Tầm quan trọng của hợp tác quốc tế
Tổng giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm khẳng đinh, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
“Marvell đang tăng tốc mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng, với mục tiêu biến Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba của Marvell, chỉ sau Mỹ và Ấn Độ. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng số lượng nhân viên lên khoảng 500 người vào năm 2026”, ông Lê Quang Đạm chia sẻ.
Công ty Marvell hiện đang phát triển các trung tâm kỹ thuật tại Việt Nam, tập trung vào các công nghệ vi mạch tiên tiến như kết nối quang, lưu trữ, và công nghệ bán dẫn tín hiệu tương tự và hỗn hợp. Đây là những công nghệ trọng yếu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hiệu suất và tốc độ của các trung tâm dữ liệu đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tổng giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm tham luận về nhu cầu tuyển dụng và phát triển nhân sự ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung của Công ty Marvell
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.
Một doanh nghiệp không thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là vô cùng cần thiết. Các doanh nghiệp, với kinh nghiệm thực tiễn và hiểu biết sâu sắc về thị trường, có thể cung cấp cho các cơ sở đào tạo những thông tin cập nhật về nhu cầu nhân lực, từ đó giúp điều chỉnh chương trình giảng dạy sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp cơ hội thực tập, môi trường làm việc thực tế cho sinh viên, giúp họ tiếp cận sớm với các dự án thật sự, từ đó rèn luyện kỹ năng và nâng cao năng lực.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Đại học Bang Arizona (ASU)
Quản lý Cấp cao về Giám sát và Đánh giá - Đại học Bang Arizona Trần Văn Thái chia sẻ, chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn của ASU được thiết kế dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và nhu cầu của ngành công nghiệp toàn cầu. Đại học Bang Arizona sẵn sàng hợp tác với các đối tác tại Việt Nam và Đà Nẵng để phát triển các chương trình đào tạo tương tự, giúp sinh viên tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng tiên tiến nhất.
Quản lý Cấp cao về Giám sát và Đánh giá - Đại học Bang Arizona Trần Văn Thái chia sẻ về chương trình đào tạo bán dẫn của Đại học Bang Arizona và một số định hướng hợp tác với đối tác Việt Nam và Đà Nẵng
Trên cơ sở đó, ông Trần Văn Thái đã đưa ra một số định hướng hợp tác trong tương lai giữa ASU và các đối tác tại Việt Nam, bao gồm việc xây dựng các khóa học ngắn hạn, trao đổi giảng viên và sinh viên, cũng như hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp này.
Việc hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ mới là một trong những lĩnh vực mà ASU có thế mạnh; các dự án của trường ASU không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu đỉnh cao mà còn góp phần nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Sự sẵn sàng của các cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng
PGS. TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng, tham luận về sự sẵn sàng của các cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.
“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn hiện đang hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để đảm bảo sinh viên có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp”, PGS. TS Huỳnh Công Pháp cho biết.
PGS. TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng tham luận về sự sẵn sàng của các cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn
Bên cạnh đó, PGS. TS Huỳnh Công Pháp nhấn mạnh, nhờ vào sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, cùng với việc hợp tác với các doanh nghiệp, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đã và đang xây dựng một nền tảng vững chắc để đào tạo ra những kỹ sư có trình độ cao, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn không chỉ tại Đà Nẵng mà còn trên phạm vi toàn quốc.
Sự hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế mang lại nhiều lợi ích to lớn. Các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ đóng vai trò là đối tác cung cấp công nghệ và trang thiết bị hiện đại, mà còn là cầu nối giúp sinh viên có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế, tiếp cận với các tiêu chuẩn và quy trình làm việc toàn cầu. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn giúp sinh viên tự tin hơn khi bước ra thị trường lao động quốc tế, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của ngành vi mạch bán dẫn trên thế giới.
NGUYỆT ÁNH - MAI QUANG
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=60528&_c=3
Bình luận (0)