
Trong đó, việc làm nên thương hiệu cà phê Pơ Nơm không chỉ là là khởi đầu cho kinh tế gia đình mà còn là nỗ lực để làm nông nghiệp sạch, xanh và an toàn.
Theo chị K’Đào - Tổ trưởng tổ hợp tác, tên gọi Pơ Nơm có ý nghĩa là núi rừng, thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, rừng núi, và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đã gắn bó từ bao đời của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đại ngàn Tây Nguyên. Chính tinh thần đó đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành trình sản xuất của tổ. Họ không chỉ trồng cà phê, mà còn gửi gắm vào từng hạt cà phê tình yêu thiên nhiên, niềm tin vào nông nghiệp sạch và khát vọng nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng bằng con đường phát triển bền vững.
Thành viên của Tổ hợp tác là những người phụ nữ trẻ, người lớn tuổi nhất sinh năm 1992, các chị còn lại sinh năm 1996. Các chị có cơ hội tham gia vào các hoạt động cộng đồng của tổ chức Caritas Đà Lạt và được truyền cảm hứng từ một nhóm phụ nữ ở Di Linh - Tổ hợp tác cà phê Oh Mi Koho. Hành trình của Tổ hợp tác cà phê Pơ Nơm bắt đầu từ năm 2021, các chị bắt đầu giai đoạn chuyển đổi, ngưng hoàn toàn phân, thuốc hóa học, chỉ sử dụng phân bón tự ủ. Sau những chuyến tham quan các mô hình cà phê bền vững trong tỉnh, các chị hái lựa trái chín, rửa sạch, phơi giàn cao, xay nhân kỹ lưỡng. Khi đó chưa có xưởng riêng, các công đoạn rang xay và đóng gói được gia công từ cơ sở khác. Từ những vị khách đầu tiên, nhóm dần xây dựng được sự tin tưởng và gắn bó để rồi họ trở thành những khách hàng thân quen.
Đầu năm 2025, tổ hợp tác được một người dân trong thôn cho mượn nhà để làm xưởng, cùng sự hỗ trợ kinh phí của tổ chức Caritas Đà Lạt, xưởng cà phê Pơ Nơm ra đời. Tổ hợp tác cũng được chính thức thành lập, với sự giúp đỡ và chứng kiến của chính quyền địa phương. Trong tổ hợp tác, chị K’Đào có lẽ là người thạo việc nhất. Là trưởng nhóm, chị có cơ hội đi học hỏi ở nhiều nơi, chị sắp xếp thời gian học rang xay, học pha chế từ một cơ sở trên địa bàn. Từ những bỡ ngỡ, vụng về với mẻ cà phê đầu tiên tự rang, đến nay, chị cũng đã tự tin để phụ trách toàn bộ kỹ thuật và đang trong quá trình chia sẻ lại cho những chị em khác. Mỗi tháng, dù chỉ bán được khoảng vài chục kg cà phê nhưng các thành viên đã có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Từ đó, các chị càng quyết tâm cùng nhau cố gắng hơn trên con đường còn nhiều gian nan này.
Trực tiếp làm việc với các thành viên trong tổ hợp tác từ những ngày đầu, ông Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam Rông 1 cũng ghi nhận những nỗ lực và chủ động của chị em phụ nữ trong thôn Păng Sim. Theo ông Tùng, để tiếp tục mở rộng và phát triển, tổ hợp tác cần tập trung hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hạt cà phê. Địa phương sẽ đồng hành với tổ trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Điều quan trọng là chị em cần vượt lên khó khăn để bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, đa dạng hóa cây trồng xen trong vườn cà phê hoặc tận dụng máy móc để làm thêm các sản phẩm sấy đặc trưng của vùng.
Nguồn: https://baolamdong.vn/hi-vong-lon-tu-nhung-hat-ca-phe-nho-382781.html
Bình luận (0)