Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hiến máu mùa hiếm nguồn

Các địa phương ở miền Trung đang báo động cạn kiệt nguồn máu dự trữ cứu người khi sinh viên (một trong những nguồn lực quan trọng và tích cực trong phong trào hiến máu, tiểu cầu tình nguyện) về quê nghỉ hè. Trước vấn đề cấp bách này, nhiều bệnh viện và trung tâm hiến máu cả nước đang kêu gọi lực lượng y, bác sĩ cũng như người dân cùng tham gia hiến máu nhân đạo.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng20/07/2025

Y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế hiến máu và tiểu cầu tại chương trình “Blouse trắng - Trái tim hồng”
Y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế hiến máu và tiểu cầu tại chương trình “Blouse trắng - Trái tim hồng”

Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại

Trung tâm Huyết học - Truyền máu của Bệnh viện Trung ương Huế cung ứng máu cho 10 bệnh viện tại TP Huế và các tỉnh, thành phố lân cận. Trung bình mỗi tháng, Trung tâm Huyết học - Truyền máu của Bệnh viện Trung ương Huế cần tiếp nhận khoảng 4.500 đơn vị máu để cung cấp cho các bệnh viện.

Song tháng 6-2025, lượng máu tiếp nhận chỉ đạt gần 2.700 đơn vị, và đến ngày 10-7 mới thu về khoảng 800 đơn vị máu. Tình trạng thiếu máu kéo dài đang đe dọa gián đoạn việc điều trị, nhất là các ca cấp cứu, người bệnh mạn tính và sản phụ nguy cơ cao.

Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, thông tin, nguồn lực chính tham gia hiến máu, tiểu cầu tình nguyện bị giảm sút do các bạn sinh viên về quê nghỉ hè hoặc bước vào kỳ thi. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng máu và tiểu cầu tại các bệnh viện vẫn duy trì ở mức cao để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị.

Trước tình hình này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chỉ đạo Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Huyết học - Truyền máu phát động chương trình “Blouse trắng - Trái tim hồng”. Đây là hoạt động thiết thực thể hiện tinh thần nhân ái và trách nhiệm của người thầy thuốc - những người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.

Tại chương trình “Blouse trắng - Trái tim hồng” diễn ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua đã thu hút hơn 350 bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp tham gia hiến 400 đơn vị máu và tiểu cầu cứu người bệnh. Trong số ấy, nhiều y, bác sĩ có thành tích hiến máu từ 5 lần, 10 lần, 15 lần. Riêng bác sĩ Nguyễn Văn Anh hiến máu 50 lần; kỹ thuật viên Đỗ Văn Minh hiến máu 40 lần...

Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương cho biết, hiến máu cứu người đã trở thành hành động đẹp, việc làm thường xuyên của cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế. Nhiều lương y đã hàng chục lần tham gia hiến máu và sẵn sàng làm “ngân hàng máu sống” để kịp thời cứu chữa, tiếp sức cho người bệnh vượt qua lằn ranh sinh tử. “Với thông điệp “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”, cán bộ, viên chức Bệnh viện Trung ương Huế đều mong hiến tặng những giọt máu hồng của mình vào ngân hàng máu, phục vụ kịp thời nhu cầu máu và các sản phẩm máu có chất lượng cho điều trị, cấp cứu người bệnh.

Qua đó, khơi dậy nghĩa cử cao đẹp của người lương y với cộng đồng, mà danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh thời từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người…”, bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương chia sẻ.

Những người hùng thầm lặng

Đều đặn mỗi sáng chủ nhật, thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hiến tiểu cầu Hương Thủy (TP Huế) lại gặp nhau ở Trung tâm Huyết học - Truyền máu của Bệnh viện Trung ương Huế. Mọi người nhẹ nhàng bước vào phòng hiến, mỗi người hiến một đơn vị tiểu cầu, một phần máu sống giúp người cần vượt qua cơn nguy kịch.

Chị Huỳnh Ngọc Trang, Chủ nhiệm CLB Hiến tiểu cầu Hương Thủy, cho biết, từ 10 thành viên ban đầu vào năm 2020, đến nay CLB quy tụ được 42 người, hoạt động đều đặn suốt hơn 4 năm qua. Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi thời gian lâu hơn, kỹ thuật cao hơn nên người hiến phải đảm bảo sức khỏe tốt và thường xuyên. Lúc mới vận động, ai cũng ngại. Nhưng sau vài lần hiến, mọi người đều thấy sức khỏe ổn định và tin tưởng gắn bó đến hôm nay.

“Hiện các thành viên trong CLB Hiến tiểu cầu Hương Thủy không chỉ hiến tiểu cầu đều đặn hàng tuần để bổ sung vào nguồn tiểu cầu dự trữ tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu của Bệnh viện Trung ương Huế, mà mỗi thành viên còn là một “ngân hàng máu sống”, sẵn sàng hiến tiểu cầu để cứu người bệnh giữa lằn ranh sinh tử trong mọi thời điểm. Có nhiều thành viên đang đi làm, nghe người bệnh cần tiểu cầu gấp là tức tốc đến hiến ngay lúc đó, không chút do dự”, bà Trang nói.

CLB Hiến tiểu cầu Hương Thủy còn chung tay tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo khác như: thăm hỏi người bệnh ung thư, tặng quà cho người nghèo tại bệnh viện, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về hiến tiểu cầu trong cộng đồng… Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Huế, cho biết, CLB Hiến tiểu cầu Hương Thủy là mô hình rất đáng trân trọng. Các thành viên trong CLB làm được những điều thiết thực nhất. Trong những ca bệnh nguy cấp, các thành viên CLB thực sự là chỗ dựa quan trọng của ngành y tế.

Những thành viên trong CLB Hiến tiểu cầu Hương Thủy đến, rồi lặng lẽ bước ra khỏi bệnh viện sau mỗi lần hiến tặng, nhưng những đơn vị tiểu cầu họ cho đi đã góp phần giữ lại một sự sống của người bệnh giữa lằn ranh sinh tử. Và như thế, họ trở thành người hùng thầm lặng trong công tác cứu người ở Cố đô Huế.

“Mô hình CLB Hiến tiểu cầu Hương Thủy có giá trị đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi nhận thức cộng đồng về hiến tiểu cầu vẫn còn hạn chế. Đây là CLB duy trì hoạt động ổn định suốt nhiều năm qua. Chúng tôi đang tìm hướng mở rộng mô hình này, bởi có thêm một nhóm như vậy nghĩa là thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh”, bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Huế, bày tỏ.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/hien-mau-mua-hiem-nguon-post804643.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm