Một số nhận thức chung
Việt Nam ký kết Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) từ năm 2003 và chính thức phê chuẩn, tổ chức thực thi UNCAC từ năm 2009. Việc trở thành thành viên chính thức của Công ước đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia thành viên về thực hiện các nghĩa vụ phát sinh, trong đó có nghĩa vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế phù hợp với các yêu cầu của Công ước (nâng cao mức độ tuân thủ, đặc biệt là đối với các yêu cầu mang tính bắt buộc). Theo quy định của UNCAC, các quốc gia thành viên cần áp dụng các biện pháp lập pháp hoặc biện pháp cần thiết khác để hình sự hóa hành vi hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước và khuyến nghị xem xét hình sự hóa hành vi cố ý của người điều hành hay làm việc cho tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc những vấn đề khác... mà người này được giao quản lý(1). Từ khuyến cáo đó, lần đầu tiên ở Việt Nam đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, tạo hành lang pháp lý mới cho công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đây đồng thời là bước đột phá thể hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về công tác này, đặc biệt là sự nội luật hóa, hài hòa hóa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế trong phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước tập trung vào kiểm tra tài chính nhà nước, quá trình quản lý, sử dụng tài sản công_Nguồn: daibieunhandan.vn
Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”(2). Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Căn cứ quy định trên, tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước) thực hiện các hành vi, như tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Như vậy, những người có chức vụ, chức danh được bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng lao động để đảm nhận một chức danh quản lý nào đó hoàn toàn có thể trở thành chủ thể của hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, đối với những vị trí công việc mà không phải các chức danh, chức vụ quản lý, nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, được giao hay vì thực hiện đúng nhiệm vụ của bản thân mà có hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý.
Tuy nhiên, trong các quy định của Luật vẫn còn chưa đề cập đầy đủ đến các chủ thể của hành vi tham nhũng. Đơn cử, đó là những chủ thể dù không nắm giữ các chức danh, chức vụ quản lý hay thực hiện bất kỳ một nhiệm vụ nào với tư cách là người lao động của doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, nhưng lại có đủ khả năng tác động đối với các chủ thể nêu trên trong việc ra các quyết định quản lý hoặc thực hiện nhiệm vụ của mình. Những người này không tồn tại chính thức và hợp lệ trong doanh nghiệp, nhưng lại là những chủ thể có khả năng hủy hoại văn hóa liêm chính kinh doanh và làm cho hoạt động quản trị công ty trở nên kém hiệu quả. Ví dụ, những người có số tiền lớn gửi tại các ngân hàng, dù không nắm giữ các chức danh, chức vụ quản lý hoặc thực hiện bất kỳ một nhiệm vụ nào với tư cách là người lao động của doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, nhưng lại có đủ khả năng tác động đối với chủ thể khác trong doanh nghiệp để vụ lợi.
Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội(3). Cụ thể: Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là nhóm đối tượng áp dụng những quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng mang tính khuyến nghị, khuyến khích. Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng mới chỉ xác định các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước phải thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng bao gồm công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện(4) (công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội). Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội phải thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.
Khái niệm “phòng, chống tham nhũng” đã bao hàm trong đó hai khái niệm thành phần là “phòng ngừa tham nhũng” và “chống tham nhũng”(5). Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 không có sự phân biệt rạch ròi đâu là biện pháp “phòng ngừa tham nhũng” và đâu là biện pháp “chống tham nhũng”, mà được lồng vào nhau, trong biện pháp phòng ngừa có mục tiêu chống, trong biện pháp chống đã bao hàm biện pháp phòng ngừa. Việc thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng không chỉ giúp ngăn chặn, loại trừ nguyên nhân phát sinh tham nhũng, mà còn giúp phát hiện, điều tra tham nhũng kịp thời hơn, ngăn chặn hiệu quả hơn những tác hại mà hành vi này có thể gây ra cho tổ chức, đơn vị và toàn xã hội. Như vậy, phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là tổng thể các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm ngăn ngừa, loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; phát hiện, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật nhằm làm giảm thiểu tác hại do tham nhũng gây ra đối với Nhà nước và xã hội.
