Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là trung tâm, mục tiêu, động lực phát triển đất nước

TCCS - Tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người xuất phát từ tư tưởng về giải phóng con người gắn với giải phóng giai cấp, dân tộc và toàn nhân loại, có giá trị thời đại sâu sắc, luôn là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản19/05/2025

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng (tranh của họa sĩ Đỗ Hữu Huề) _Nguồn: nhandan.vn

Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là trung tâm, mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước

Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là hệ thống các quan điểm khoa học, khách quan, toàn diện, biện chứng kết tinh từ giá trị văn hoá, văn hiến hàng nghìn năm của dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại về con người, giải phóng con người; hệ thống lý luận khoa học và phát triển về quyền con người đặc sắc, là các quyền, nhu cầu, lợi ích, xuất phát từ phẩm giá vốn có, tự nhiên của mỗi người, với tư cách là cá nhân, thành viên cộng đồng, dân tộc và nhân loại.

Giá trị then chốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, bao gồm: 1- Giá trị mục tiêu/lý tưởng: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho mỗi người và cả dân tộc; 2- Giá trị động lực/phương tiện của đổi mới, sáng tạo; 3- Tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạt động của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội khác nhằm kiến tạo trật tự xã hội mới - xã hội chủ nghĩa (XHCN); 4- Giá trị tiền đề của tư duy pháp quyền, thiết lập nền dân chủ mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vì quyền con người; 5- Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là một giá trị văn hóa, lịch sử và tư tưởng quan trọng, là kim chỉ nam định hướng cho hoạt động bảo đảm quyền con người ở Việt Nam ngày càng tốt hơn; 6- Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người có giá trị vượt thời đại không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, thể hiện những nguyên tắc cơ bản của sự công bằng, tự do và nhân đạo.

Trong đó, giá trị cốt lõi của quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là ba nội dung bất biến: “Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc”. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người. Tự do là quyền tự nhiên và cơ bản của mỗi con người, bao gồm tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do kinh doanh…; chỉ khi mỗi cá nhân được tự do phát triển, đất nước mới phát triển toàn diện. Hạnh phúc của người dân không chỉ là đời sống vật chất đầy đủ, mà còn là sự hài lòng về tinh thần, cốt lõi là mọi người dân được bảo đảm các quyền cơ bản và được sống trong một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, một môi trường an toàn, lành mạnh. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người là: Độc lập cho Tổ quốc tôi, Tự do cho đồng bào tôi, và Hạnh phúc cho nhân dân đất nước tôi. Ham muốn tột bậc của Người “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1), làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Người khẳng định, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2).

