Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã hiến kế nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; giải pháp về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hạ tầng và hợp tác quốc tế để phát triển Đà Nẵng.
Lãnh đạo thành phố đến thăm hỏi người lao động tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: X.HẬU |
Cần thay đổi chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2045
Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: năng suất lao động thấp, chính sách thuế bất ổn của Mỹ, khu vực công nghiệp năng suất thấp… Điều này đòi hỏi nước ta cần thay đổi mô hình để tăng năng suất, điều kiện đạt mục tiêu thu nhập cao năm 2045.
Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng cần có những nghiên cứu để xây dựng các chính sách phù hợp với nền kinh tế như chính sách làm mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân: các chính sách riêng cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực phi chính thức; chính sách mở rộng và thâm sâu công nghiệp hóa: chính sách công nghiệp cho những ngành trọng điểm, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra cần cải thiện hạ tầng phần cứng và phần mềm, cung cấp năng lượng... Đặc biệt quan trọng là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đối với Đà Nẵng, Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng thành phố cần chú trọng xây dựng hạ tầng cứng và mềm vượt trội so với các thành phố trong và ngoài nước. Nhân viên phụ trách cần chuyên nghiệp về kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ và hiểu biết tập quán quốc tế.
Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng môi trường đầu tư của doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở hạ tầng phần cứng và phần mềm mà bao gồm cả tình hình xã hội, cảnh quan và văn hóa của thành phố.
Để thu hút những dự án lớn từ các doanh nghiệp đa quốc gia phải có môi trường sống, môi trường văn hóa hấp dẫn, có bệnh viện tốt, có trường quốc tế. An ninh thành phố, an toàn giao thông, văn hóa của thị dân cũng quan trọng. Lãnh đạo thành phố nên chọn những công ty tiềm năng trong và ngoài nước và trực tiếp tiếp thị để họ xem xét quyết định đến đầu tư.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhận định Nghị quyết số 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là chìa khóa vàng để đưa đất nước vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa then chốt, là nhân tố quyết định sự thành bại của công cuộc phát triển đất nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ đề nghị thành phố cần phát huy hơn nữa lợi thế, tiềm năng của “thành phố đại học”, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao một cách hệ thống đối với những ngành, lĩnh vực mà thành phố đang cần đầu tư. Thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và hỗ trợ kinh phí cho các trường đại học để mời các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến tham gia giảng dạy các lớp chuyên sâu đối với các ngành mà thành phố có nhu cầu như: chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và Fintech.
Thành phố cần phát huy các lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, các dự án trọng điểm; kiến tạo cơ chế chính sách nổi trội để có môi trường làm việc thuận lợi, nhiều cơ hội việc làm nhằm thu hút trí thức, chuyên gia, sinh viên từ mọi miền đất nước, du học sinh đến và ở lại Đà Nẵng “lập thân, khởi nghiệp”.
Trong chương trình quảng bá hình ảnh của thành phố hay trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, lãnh đạo thành phố cần quan tâm chỉ đạo có nội dung quảng bá hình ảnh, vị thế của Đại học Đà Nẵng để tạo điều kiện cho Đại học Đà Nẵng và các trường đại học trên địa bàn thu hút mạnh mẽ sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu, thực tập tại Đà Nẵng.
TS. Nguyễn Quân phát biểu tham luận tại tọa đàm. Ảnh: T.PHƯƠNG - X.HẬU |
Đà Nẵng cần xây dựng sản phẩm công nghệ chủ lực
Tham luận tại tọa đàm, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đánh giá cao những thành tựu mà thành phố Đà Nẵng đạt được trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, góp phần đưa thành phố trở thành trung tâm kinh tế và khoa học - công nghệ của miền Trung. Tuy nhiên đứng trước cơ hội mới mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đã mở ra, ngành khoa học - công nghệ của Đà Nẵng phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa để tương xứng với tiềm năng, vị thế và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trước hết, thành phố cần tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu đầu tư cho khoa học - công nghệ tối thiểu 3% tổng chi ngân sách hàng năm.
Theo đó, HĐND thành phố cần ban hành Nghị quyết giao bổ sung ngân sách cho khoa học - công nghệ năm 2025 đạt mức tối thiểu 3% tổng chi ngân sách thành phố và giao UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp sử dụng nguồn vốn bổ sung này hiệu quả và tạo nhiều sản phẩm phục vụ mục tiêu phát triển thành phố.
Cùng với đó, Đà Nẵng có thể tập hợp các nhà khoa học và chuyên gia, nghiên cứu mô phỏng để xây dựng danh mục sản phẩm công nghệ chủ lực của thành phố phù hợp với sản phẩm chiến lược quốc gia, đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tạo ra một số sản phẩm chất lượng cao cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nhất là các sản phẩm có tác dụng tăng trưởng tỷ trọng kinh tế số và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp trên địa bàn. Ví dụ sản phẩm vi mạch bán dẫn, robot công nghiệp, thiết bị tự động hóa thông minh, trung tâm dữ liệu, các nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, chế biến sâu quặng Uranium, thông tin di động 5G và 6G...
TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh, sau khi phê duyệt danh mục sản phẩm công nghệ chủ lực, HĐND thành phố cần ban hành Nghị quyết đặt hàng nhiệm vụ cho các tổ chức khoa học - công nghệ, doanh nghiệp công nghệ thực hiện, cho phép thí điểm áp dụng cơ chế quỹ, cơ chế khoán chi, chỉ định thầu và thử nghiệm có kiểm soát, kể cả thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài để nhanh chóng tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm ở quy mô thương mại.
Đồng thời, TS. Nguyễn Quân cho rằng Đà Nẵng có thể đi tiên phong là địa phương đầu tiên thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có phần vốn góp của Nhà nước để thử nghiệm và huy động các tổ chức, cá nhân trong xã hội đầu tư mạo hiểm.
Từ đó rút kinh nghiệm hoàn thiện các quy định pháp luật để phát triển loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm, huy động vốn xã hội cho khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao được công nghệ và kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Hy vọng thành công của Đà Nẵng sẽ là căn cứ thực tiễn để sửa đổi quy định của Luật ngân sách Nhà nước cũng như các luật thuế về đầu tư mạo hiểm và hoàn thiện quy định pháp lý về quỹ này để huy động hiệu quả nguồn vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ nói chung và cho đầu tư khởi nghiệp nói riêng”, TS. Nguyễn Quân bày tỏ.
XUÂN HẬU - THANH PHƯƠNG
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/hien-ke-nhieu-giai-phap-cho-da-nang-phat-trien-but-pha-linh-vuc-khoa-hoc-cong-nghe-4006711/
Bình luận (0)