Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn

(Baothanhhoa.vn) - Độc giả Đào Minh hỏi: “Tôi là người thích tìm hiểu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt nên có sưu tầm khá nhiều từ điển. Gần đây tôi đọc được bài “Nước đổ lá khoai - không thấm chứ không phải trôi nhanh” trên chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” của Báo Thanh Hóa, thấy cách giải thích khá thú vị (quê tôi hay nói là “Nước đổ lá môn”). Nói về khoai thì còn một câu nữa tôi thấy cũng hay được người nhắc đến là “Họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn”.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa26/05/2025

Họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn

Tra trong “ Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương - Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh - 2010) thì thấy sách có câu này, nhưng tác giả lại chú thích là “chưa rõ nghĩa”. Tra trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Giáo sư Nguyễn Lân - NXB Văn học, 2016) thì thấy giải thích là “Đã có họ với nhau thì có điểm giống nhau - Anh ta giống tính ông chú, vì họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn mà!”. Thú thực là tôi vẫn thấy “lăn tăn” vì cách giải thích này không rõ lắm. Mặt khác xuất phát từ đâu mà lại có câu này?

Vậy, đề nghị chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” giải thích rõ về nghĩa đen và nghĩa bóng của câu tục ngữ nói trên.

Xin trân trọng cảm ơn”.

Trả lời: “Họ nhà khoai” ở đây không phải khoai lang (thuộc họ Bìm bìm), mà chỉ các giống khoai thuộc họ Ráy (Araceae).

Họ Ráy (Araceae) là họ thực vật thuộc lớp Một lá mầm (Monocotyledones), bao gồm các loại cây thảo, có thân củ, mọc đứng hoặc leo, chủ yếu ở cạn, một vài loài có thân hóa gỗ. Nhiều cây trồng lấy củ, bẹ để ăn như khoai ăn tàu, khoai nưa, khoai nước, khoai sọ, dọc mùng; làm thuốc như thiên niên kiện (sơn thục); thức ăn chăn nuôi lợn (bèo cái, khoai ngứa, ráy. Tranh dân gian Đông Hồ có bức “Lợn ăn cây ráy” rất nổi tiếng). Họ Ráy còn có cả giống trồng làm cảnh (dây vạn niên thanh, hồng môn,...).

Các loại khoai không ngứa như khoai ăn tàu, dọc mùng,... được thu hái thân (tàu) làm rau ăn; còn khoai môn, khoai sọ... thì lấy củ. Dù gọi là “không ngứa”, nhưng trong thực tế, các loại khoai làm thực phẩm này vẫn có chút “lăn tăn”, tức hơi gợi cảm giác kích ứng da hay miệng lưỡi tí chút khi ăn. Với loại như bèo cái, về hình dáng, nó chẳng có nét gì tương đồng với ráy hay khoai môn, nhưng theo phân loại khoa học thì chúng lại cùng họ với nhau. Và thực tế là khi vớt bèo hay băm bèo làm thức ăn cho lợn, người ta vẫn thường bị ngứa chân tay khi tiếp xúc.

Trên đây là cơ sở nghĩa đen của câu tục ngữ. Vậy còn nghĩa bóng thì sao?

Sách Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào - NXB Văn hóa - Thông tin - 2000), mục “Họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn”, không giải thích trực tiếp mà chuyển chú xem “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, và giải thích là “Con cái nhà có truyền thống, bản chất tốt đẹp thì ít nhiều cũng kế thừa những nét đẹp, nét quý của cha mẹ, tổ tiên mình”.

Thực ra, tuy cùng một lối triết lý, so sánh, nhưng câu Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, thường dùng với hàm ý khen: Con nhà dòng dõi thì ít nhiều cũng kế thừa được những cái tốt đẹp của cha ông. Trong khi Họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn, lại ý nói: Cùng dòng giống, bản chất không tốt, thì dù ít hay nhiều, dù xa hay gần cũng sẽ mang chút ít đặc điểm của dòng giống ấy (hàm ý chê), đúng như câu ca dân gian: Ba đời bảy họ nhà khoai/ Dù ngọt dù bùi cũng thấy lăn tăn.

Mẫn Nông (CTV)

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ho-nha-khoai-khong-ngua-cung-lan-tan-249959.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm