Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kết nối biển, rừng với Net Zero (Bài 3)

Với giải pháp “Tận dụng cỏ dại, phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất than hoạt tính, dầu giấm gỗ và nhiệt khí hóa sử dụng trong nông nghiệp” đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ II (2022 - 2023), giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ X (2023 - 2024), nhà nông Bùi Ngọc Châu (sinh năm 1982) ở thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà tích hợp chế phẩm tinh dầu cây neem ở miền biển, bổ trợ men vi sinh vật cải thiện môi trường đất, tăng cường sức đề kháng và khả năng quang hợp của thực vật trên cao nguyên, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu trong vùng.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng20/05/2025

Bài 3: Giấm gỗ rừng và tinh dầu biển - hoạt chất 2 trong 1

 
Trong nhà xưởng sản xuất than hoạt tính, dầu giấm gỗ từ nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp của nông gia Bùi Ngọc Châu
Trong nhà xưởng sản xuất than hoạt tính, dầu giấm gỗ từ nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp của nông gia Bùi Ngọc Châu

BIẾN PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP THÀNH THAN, DẦU GIẤM VÀ NHIỆT

Xưởng sản xuất than hoạt tính 1.000 m2 xây dựng trên khu vườn phong phú rau, cỏ, hoa, quả, cà phê trên diện tích 30.000 m2 ở thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà trông khá bề thế với những cỗ máy, băng chuyền, lò đốt, bể chứa, thùng, ống cao ngất ngưởng đều do nông hộ Bùi Ngọc Châu tự nghiên cứu, thiết kế lắp đặt và vận hành từ năm 2021 đến nay. Khu vực đầu nhà xưởng chất đống khối lượng lớn nguyên liệu phụ phẩm đầu vào khai thác từ cỏ dại, vỏ mắc ca, vỏ cà phê, thân cây dâu tằm; cuối nhà xưởng sắp lớp những bao than thành phẩm viên nén tròn dài bằng ngón tay. Anh Châu diễn giải chức năng từng bộ phận trong hệ thống máy móc hoạt động khép kín ở đây: “Nguyên liệu phế phụ phẩm nông nghiệp từ cỏ dại, vỏ mắc ca, vỏ cà phê, thân nhánh cây dâu tằm, cây cà phê trong vùng nông nghiệp huyện Lâm Hà được thu gom phơi hoặc sấy khô tại chỗ. Đầu tiên đưa vào máy băm, máy nghiền nhỏ. Kế tiếp chuyền qua máy nén phần lớn thành dạng viên gỗ tròn, phần nhỏ thanh dạng dăm gỗ. Cuối cùng đổ về lò đốt phiên bản mới để vận hành cho ra sản phẩm than hoạt tính, dầu giấm gỗ và nhiệt lượng...”.

Theo đó, với tỷ lệ trung bình 4 - 5 kg nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp chế biến thành 1 kg thành phẩm than hoạt tính, giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, sử dụng cùng với men vi sinh cũng do nông hộ Bùi Ngọc Châu tự nuôi cấy, đã ứng dụng địa bàn các xã Hoài Đức, Liên Hà, Tân Văn, Tân Hà, huyện Lâm Hà cải tạo đất, giúp cây trồng tăng cường dinh dưỡng, chống chịu hạn hán, bão lũ, nhất là cây cà phê chủ lực trong mùa khô chỉ cần tưới 3 - 4 lần vẫn giữ được nhịp độ sinh trưởng tốt tươi. Đặc biệt, khi dầu giấm gỗ qua hệ thống tự động chiết tách từ nguyên liệu các phụ phẩm nông nghiệp, được pha chế với tinh chất đạm cá biển phun tưới cây cà phê sau 1 tuần tưới lá xanh dày và tăng tính kháng bệnh tự nhiên.  