Một số bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước
Thứ nhất, các quy định áp dụng chung đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Nhóm quy định áp dụng chung đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước bám sát vào hai quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, đó là:
(i) Trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong phòng, chống tham nhũng quy định tại khoản 2, Điều 4 và Điều 76 của Luật. Điều 76 đề cập cụ thể vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề như một trong số bốn nhóm chủ thể khác trong xã hội có trách nhiệm tham gia phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, một vài nội dung trong Điều 76 cũng tương tự như khoản 2, Điều 4 của Luật. Cụ thể, cả 2 điều của Luật đều đề cập đến “tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa”; “kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng”; “phối hợp với các cơ quan”. Việc quy định như trên tạo ra sự trùng lắp của Luật và khó theo dõi trong việc xác định trách nhiệm của nhóm chủ thể khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn chưa đề cập đến việc xử lý vi phạm nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Để các đối tượng này thực hiện tốt trách nhiệm đã được luật quy định, cần nâng cao hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng để từ đó chủ động thực hiện trong doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội của mình.
(ii) Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Điều 78, Điều 79 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 lần đầu tiên quy định quy tắc áp dụng đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Theo Luật, tùy vào từng doanh nghiệp, từng loại hình, ngành nghề kinh doanh mang tính đặc thù mà các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cần tập trung vào việc xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng để bảo đảm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh và sự liêm chính nghề nghiệp.
Trách nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề được quy định tại Điều 79 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tuy nhiên, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP không có bất cứ giải thích, quy định cụ thể về vấn đề này và các quy định tại Điều 79 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chỉ mang tính khuyến nghị về trách nhiệm của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không mang tính bắt buộc, ràng buộc trách nhiệm pháp lý, nên hiệu lực, hiệu quả của các quy định này sẽ không cao. Bên cạnh đó, việc ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định do bản thân mỗi doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tự xây dựng dựa trên những quy định pháp luật chung và đặc tính đặc thù nghề nghiệp của doanh nghiệp, tổ chức đó. Trong khi đó, hệ thống pháp luật chuyên ngành, như (i) Luật Doanh nghiệp năm 2020 không đề cập đến vấn đề này; (ii) Khoản 2, Điều 3, Luật Viên chức năm 2012 quy định đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định. Như vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng như pháp luật chuyên ngành đều chưa đưa ra được những nguyên tắc cơ bản để các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có thể tuân theo, từ đó xây dựng bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp và ban hành quy tắc kinh doanh phù hợp, ngăn ngừa hành vi tham nhũng.
Thứ hai, các quy định áp dụng đối với một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Một là, các quy định thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước còn nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội là nhóm đối tượng bắt buộc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó bắt buộc áp dụng 3 biện pháp phòng ngừa: (i) công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động, (ii) kiểm soát xung đột lợi ích, (iii) chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, việc công khai, minh bạch được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và hệ thống pháp luật chuyên ngành, như Nghị định số 71/2017/NĐ-CP, ngày 6-6-2017, của Chính phủ hướng dẫn về quản trị áp dụng đối với công ty đại chúng dành hẳn một chương để quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin đối với công ty đại chúng. Đây là quy định thể hiện yêu cầu về sự công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh nói riêng, đối với thị trường nói chung. Bên cạnh đó, Thông tư số 155/2015/TT-BTC, ngày 6-10-2015, của Bộ Tài chính, hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nhằm mục đích bảo đảm sự lành mạnh của thị trường chứng khoán nói chung. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng đề cập đến vấn đề công khai thông tin trong các văn bản tín dụng. Tuy nhiên, trong Luật Các tổ chức tín dụng chưa có các quy định về việc công khai, minh bạch của các tổ chức tín dụng nhằm mục đích phòng, chống tham nhũng trong nội bộ. Do vậy, cần phải hợp nhất văn bản hoặc ban hành cụ thể ở Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng về việc công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước để dễ theo dõi và thực hiện thống nhất.
