Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khi nguồn cung dồi dào, thị trường vàng sẽ ổn định hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh tiền Việt (VND) trong xu hướng mất giá so với USD và dự trữ ngoại hối còn mỏng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán rất kỹ quota nhập khẩu vàng. Dù vậy, về lâu dài, nhập khẩu vàng sẽ có lợi cho nền kinh tế.

Báo Đầu tưBáo Đầu tư29/12/2024

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) theo hướng bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng, mở cơ chế cho ngân hàng, doanh nghiệp được nhập khẩu vàng miếng. Theo ông, những quy định này sẽ tác động như thế nào tới thị trường vàng trong nước?

Tôi ủng hộ việc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng cũng như nhập khẩu vàng nguyên liệu. Việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng là hoàn toàn đúng đắn.

Hiện nay, tổ chức thị trường đã đảm bảo chặt chẽ, năng lực của các cơ quan giám sát tăng lên, điều kiện kinh tế vĩ mô cũng cho phép, nên tôi cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước lùi lại phía sau, đứng ở vai trò cơ quan quản lý cao nhất, không tham gia trực tiếp vào thị trường vàng là phù hợp. 

Về hạn mức nhập khẩu vàng, nên thế nào là phù hợp, thưa ông?

Hạn mức nhập khẩu vàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước căn cứ nhiều yếu tố, trong đó có dự trữ ngoại hối quốc gia và biến động tỷ giá trong nước. Chắc chắn, việc nhập khẩu vàng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ giá trong nước.

Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ khoảng 80 tỷ USD, xấp xỉ  3 tháng nhập khẩu trung bình. Trong khi đó, theo khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của các quốc gia tối thiểu phải đạt trên 3 tháng nhập khẩu trung bình trở lên. Nếu nhập khẩu vàng lớn,  thì dự trữ ngoại hối sẽ bị hao hụt.

Ngân hàng Nhà nước chắc chắn tính toán kỹ lượng nhập khẩu dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố dự trữ ngoại hối và tỷ giá. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, dù Chỉ số USD Index giảm mạnh, nhưng VND vẫn tiếp tục mất giá khoảng 2,8% so với USD. Điều đó cho thấy, tỷ giá trong nước vẫn đang chịu sức ép lớn.

Tuy nhiên, không phải vì lo ngại tỷ giá mà cấm nhập khẩu vàng. Chính sách tiền tệ không thể thỏa mãn mọi mục tiêu của nền kinh tế và vai trò của Ngân hàng Nhà nước là phải tìm điểm cân bằng. Tôi cho rằng, nếu tìm được điểm cân bằng phù hợp, thì Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể nhập khẩu vàng, ổn định thị trường vàng, mà không gây bất ổn đến thị trường ngoại hối, tỷ giá.

Theo ông, việc cho phép ngân hàng thương mại tham gia sản xuất vàng miếng có hợp lý?

Tôi không nghĩ như vậy. Các ngân hàng thương mại có thể tham gia nhập khẩu vàng, phân phối vàng, lưu trữ vàng cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu ngân hàng thương mại tham gia sản xuất vàng, thì không đúng với chức năng truyền thống của ngân hàng.

Trên thế giới, các ngân hàng thương mại cũng chỉ tham gia phân phối hoặc cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng, chứ không trực tiếp tham gia sản xuất vàng miếng.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 không đề cập thành lập sàn vàng, song Ngân hàng Nhà nước cho biết đang nghiên cứu mô hình này. Theo ông, nếu thành lập, thì sàn vàng tại Việt Nam nên theo mô hình nào?

Nếu thành lập sàn vàng, thì Việt Nam chỉ nên lập sàn giao dịch hàng hóa và có thể tham khảo mô hình Sàn Giao dịch vàng Chicago Mercantile Exchange (COMEX).

Việc thành lập sàn vàng hàng hóa sẽ khiến các giao dịch diễn ra minh bạch hơn, kéo giá vàng trong nước và thế giới về sát nhau hơn, thậm chí cập nhật từng phút, từng giây. Việc thành lập sàn giao dịch vàng tài khoản ở Việt Nam, theo tôi, là không phù hợp, rất rủi ro. Chúng ta cũng đã có bài học rất lớn về các sàn vàng chui trong quá khứ.

Việc bỏ độc quyền vàng, cho phép nhập khẩu để tăng nguồn cung, thậm chí có thể lập sàn giao dịch vàng… liệu có kích thích nhu cầu đầu tư vào vàng tiếp tục gia tăng không, thưa ông?

Sửa đổi Nghị định 24 sẽ “cởi trói” cho thị trường vàng, cung cấp nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường. Cũng có thể, khi cung tăng, vào những thời điểm giá vàng thế giới lên cơn sốt, thì cầu đầu tư vàng trong nước sẽ tăng, tạo ra các cơn sốt vàng. Tuy vậy, về lâu dài, tôi cho rằng, tăng cung sẽ khiến tâm lý thị trường ổn định hơn, khiến thị trường lành mạnh, bền vững hơn.

Cùng với “cởi trói” cho thị trường vàng, cơ quan chức năng cũng cần ban hành nhiều quy định về minh bạch giao dịch vàng, từ đó giảm bớt các nhu cầu vàng liên quan đến rửa tiền, khiến cầu vàng trở nên thực chất hơn.

Nguồn: https://baodautu.vn/khi-nguon-cung-doi-dao-thi-truong-vang-se-on-dinh-hon-d335282.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm