“Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là đầu sách mới nhất về lĩnh vực văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp ra mắt ngày 21.6.2024.
Sách dày 927 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó bài viết sớm nhất là năm 1968.
Và một trong những phát biểu - bài nói để lại ấn tượng sâu sắc nhất với toàn thể nhân dân, đặc biệt là những người đang làm việc, có quan tâm đến lĩnh vực văn hóa chính là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những phát biểu, yêu cầu, căn dặn… rất sâu sắc, đầy tâm huyết, có tính tuyên ngôn về lĩnh vực văn hóa như: “Văn hóa còn là dân tộc còn”!
Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu phải khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Hoặc “sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương”...
Tuy nhiên, có những lời căn dặn nhỏ có tính địa phương, không xuất hiện trong sách, nhưng lại có giá trị bài học lớn, có tính kim chỉ nam cho những người làm văn hóa - như lời dặn của Tổng Bí thư trong chuyến thăm quần thể di tích Cố đô Huế vào năm 2014, vừa được TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thời điểm ấy kể lại.
“Đó là một kho tàng tri thức văn hóa nghệ thuật tiêu biểu và vô cùng quý giá của người xưa, nhưng chúng ta cần phải học, phải hiểu thì mới có thể phát huy tốt được” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn những người làm công tác quản lý di sản sau khi được giới thiệu về một số bài thơ tiêu biểu trên kiến trúc cung đình Huế.
Đáng chú ý là sau khi căn dặn đội ngũ những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế cần phải không ngừng học tập, phấn đấu để nâng cao trình độ kiến thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nhiều lần nhấn mạnh đến một ý rất hay và mới, vốn chưa được nhiều người đánh giá đúng về tầm quan trọng: “Phải luôn bồi đắp tình yêu đối với các di sản vô giá của dân tộc”.
Bởi thực tế cho thấy học để hiểu di sản thì dễ, nhiều người làm được nhưng để có tình yêu, sự tâm huyết với di sản thì rất khó và không phải ai cũng làm được.
Và suy rộng ra, không chỉ với di sản văn hóa của cha ông để lại, mà với bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống, kể cả tình yêu thương giữa người với người, cũng phải luôn được bồi đắp!
Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/hoc-hieu-va-boi-dap-tinh-yeu-voi-di-san-van-hoa-cua-dan-toc-1369078.ldo
Bình luận (0)