Anh Châu nêu hiệu quả kinh tế và môi trường: “Trên vùng nông nghiệp huyện Lâm Hà sơ bộ hàng năm ước tính thu gom khối lượng phụ phẩm nông nghiệp từ 2.000 - 4.000 tấn thân, cành dâu tằm, vỏ mắc ca, thân, nhánh cà phê, cỏ dại và gần 50.000 tấn vỏ cà phê, qua hệ thống máy móc hoạt động của nông hộ chúng tôi tạo ra không chỉ có sản phẩm than hoạt tính, dầu giấm gỗ mà còn nhiệt lượng giá rẻ dùng sấy nông sản chất lượng cao. Riêng dung dịch giấm gỗ còn có thêm tác dụng bảo quản lương thực, thực phẩm, kích thích khả năng tiêu hóa thức ăn của vật nuôi, khử mùi hôi của rác thải và làm sạch môi trường…”.

• HÀNG CHỤC HA SỬ DỤNG HOẠT CHẤT 2 TRONG 1

Trải nghiệm từ trong nhà xưởng chế biến than hoạt tính đến ra ngoài không gian phóng khoáng hơi thở ao, hồ, ruộng vườn xanh tươi 3 ha của nông hộ Bùi Ngọc Châu ở thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, phóng viên còn nhận biết có sự “góp sức” lặng lẽ của hoạt chất tinh dầu chiết xuất, chế biến từ cây neem sinh trưởng ở miền biển - cát Ninh Thuận. Thì ra có thêm xưởng máy phía dưới lưng đồi nông trại, nông gia Bùi Ngọc Châu cũng tự sáng chế, gắn kết dây chuyền máy móc hoạt động tuần hoàn, cho ra sản phẩm tinh dầu chiết xuất cành, lá, hạt cây neem Ninh Thuận để phòng trừ tổng hợp các loài bệnh hại, đảm bảo sinh trưởng xanh mạnh mẽ của cây trồng. Cụ thể, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, nông gia Bùi Ngọc Châu xuống vùng Ninh Thuận mua hàng chục tấn hạt và lá khô của cây neem đưa về nông trại chiết xuất tinh dầu đạt công suất mỗi ngày khoảng 50 lít, bảo quản sử dụng đến 1 năm. Theo tỷ lệ 1 lít tinh dầu neem hòa tan 100 lít nước sạch kết hợp với hoạt chất than hoạt tính của miền núi Lâm Đồng để bơm phun trực tiếp trên cây trồng.

“Cây cà phê và các loại cây ăn trái bơm phun tinh dầu neem kết hợp than hoạt tính giấm gỗ, đạm cá trên tán lá hoặc tưới gốc mỗi năm 4 - 5 lần vào thời điểm sau thu hoạch và trước mùa mưa, hiệu lực từ 85 - 95% phòng, chống các loại bệnh rệp sáp, rệp đen lá, rỉ sắt… Tương tự rau, củ, quả các loại 7 ngày bơm phun 1 lần, kiểm soát dịch hại tổng hợp 85 - 95%. Kết quả sử dụng phần lớn hoạt chất 2 trong 1 này, cây trồng nông trại chúng tôi quang hợp khỏe mạnh hơn mỗi ngày, hút khí các bon gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời nhả ra khí ô xy cho môi trường trong lành…”,  nông gia Bùi Ngọc Châu phân tích.

Cho đến tháng 5/2025, hàng chục ha trong vùng nông nghiệp huyện Lâm Hà đươc nông hộ Bùi Ngọc Châu chia sẻ quy trình sử dụng hoạt chất 2 trong 1 từ than hoạt tính của vùng núi và tinh dầu cây neem vùng biển, chỉ tốn chi phí bảo vệ “sức khỏe” cây cà phê 7 - 10 triệu đồng mỗi năm. Trong khi năng suất và chất lượng cà phê gia tăng tỷ lệ 20 - 30% qua từng niên vụ...

(CÒN NỮA)

Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/ket-noi-bien-rung-voi-net-zero-bai-3-b9a076e/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm