Với những giá trị riêng biệt, đặc sắc, Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, mà cốt lõi là Phật giáo Trúc Lâm, cùng hệ thống đền thờ, am tháp, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản, di tích được bảo tồn, phân bố trên một không gian rộng lớn, đã được UNESCO đánh giá cao và công nhận là Di sản Văn hóa thế giới theo các tiêu chí (iii) và (vi). Đây là bằng chứng cho sự kết hợp độc đáo giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam; cùng cảnh quan linh thiêng được hình thành thông qua mối tương tác thường xuyên, mật thiết với thiên nhiên và một hệ thống đạo đức dựa trên lòng yêu chuộng hòa bình, tu dưỡng bản thân, lòng khoan dung, nhân ái và sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.
Với 12 cụm, điểm di tích, Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc thể hiện đầy đủ truyền thống Phật giáo Trúc Lâm, từ việc thành lập tại vùng núi thiêng Yên Tử được chứng minh trong các đền cổ, am, tháp, di tích khảo cổ, đến di tích Chùa Vĩnh Nghiêm và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và sự hệ thống hóa các triết lý thể hiện qua các văn bia, di vật liên quan và thực hành nghi lễ. Các di tích này cung cấp đầy đủ đại diện về lịch sử, tinh thần và địa lý của Phật giáo Thiền Trúc Lâm, thể hiện quá trình hình thành, phát triển, mối quan hệ bền vững của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu trong các không gian lịch sử, văn hóa.
Quần thể có tổng diện tích vùng lõi 525,75ha, tổng diện tích vùng đệm là 4.380,19ha. Trong đó, vùng lõi gồm 12 thành phần di sản chính, phản ánh đầy đủ các giai đoạn hình thành, lan tỏa và phục hưng của Thiền phái Trúc Lâm.
Với việc Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản Văn hóa thế giới, giờ đây Quảng Ninh sở hữu 2 di sản thế giới độc đáo một ở dưới biển – một ở trên núi. Trước đó, với diện tích 1.553km2, hội tụ gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, ảo diệu, tuyệt đẹp, hoà quyện giữa đá và nước, cùng hệ thống hang động đặc sắc, địa chất, địa mạo có một không hai, Vịnh Hạ Long đã 3 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong đó, ngày 17/12/1994, UNESCO đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ. Ngày 2/12/2000, UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên thế giới lần thứ 2 về giá trị địa chất - địa mạo. Ngày 16/9/2023, UNESCO công nhận quần thể Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Những năm qua, với những giá trị đặc biệt, riêng có của Vịnh Hạ Long và Yên Tử đã trở thành “thỏi nam châm” hút du khách đến với Quảng Ninh. Như Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt nơi đây là điểm đến yêu thích, ưu tiên lựa chọn đối với du khách quốc tế. Còn đối với Di tích và Danh thắng Yên Tử, mỗi năm thu hút hơn một triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, chiêm bái. Với những giá trị văn hoá lâu đời, trong đó chứa đựng cái hồn cốt của Thiền phái Trúc Lâm, Yên Tử có sức hấp dẫn đặc biệt. Đơn cử như sự kiện Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cung rước, tôn trí, chiêm bái tại Cung Trúc Lâm Yên Tử vào tháng 6/2025, đã thu hút hơn 1 triệu lượt người dân, du khách, phật tử từ khắp mọi miền đất nước và quốc tế hành hương về để dâng hương, chiêm bái, cầu an, chiêm nghiệm giáo lý Phật pháp.
Giờ đây, khi Quảng Ninh sở hữu 2 di sản thế giới với những giá trị độc đáo là một lợi thế vô cùng lớn cho phát triển du lịch, dịch vụ. Ngành Du lịch Quảng Ninh đang đứng trước cơ hội kết nối 2 miền di sản thế giới để có thể gia tăng trải nghiệm, tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, độc đáo hơn, qua đó tăng sức hút cho du lịch Quảng Ninh, nhất là đối với du khách quốc tế.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/ket-noi-hai-mien-di-san-the-gioi-3366707.html
Bình luận (0)