Hiện nay, việc thanh toán không tiền mặt đã xuất hiện ở khắp mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đời sống hàng ngày. Có thể thấy, hình thức thanh toán này đã và đang góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Để hướng tới mục tiêu 100% các điểm cung cấp dịch vụ công, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục... trên địa bàn áp dụng được phương thức thanh toán điện tử, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Trong đó, trọng tâm là nâng cao nhận thức của người dân. Huyện đã phối hợp với các ngân hàng tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn về lợi ích và cách sử dụng các hình thức thanh toán điện tử cho tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh thông qua hệ thống loa phát thanh, pa-nô, tờ rơi và mạng xã hội.
Hiện nay tại các hộ kinh doanh, các tiểu thương ở chợ truyền thống được trang bị quét mã QR Code, đại đa số người dân đến mua sắm tại các quầy hàng đã thực hiện thanh toán bằng quét mã QR. Toàn bộ tiểu thương và người dân, chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền bằng hình thức số qua Viettel Money, app của ngân hàng, vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Chị Nguyễn Phương Loan (xã Vạn Yên) cho biết: Từ ngày biết đến hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tôi thấy rất thuận lợi. Tôi có thể thanh toán các khoản tiền điện, nước, đóng tiền học cho con... ở bất cứ đâu; đồng thời, có thể truy cập, kiểm tra lại các khoản tiền đã thanh toán trước đó.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ Hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên địa bàn huyện cũng được đẩy mạnh. 5 tháng đầu năm tại Chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công Vân Đồn có tổng số thu trên 213 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ thu phí không dùng tiền mặt đạt 100%. Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các địa phương thu phí, lệ phí trên 40 triệu đồng, trong đó tỷ lệ thu phí không dùng tiền mặt đạt 100%. Tỷ lệ thanh toán qua Cổng dịch vụ công của tỉnh tại các địa phương đạt 100%.
Huyện cũng đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, duy trì chi trả an sinh xã hội bằng hình thức không dùng tiền mặt cho đối tượng đủ điều kiện trên địa bàn. Tổng số đối tượng chính sách an sinh xã hội hằng tháng là 1.980 người, tổng số đối tượng đã thực hiện nhận trợ cấp qua tài khoản 1.854/1.957, đạt 94,7%. Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công hàng tháng qua tài khoản cho 384/459 người, đạt 83,66%. Bảo hiểm xã hội đã chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cho 2.125/2.349 người, đạt 90,46 %...
Tháng 4 vừa qua, Vân Đồn đã triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại tối thiểu 1 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn huyện. Nhằm tiếp tục hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn huyện, tạo thói quen, duy trì ổn định hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt khi thu phí trông giữ xe tại các bãi đỗ xe trên địa bàn huyện; UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và Công ty TNHH Du lịch Mai Quyền thực hiện niêm yết công khai quy trình thanh toán, hình thức thanh toán trực tuyến… cung cấp wifi miễn phí, bố trí đặt mã quét QR phù hợp để thuận tiện cho khách hàng thanh toán bằng thiết bị thông minh.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực, với nhiều tiện ích, nhanh chóng, độ chính xác và an toàn cao, góp phần giảm chi phí xã hội, mở rộng không gian góp phần nền xây dựng kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/thuc-day-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-3359775.html
Bình luận (0)