Hai là, thiếu đồng bộ về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích được quy định cụ thể tại Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và được cụ thể hóa trong mục 3 - Kiểm soát xung đột lợi ích tại Nghị định số 59/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội thay vì đối với các nhóm chủ thể khác là doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước như công ty tư nhân. Điều này cho thấy sự thiếu đồng bộ về hệ thống kiểm soát xung đột lợi ích về công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 với các quy định có liên quan trong Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật về hội để bảo đảm kiểm soát được các tình huống xung đột lợi ích trong khu vực ngoài nhà nước.
Ba là, chưa có sự thống nhất về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. Tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, khoản 4 Điều 73 Luật quy định các trách nhiệm của người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu trong tổ chức xã hội để xảy ra tham nhũng ngoài bị xử lý theo quy định của Điều 73 còn bị xử lý theo điều lệ và quy chế quy định của tổ chức đó. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước không quy định về vấn đề này. Đây là một vấn đề cần được điều chỉnh trong mục phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, ngoài việc áp dụng các quy định theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản có liên quan, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cũng nên được xem xét theo điều lệ, quy chế của tổ chức đó. Điều này là phù hợp với đặc thù của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, Điều 55 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa điểm c, khoản 1, Điều 80 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tuy nhiên, Luật chưa đề cập đến trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. Đây chính là khoảng trống của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 khi quy định về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước. Như vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 coi trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là nội dung bắt buộc tuân thủ, như các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP coi các quy định đó như những nguyên tắc và giao cho doanh nghiệp, tổ chức đó tự quy định phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, tổ chức. Vấn đề này cần có sự thống nhất trong hai văn bản quy phạm pháp luật này.
Thứ ba, chưa có cơ chế thống nhất bảo đảm liêm chính trong hoạt động kinh doanh và tuân thủ quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về cơ chế tự kiểm tra của doanh nghiệp, tổ chức hay cơ chế tự kiểm soát nội bộ tại khoản 1, Điều 82. Tuy nhiên, quy định về việc xây dựng một cơ chế tự kiểm soát trong nội bộ doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng là một quy định mang tính chất khuyến nghị - không mang tính ràng buộc và cũng không có cơ chế xử lý khi mà một doanh nghiệp không xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp của họ. Do đó, Luật cũng cần phải có sự điều chỉnh rõ hơn về vấn đề này. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước quy định tại mục 2, Chương IX. Cụ thể là, việc xử phạt vi phạm trong việc thực hiện công khai, minh bạch tại Điều 81 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, xử lý vi phạm quy định về xung đột lợi ích tại Điều 84 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về xử phạt khi vi phạm quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, ngày 17-5-2025_Ảnh: TTXVN
Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam
Để khắc phục những bất cập của pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về xử lý hành chính đối với hành vi tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Trong một số văn bản pháp luật chuyên ngành hiện nay (Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã…) và pháp luật về cán bộ, công chức đã có những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực chuyên ngành và trong hoạt động công vụ đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, quy định này cũng chỉ áp dụng đối với một số dạng hành vi (không công bố thông tin hoặc chậm công bố công tin; không công khai báo cáo tài chính…) hoặc xử lý vi phạm kỷ luật công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thực tiễn rà soát cho thấy, có một số dạng hành vi vi phạm của các chủ thể trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước chưa được pháp luật điều chỉnh, như: Không ban hành và tổ chức thực hiện quy định về quy tắc ứng xử; lựa chọn các hình thức công khai, minh bạch; không thực hiện công khai, kiểm toán các khoản đóng góp của nhân dân; không xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích…
Để bảo đảm tính thống nhất, toàn diện, phù hợp với đặc thù của pháp luật phòng, chống tham nhũng, cần có quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng của người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi không ban hành và tổ chức thực hiện quy định về quy tắc ứng xử; lựa chọn các hình thức công khai, minh bạch; không thực hiện công khai, kiểm toán các khoản đóng góp của nhân dân; không xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích. Trong đó, cần chú trọng đến hình thức phạt tiền hoặc cấm tham gia vào các hoạt động kinh doanh (cấm tham gia đấu thầu trong một khoảng thời gian nhất định); thực hiện đăng tải công khai các doanh nghiệp, tổ chức có hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai, cần ban hành thông tư về thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư điều chỉnh về thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng áp dụng trong khu vực công. Thực tiễn cho thấy các quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng về chủ thể, nội dung, hình thức, trình tự thủ tục, hình thức thanh tra, kiểm tra; việc ban hành kết luận và tổ chức thực hiện kết luận thanh tra … ở khu vực công có sự khác biệt với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Ví dụ, trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận thanh tra phải trực tiếp là các doanh nghiệp, tổ chức có hành vi vi phạm mà không cần thông qua việc chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc ban hành thông tư điều chỉnh về thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là cần thiết.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước nhằm thống nhất các nội dung tránh chồng chéo, trùng lắp. Cụ thể:
(i) Gộp khoản 2, Điều 4 và Điều 76 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 làm một và nên bố trí một cách hợp lý trong Chương V - Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Cách tiếp cận này mở ra vấn đề đó là doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề là chủ thể trong xã hội có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng hơn là trách nhiệm của một “tác nhân” hay “nạn nhân” của hành vi tham nhũng.
(ii) Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị cấm trong pháp luật chuyên ngành bảo đảm thống nhất với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, tại điểm d, khoản 2, Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định. Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, trong Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã không có quy định cấm người chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ. Vì vậy, cần bổ sung các quy định này khi sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.
(iii) Bảo đảm sự thống nhất quy định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã, Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật về hội. Điều 23 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về việc kiểm soát xung đột lợi ích. Điều 54 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP cũng có quy định cụ thể việc thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, để bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, cần sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã, Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật về hội để bảo đảm kiểm soát được các tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ.
(iv) Đưa ra định nghĩa hoặc hướng dẫn chung, thống nhất về kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Thông tư số 06/2020/TT-NHNN, ngày 30-6-2020, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ban hành quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra khái niệm về “hoạt động kiểm soát nội bộ”. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành và văn bản pháp luật phòng, chống tham nhũng và văn bản pháp luật khác chưa có quy định thống nhất chung về vấn đề này. Do đó, cần phải đưa ra định nghĩa, hướng dẫn chung, thống nhất giữa văn bản pháp luật chuyên ngành và Luật Phòng, chống tham nhũng.
(v) Cần bổ sung các quy định pháp luật về khuyến khích xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng và việc tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội một cách có hệ thống, có tính quy phạm, nhằm tạo ra các quy tắc xử sự chung, cũng như xây dựng các quy định có chế tài bảo đảm việc thực thi.
Thứ tư, quy định cụ thể những hành vi tham nhũng đặc trưng của khu vực ngoài nhà nước, từ đó đề ra biện pháp phòng ngừa tương xứng, phù hợp. Cần quy định rõ nội dung nào các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước bắt buộc phải công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, bởi các vụ, việc xảy ra thời gian qua cho thấy sự thiếu minh bạch, công khai hoạt động của các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng, các loại quỹ chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát sinh…
Thứ năm, hoàn thiện quy định xử lý hành vi làm giàu không chính đáng trong khu vực tư. Theo Điều 9 Công ước chống tham nhũng của tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) có quy định về tội làm giàu bất chính là sự tăng lên đáng kể về tài sản của một công chức chính phủ mà công chức không thể chứng minh tài sản đó xuất phát từ nguồn thu nhập hợp pháp của mình(6). Tại Việt Nam, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có quy định nào trực tiếp về tội làm giàu bất chính. Trong thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu thấu đáo các quy định về tội làm giàu bất chính được quy định trong Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan nhằm tránh hiện tượng bỏ lọt tội phạm tham nhũng./.
------------------
(1) Điều 21, 22 UNCAC
(2) Luật số 36/2018/QH14 Luật Phòng, chống tham nhũng, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/07/36-2018-qh14..pdf
(3) Khoản 10, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
(4) Khoản 1, Điều 80 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
(5) Giáo trình Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr. 399
(6) Xem: Công ước liên Mỹ chống tham nhũng https://www.oas.org/en/sla/dil/inter_american_treaties_B-58_against_Corruption.asp
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1083302/hoan-thien-phap-luat-phong%2C-chong-tham-nhung-trong-doanh-nghiep%2C-to-chuc-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-o-viet-nam-hien-nay.aspx
Bình luận (0)