Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 17/5 cho hay trong đợt truy quét vào các cơ sở cờ bạc trực tuyến ở thị trấn Myawaddy, biên giới Myanmar - Thái Lan hồi tháng 3, lực lượng chức năng Myanmar và cảnh sát Thái Lan cùng các nước liên quan đã phát hiện hàng chục nghìn người nước ngoài cư trú trái phép đang thực hiện những hoạt động phi pháp như lừa đảo trực tuyến, cưỡng bức lao động, mua bán người...
Bộ Ngoại giao cùng Bộ Công an phối hợp triển khai xác minh nhân thân người Việt bị Myanmar trục xuất, sơ bộ xác định 681 công dân đến từ 56 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có cả đô thị lớn - nơi mà tin cảnh báo về lừa đảo "việc nhẹ lương cao" được tuyên truyền, phổ biến thường xuyên trên báo chí.
Myanmar khẳng định đây là những người vi phạm pháp luật (nhập cư bất hợp pháp, cư trú quá hạn hoặc tham gia hoạt động tội phạm) và đề nghị phía Việt Nam tiếp nhận họ về nước.
"Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương và các cơ quan đều cho biết không có cơ sở để xác định những công dân Việt Nam bị phía Myanmar trục xuất là nạn nhân của tội phạm mua bán người", ông Quảng cho hay.
"Do tình hình an ninh Myanmar phức tạp, việc di chuyển từ cố đô Yangon (nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar) tới thị trấn Myawaddy là không khả thi, đặt ra nhiều thách thức đối với chiến dịch đưa công dân về nước", ông lưu ý.
Theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, phương án cuối cùng được lựa chọn là đưa công dân từ Myanmar nhập cảnh Thái Lan, đi bằng xe buýt từ thị trấn Mea Sot về thủ đô Bangkok, vượt quãng đường gần 500 km để đến sân bay ở Bangkok và lên máy bay về nước, tổng thời gian di chuyển về Việt Nam là gần 20 tiếng.
"Trong suốt quá trình di chuyển có lực lượng an ninh giám sát, không để công dân trốn, ở lại bất hợp pháp trên lãnh thổ Thái Lan hoặc gây gổ, mất trật tự, an toàn cho cả đoàn", ông Quảng nhấn mạnh.
Theo quy định về sử dụng Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, công dân Việt Nam chỉ được ngân sách Nhà nước chi trả chi phí về nước với lý do chiến tranh, là nạn nhân của tội phạm mua bán người (được cơ quan có thẩm quyền xác định là nạn nhân), các trường hợp công dân vi phạm pháp luật ở nước ngoài, bị trục xuất sẽ phải tự chi trả chi phí về nước.
"Trường hợp công dân bị lừa đi làm việc ở Myanmar thì sau khi về nước có thể liên hệ với công an địa phương để trình báo và sau quá trình điều tra, nếu được xác định là nạn nhân của tội phạm mua bán người thì công dân sẽ được hưởng các cơ chế hỗ trợ về tài chính phù hợp", ông Quảng cho biết.

Chi phí dự thu để hồi hương mỗi công dân là 12,2 triệu đồng. Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đã thông báo qua các điạ phương nơi công dân sinh sống ở trong nước để yêu cầu nhân nhân, gia đình công dân nộp tiền tạm ứng vào quỹ. Sau khi công dân về nước, các cơ quan đại diện sẽ gửi chứng từ hóa đơn cho Quỹ để quyết toán và thông báo tới từng cá nhân để trả lại tiền thừa hoặc nộp thêm nếu chi phí thực tế cao hơn tiền tạm ứng.
Theo ông Quảng, Việt Nam đã hồi hương 471 công dân trong 8 ngày, từ 28/4 đến 14/5 và tiếp tục triển khai đưa toàn bộ công dân ở Myawaddy về nước trong thời gian sớm nhất.
"Vì sự an toàn của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào, dụ dỗ đi làm việc ở nước ngoài với nội dung công việc không rõ ràng, không có hợp đồng lao động, không thông qua công ty phái cử lao động hoạt động hợp pháp, không có bảo hiểm..., khiến người dân có thể trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, lừa đảo hoặc thậm chí là của tội phạm mua bán người", ông Quảng nói.
Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân có thể liên hệ với Tổng đài bảo hộ công dân +84 91 84 84 84 hoặc cơ quan đại diện Việt Nam nơi gần nhất.
Nguồn: https://baohaiduong.vn/hanh-trinh-hoi-huong-hang-tram-nguoi-viet-bi-myanmar-truc-xuat-411781.html
Bình luận (0)