Độc lập - Tự do - Hạnh phúccó quan hệ biện chứng, không thể tách rời cho mục tiêu vì độc lập dân tộc, hạnh phúc cho mọi người - khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành quốc hiệu Việt Nam. Ngay từ năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa mới ra đời, Quốc hiệu đã đề cao ba giá trị cốt lõi: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Quyền con người là giá trị trung tâm, cốt lõi và then chốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là hệ giá trị dân tộc, thời đại và quốc gia trong mọi thời kỳ cách mạng, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển mới hiện nay. Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu tinh hoa nhân loại, giá trị quyền con người cần được đặt vào vị trí trung tâm trong hệ giá trị quốc gia. Sự công nhận này sẽ là định hướng quan trọng cho việc xây dựng, hoàn thiện các thể chế và trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; đồng thời, đề cao các giá trị quyền con người trong giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết chế, đặc biệt là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Hai là, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người đã và đang là kim chỉ nam cho việc bổ sung và phát triển lý luận của Đảng ta về con người, giải phóng con người, phát triển toàn diện con người, về quyền con người, về nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là điều kiện tiên quyết bảo đảm thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta cũng như các cam kết quốc tế về quyền con người, về xây dựng, hoàn thiện mô hình phát triển Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Ba là, nhân dân luôn là chủ thể của mọi quyền lực, là nguồn sức mạnh vô địch và động lực, mục tiêu cao quý nhất của mọi quan điểm và chính sách phát triển của đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(3). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, chủ quyền nhân dân, các quyền tự do và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, cần tiếp tục quán triệt nhận thức và vận dụng đúng đắn quan điểm nhân dân là chủ thể, trung tâm và mục tiêu cao nhất của mọi chủ trương, đường lối, chính sách và con đường phát triển. “Hạnh phúc” cho nhân dân là hệ giá trị cao quý, thiêng liêng của quốc gia - dân tộc, là hệ giá trị mà con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) cần đạt được ở nước ta, đồng thời cũng chính là hệ giá trị của mỗi người dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định khi được một nhà báo quốc tế hỏi về “Chủ nghĩa xã hội là gì?”, Người trả lời: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho dân tộc và nhân dân tôi, hạnh phúc cho đồng bào tôiđó là tất cả những gì tôi muốn, đó là những gì tôi hiểu!”(4). Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt…”(5).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là hệ thống lý luận cách mạng, khoa học và thực tiễn, về các quyền và tự do cơ bản của mỗi người gắn liền với quyền độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết, với các điều kiện cần thiết và hiện thực để bảo đảm và hiện thực hoá các quyền trên. Tư tưởng dựa trên con người là trung tâm, mà ở đó các quyền con người cần phải được hiện thực hóa. Người khẳng định: “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước”(6).

Bốn là, tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là hệ thống lý luận phát triển dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tinh hoa giá trị truyền thống dân tộc về con người, giải phóng con người, về các quyền và tự do cơ bản của con người, là kết quả trực tiếp của quá trình tổng kết thực tiễn, hoạt động cách mạng của Người. Quan điểm mác-xít chỉ ra rằng, sự phát triển tự do và phát triển toàn diện con người là một quá trình lịch sử; đồng thời, việc tôn trọng, bảo đảm và hiện thực hóa các quyền con người, các quyền tự do của mỗi người cũng chính là động lực, mục tiêu của sự phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân làm trung tâm của mọi quyết sách: “Điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện dần đời sống của nhân dân(7). Sự nghiệp cách mạng xây dựng thành công CNXH, xét đến cùng và mục tiêu cao cả, là vì sự phát triển tự do, ấm no, hạnh phúc, trao quyền và thụ hưởng các quyền con người cơ bản trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường, an ninh,… Điều này xuất phát từ nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền được phát triển; vì vậy, cần đặc biệt nhấn mạnh đến mối liên hệ thống nhất biện chứng, không tách rời của các thành tố trong mục tiêu “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” với việc bảo đảm và hiện thực hóa không ngừng các quyền con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người phản ánh một tầm nhìn thời đại về phát triển bao trùm, toàn diện, đã và đang được phản ánh sâu đậm trong mọi đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước ta, lấy con người, quyền con người là trung tâm. Vì vậy, việc ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân luôn là mục tiêu, động lực của sự nghiệp xây dựng CNXH, phát triển toàn diện con người, tự do, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến nguyên tắc công bằng xã hội, bình đẳng, trao quyền và thụ hưởng quyền cho tất cả mọi người, xem đó là bản chất của chế độ xã hội mới, chế độ XHCN. Người khẳng định, đó là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”(8). Theo Người, công bằng và bình đẳng xã hội cho tất cả mọi người chỉ có thể có được trong chế độ xã hội mới, đó là chế độ dân chủ cộng hòa, là chế độ XHCN. Chỉ dưới chế độ xã hội tốt đẹp ấy, nhân dân lao động mới được hưởng ngày càng nhiều hơn, đầy đủ hơn sự công bằng và bình đẳng, mới vừa “có nghĩa vụ, đồng thời có quyền lợi(9).

Thiếu niên, nhi đồng được nghe giới thiệu chặng đường 84 năm hình thành, phát triển vẻ vang của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh_Ảnh: TTXVN

Giá trị vượt thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là trung tâm, động lực của sự phát triển xã hội

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người có ý nghĩa giá trị vượt thời đại, nhất là khi soi chiếu vào lăng kính của lý luận pháp luật quốc tế hiện đại và luật nhân quyền quốc tế hiện đại. Cách tiếp cận bao trùm, tổng thể và toàn diện về quyền con người trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đất nước nói chung được Liên hợp quốc bắt đầu nhấn mạnh từ năm 2000 trở lại đây (chưa đầy ¼ thế kỷ). Tuy nhiên, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người đã chứa đựng nội dung sâu sắc và vượt thời đại, ngót gần 1 thế kỷ trước. Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc thể hiện trong các chương trình hành động của các tổ chức, định chế quốc tế mới đặc biệt quan tâm đến việc xem quyền con người như là trọng tâm, trung tâm của sự phát triển trong thời gian gần đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất biện chứng, không thể tách rời giữa quyền cá nhân và quyền quốc gia - dân tộc trong sự phát triển, và phát triển phải vì mục tiêu mang lại các quyền thực chất, như “ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai ai cũng được học hành”. Đây là cách tiếp cận bao trùm và đặt mọi người, mỗi người, mỗi cá nhân, là trung tâm của sự phát triển. Đặc biệt, Người luôn nhấn mạnh: “một đất nước nô lệ, không thể có con người tự do”, vì vậy, quyền tự do cá nhân phải gắn với quyền tự do, độc lập của dân tộc, quyền sống của cá nhân gắn liền quyền tồn tại của quốc gia - dân tộc. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về việc hiện thực hóa quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX là một hình mẫu về tinh thần, ý chí đấu tranh đầy kiên cường, bất khuất của các dân tộc thuộc địa, yêu chuộng tự do, hòa bình và phát triển trên toàn thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiêu biểu, điển hình của Liên hợp quốc về bảo đảm và hiện thực hóa quyền con người, tự do và quyền phát triển, đặc biệt là tự do khỏi ách áp bức, nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, tự do thoát khỏi đói nghèo, quyền được sống, quyền phát triển toàn diện về mọi mặt, bao gồm đời sống vật chất và tinh thần (quyền có nhà ở, có việc làm, được học hành/quyền giáo dục, tiếp cận và thụ hưởng các giá trị văn hóa/quyền văn hóa, sống trong môi trường trong lành),.. thông qua hoàn thành rất sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ và đang hoàn thành tốt các mục tiêu Phát triển bền vững. Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều cơ chế, thể chế đa phương, song phương trong khu vực và toàn cầu, như ASEAN, Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc,…

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới và phát triển đất nước đã và đang chứng minh những ưu việt của chế độ XHCN, của mô hình phát triển Việt Nam lấy con người, quyền con người là trung tâm, là động lực, mục tiêu của sự phát triển nhanh, bền vững vì “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho quốc gia - dân tộc, cho mỗi người và tất cả mọi người dân. Thành tựu của mô hình phát triển Việt Nam có được từ tiền đề lý luận và thực tiễn không ngừng bảo đảm, hiện thực hóa các quyền con người, tự do và hạnh phúc cho mỗi người, được xem là hình mẫu của Liên hợp quốc về bảo đảm quyền tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi (khỏi sự nô dịch, bất công, bất bình đẳng), tự do thoát khỏi sự cùng cực, đói nghèo và quyền tự do phát triển mọi năng lực vốn có của mỗi người, mỗi cộng đồng dân tộc và quốc gia - dân tộc. Những giá trị vượt thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 187
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 27 - 28
(4) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 1, tr. 112
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 438
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 374
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 314
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 241
(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 264

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/1086002/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-quyen-con-nguoi-la-trung-tam%2C-muc-tieu%2C-dong-luc-phat-trien-dat-nuoc.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm