Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Họa sĩ Trần Thanh Thục: Nghe vải kể chuyện

Từng được các họa sĩ trong giới đánh giá cao ở dòng tranh sơn dầu, nhưng như một duyên nghiệp, họa sĩ Trần Thanh Thục lại trở thành nữ họa sĩ sáng tác tranh ghép vải duy nhất của Việt Nam.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam25/05/2025

7.jpg
Nữ họa sĩ Trần Thanh Thục.

Dưới bàn tay như có phép biến hóa của chị, các chi tiết trên vải được cắt ghép công phu cẩn trọng và hòa quyện vào nhau, tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc.

Đôi bàn tay kỳ diệu

Tốt nghiệp một trong những ngôi trường danh giá nhất của Việt Nam - Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, sau gần 10 năm tôi luyện trong môi trường chuyên nghiệp, trải nghiệm hết các chất liệu của hội họa, bất ngờ thay, Trần Thanh Thục “xác định” con đường mỹ thuật của mình là tranh cắt vải - thứ chị không hề được học trong trường. Kể ra, đó cũng là một kỳ duyên.

Vì sao chị lại chọn cho mình con đường khá đặc biệt: sáng tác tranh từ các miếng vải vụn - một con đường không giống ai, khá kỳ công, và thật khó khi mỗi bức tranh lại chỉ là độc bản?

Trần Thanh Thục kể, vào những năm 80, chị phải tằn tiện dành dụm tiền để mua vải. Chị “quen” gần hết các cửa hàng vải ở khắp chợ của Hà Nội, nơi nào có nhiều vải “độc” nhất cho dù có xa tới mấy, nơi ấy cũng có mặt chị.

Lân la, tỉ mẩn xem từng miếng vải, mang về nhà rồi chọn các họa tiết cần thiết, cắt để riêng, có khi cả mảnh chỉ lấy một chi tiết, chị bỏ tiền mua không biết bao nhiêu mảnh vải đủ thể loại, chất đầy các góc nhà.

Đam mê sáng tác tranh vải từ thời bao cấp, khi ấy, giá một mảnh vải đủ trang trải vài bữa ăn, nhưng chị đã tằn tiện nhiều thứ, chỉ để phục vụ đam mê mua vải làm tranh.

Hơn 40 năm, chị đắm mình trong vải, chơi với vải. Chị bảo: “Đừng hỏi tôi mất bao lâu cho một tác phẩm, việc này thật khó đong đếm được, có thể là một vài tháng, có thể là vài năm…”.

img_2355.jpeg
Hội An qua tranh cắt vải của họa sĩ Trần Thanh Thục.

Tất cả chi tiết độc đáo cắt được trên các miếng vải được Trần Thanh Thục ghép lại để tạo nên tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Điều gì tạo nên sự khác biệt, độc đáo trong tranh cắt vải của nữ họa sĩ này?

Hiện tại, họa sĩ Trần Thanh Thục là một trong số những người dẫn đầu trong nghệ thuật đương đại Việt Nam về tranh cắt vải. Để bức tranh có chiều sâu cần một số kỹ thuật nhất định. Những kinh nghiệm sau nhiều chặng thời gian sáng tác, Trần Thanh Thục tạo nên kỹ thuật chồng xếp vải độc đáo để tạo độ sâu cho tác phẩm.

Đặc biệt, không bao giờ chị vẽ phác thảo hay dùng màu sơn dầu hoặc acrylic để cùng tương tác với vải. Chỉ duy nhất vải và keo, ngoài ra Trần Thanh Thục không dùng bất kỳ phương tiện hoặc chất liệu gì khác. Làm sao để tác phẩm sống động như 3D, và có hồn, có lẽ chính là độ sâu của tác phẩm.

“Tôi dùng kỹ thuật chồng xếp vải để tạo độ sâu cho tác phẩm. Nhiều cấp độ, màu sắc của vải, sẽ tạo một bầu trời với những ánh mây, màu sắc thật sống động và bạn cảm giác tác giả đang vẽ lên một bầu trời chứ không phải chính là vải. Nếu chồng hai lớp vải bạn sẽ được một màu sắc thứ ba. Nhưng nếu màu thứ ba chưa ưng ý, bạn sẽ phải dùng thêm hai lớp vải nữa, để tạo nên bầu trời ưng ý”.

Mỗi bức tranh là một miền ký ức

Nữ họa sĩ không dùng bảng màu cọ vẽ, công cụ của chị chỉ là kéo, vải, keo cùng đôi bàn tay tài ba. Nhưng hơn hết, dự cảm về nghệ thuật tinh tế, nồng nàn khiến mỗi bức tranh là sự sáng tạo của thời điểm đó, giai đoạn đó và cảm xúc lúc đó.

3 (4)
Trong xưởng sáng tác của họa sĩ Trần Thanh Thục.

Các tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Thục thường về chủ đề tình yêu quê hương đất nước với các cảnh đẹp của những địa danh nổi tiếng, từ địa đầu Hà Giang tới mũi Cà Mau, qua các miền Bắc Trung Nam. “Mỗi bức tranh như một câu chuyện nhỏ, đưa ta về miền ký ức. Để người xem cảm nhận được thời gian trôi trên từng mái nhà, cùng ta qua từng đỉnh núi trùng điệp của miền sơn cước hoặc ở những nơi tôi từng đi qua” - họa sĩ Trần Thanh Thục nói.

Ngôi nhà đồng thời là xưởng sáng tác của chị tăng dần số lượng tranh, khiến chị lúc nào cũng bị bao quanh bởi vải và các tác phẩm lớn. Những bức tranh khổ lớn đòi hỏi công sức và tâm huyết thật nhiều.

“Càng khó, tôi càng thích, và có áp lực là có động lực để sáng tạo. Tôi luôn khao khát lột tả vẻ đẹp đầy bí ẩn của thiên nhiên với tình yêu và lòng biết ơn đất mẹ, từng tầng màu, từng tầng địa hình dần hiện ra.

Nơi đồng quê còn vang đâu đây những bài đồng dao, những miền cao nguyên với đỉnh núi xám trắng đầy uy dũng dang rộng vòng tay yêu thương, chở che trên mái nhà sàn đơn sơ, rồi miền cao nguyên rực vàng mỗi mùa cải đơm bông. Đâu đó những bé thơ nhao nhác gọi nhau sau những ụ rơm, trên những hàng rào đá.

Những bước chân chưa mỏi, những ước mơ còn ở phía trước, những sắc vải còn đầy quyến rũ giữa những ngày chang chang đổ nắng và cả đêm dài giá lạnh.

6.jpg
Tác phẩm tranh cắt vải của Trần Thanh Thục.

Từng bức tranh cắt vải ra đời, như người mẹ sau thời kỳ thai nghén, đã tới ngày khai hoa. Tôi ngồi, giống như tĩnh thiền trong cốc nhỏ, đầy vải vóc, tỉ mỉ chi tiết kiên nhẫn như thử thách chính mình. Tôi và vải, nương theo nhau” - Trần Thanh Thục dẫn chuyện tại triển lãm cá nhân “Nghe vải kể chuyện”, tổ chức đầu tháng 4 tại Hà Nội mới đây.

Ngắm các tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Thục, nổi bật nhất vẫn là tình yêu cuộc sống. Từng góc phố, con đường, vẻ đẹp của bông hoa, hay câu chuyện ký ức, những niềm yêu sống, hạnh phúc, tình bạn, tình yêu, cuộc sống người Việt trên khắp nẻo quê hương, đều tự nhiên đi vào tác phẩm của Trần Thanh Thục.

Trong quá trình sáng tác, cũng giống như tình yêu với quê nhà Hà Nội, chị vô cùng yêu Hội An. Chị chia sẻ: “Tôi không nhớ mình đã đến Hội An bao nhiêu lần, bao lần lang thang ngẩn ngơ trước những ngôi nhà cổ đẫm màu thời gian, những mái rêu xanh mỗi mùa xuân làm lòng người dịu xuống. Lần nào đi Hội An về, tôi cũng gói ghém nỗi nhớ từng lớp rêu, từng vạt nắng, mảng tường, con ngõ nhỏ, con phố vắng, bóng dáng các cụ già với vẻ đặc trưng của Hội An cần mẫn với gánh hàng rong trên hè phố”.

487942518_1252761660184885_8492313683636115708_n.jpg
Triển lãm "Nghe vải kể chuyên" của nữ họa sĩ Trần Thanh Thục tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật (Hà Nội) hồi tháng 4/2025.

Hội An đẹp, Hội An yên lành cổ kính. Trần Thanh Thục nói chị đặc biệt yêu khung giờ chạng vạng nơi phố cổ, hoặc sáng sớm khi các cửa hàng chưa mở.

Rồi một ngày, như người mẹ mang thai, khi ký ức cựa mình đòi đi ra, những bức tranh cắt vải về Hội An ra đời. Một bức trường cảnh về cả con phố với nhiều ngôi nhà, những mái nhà đặc trưng kiến trúc rất riêng mà nếu để ý, ta nhận ra nó không hề giống với bất cứ ngôi nhà cổ nào ở nơi khác. Một góc phố nhỏ bình yên dưới giàn hoa giấy, một cửa hiệu mang trọn sự tinh tế pha một chút xa hoa nữa…

Yêu nghệ thuật tranh cắt vải, trải qua biết bao cuộc triển lãm lớn nhỏ, nhưng nữ họa sĩ Trần Thanh Thục, dù tuổi đã 60, vẫn luôn cần mẫn sáng tác. Thứ mà chị yêu quý nhất, có lẽ là hội họa và gia đình.

Nghệ thuật là sự khắt khe, nghiêm túc và chị chẳng bao giờ thỏa hiệp với mình, nhất là trong nghệ thuật. Càng đắm mình trong sự kỹ lưỡng chỉn chu, càng chắt chiu vẻ đẹp của vải để dâng cho đời các tác phẩm từ trái tim.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/hoa-si-tran-thanh-thuc-nghe-vai-ke-chuyen-3155477.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm