùa.
Cam kết bền vững tại The Field không chỉ dừng ở nguyên liệu, mà hiện diện ở toàn bộ quy trình vận hành. Nhà hàng được kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống đo lường cụ thể ở từng bộ phận, hướng đến mục tiêu không phát thải.
“Lần đầu tiên giới thiệu The Field vào năm 2014, chúng tôi không đơn thuần ra mắt một nhà hàng mà là xây dựng và vận hành một mô hình gắn liền trách nhiệm cộng đồng và môi trường. Và tôn chỉ đó vẫn đi theo chúng tôi đến tận hôm nay”, ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc EMIC Hospitality (đơn vị sở hữu và vận hành The Field) chia sẻ.
Bên cạnh hoạt động ẩm thực, The Field còn tổ chức các sự kiện văn hóa tái hiện sinh hoạt truyền thống, lồng ghép văn hóa nông nghiệp như “Trải nghiệm ẩm thực trên đồng ruộng”, “Phiên chợ du lịch đồng quê” với sự tham gia của người dân địa phương.
Qua đó, chia sẻ lợi ích, nâng cao thu nhập cho cộng đồng, đồng thời truyền cảm hứng về phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và bản sắc bản địa.
Với hành trình bền bỉ suốt 10 năm theo đuổi giá trị xanh, The Field trở thành nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam nhận Chứng nhận Vàng Bạch kim về giảm khí thải Carbon do Magnus International trao tặng - một ghi nhận xứng đáng cho mô hình du lịch trách nhiệm được vận hành bằng sự tận tâm và chiến lược dài hạn.
Đến sự dịch chuyển nhận thức của du khách
Song song với nhận thức từ doanh nghiệp, hành vi tiêu dùng của du khách cũng đang có sự dịch chuyển rõ rệt theo hướng bền vững hơn.

Không chỉ tìm kiếm cảnh đẹp hay tiện nghi, du khách ngày nay còn quan tâm đến cách doanh nghiệp vận hành: 41% người khảo sát xem việc giảm nhựa dùng một lần là ưu tiên hàng đầu; 58% đánh giá cao các cơ sở có chính sách tái chế rõ ràng; 79% mong muốn chi tiêu của họ có thể hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Đặc biệt, 83% số du khách được khảo sát cho biết họ muốn điểm đến trở nên tốt đẹp hơn sau mỗi chuyến đi.
Những con số trên là minh chứng rõ nét cho sự chuyển biến trong tư duy du lịch của du khách từ việc “tận hưởng cá nhân” sang hướng tạo ra “tác động tích cực”.
Từ đó, hành vi tiêu dùng cũng dần thay đổi: không dừng lại ở việc tham quan thụ động mà chuyển sang tham gia, sẻ chia và để lại dấu ấn tích cực lâu dài tại điểm đến.
Du lịch bền vững, vì vậy, không còn là lựa chọn riêng lẻ mà đang trở thành một chuẩn mực thúc đẩy ngành công nghiệp không khói bước vào giai đoạn tái định hình toàn diện, chủ động dẫn dắt sự thay đổi hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn.
Trả lời phỏng vấn Booking.com, bà Zoritsa Urosevic, Giám đốc Điều hành Cơ quan Du lịch Liên Hợp Quốc nhận định ngành du lịch 2025 đang chuyển dịch mạnh mẽ, vượt khỏi mục tiêu kinh tế để ưu tiên phục hồi môi trường và bảo tồn văn hóa.
“Cách mọi người tiếp cận du lịch đang có sự thay đổi sâu sắc. Du khách ngày càng cân nhắc kỹ lưỡng điểm đến, phương tiện di chuyển và tác động hành trình của họ với thế giới. Họ bị thu hút bởi trải nghiệm chân thật và ý nghĩa, hướng đến du lịch chậm, cảm nhận sâu văn hóa bản địa và đóng góp tích cực cho điểm đến”, bà Zoritsa Urosevic cho biết.
Theo bà, ngành du lịch cần vượt ra khỏi lối mòn kinh doanh thông thường và áp dụng những biện pháp tái tạo giúp phục hồi hệ sinh thái, giảm phát thải carbon, gìn giữ bản sắc văn hóa và nâng cao vị thế của cộng đồng.
Mục tiêu không chỉ là giảm thiểu tác hại, mà còn tạo ra giá trị tích cực cho du khách cũng như cộng đồng địa phương.
Nguồn: https://baodanang.vn/du-lich-ben-vung-gan-voi-cong-dong-3297329.html
Bình luận (0)