Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lâm Đồng mới trước trang sử mới

Sáp nhập ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận thành tỉnh Lâm Đồng mới là bước ngoặt lịch sử. Với diện tích lớn nhất cả nước, tỉnh Lâm Đồng mới sở hữu tiềm năng và nguồn lực phong phú để phát triển đa ngành, bền vững, từ du lịch, công nghiệp đến nông nghiệp công nghệ cao

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng30/06/2025

Sáp nhập ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận thành tỉnh Lâm Đồng mới

Ngày 1/7/2025 đánh dấu bước chuyển lớn trong tổ chức hành chính Nhà nước khi cả nước chính thức thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, tinh gọn cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Theo đó, 52 tỉnh, thành phố được sáp nhập, hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. 11 tỉnh, thành không nằm trong diện sáp nhập, gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng.

Trong số các địa phương thực hiện sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới hợp nhất từ ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận. Việc sáp nhập ba tỉnh liền kề không chỉ tạo ra một đơn vị hành chính lớn nhất cả nước về diện tích, mà còn mở ra cơ hội định hình một cực tăng trưởng mới tại khu vực Nam Tây Nguyên - duyên hải Nam Trung Bộ.

z6726403462576_70de53af2871e23a1fddc733e078ee96.jpg
Đà Lạt được kỳ vọng tiếp tục phát triển theo hướng đô thị thông minh, là điểm kết nối chiến lược giữa các vùng kinh tế trọng điểm

Tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên trên 24.000 km², lớn nhất cả nước. Dân số đạt hơn 3,8 triệu người, gấp hơn bốn lần mức chuẩn về dân số. GRDP của tỉnh có quy mô lên đến 329.870 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước.

Thành phố Đà Lạt tiếp tục được chọn là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Với vai trò là hạt nhân văn hóa, kinh tế và du lịch của khu vực Tây Nguyên suốt nhiều thập kỷ, Đà Lạt được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đô thị thông minh, là điểm kết nối chiến lược giữa các vùng kinh tế trọng điểm.

Về cơ cấu hành chính, tỉnh Lâm Đồng mới có 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 103 xã, 20 phường và 1 đặc khu hành chính, lần đầu tiên xuất hiện trong cơ cấu tổ chức cấp tỉnh. Trong đó, 99 xã, 20 phường và đặc khu được hình thành sau quá trình điều chỉnh, sáp nhập và đặt tên lại. Chỉ còn 4 xã giữ nguyên hiện trạng gồm: Quảng Hòa, Quảng Sơn, Quảng Trực và Ninh Gia.

Điểm nhấn đáng chú ý chính là đặc khu hành chính Phú Qúy, đơn vị hành chính mới được kỳ vọng sẽ là nơi thử nghiệm cơ chế quản trị linh hoạt, ưu tiên thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy các chính sách đột phá về kinh tế và hành chính công.

Quá trình chuẩn bị cho sự vận hành của tỉnh Lâm Đồng mới được triển khai đồng bộ và bài bản. Từ sắp xếp trụ sở làm việc, bố trí nhân sự, đến tuyên truyền, ổn định tư tưởng cán bộ, người dân tất cả đều được thực hiện với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao. Các phương án tổ chức bộ máy mới được xây dựng chi tiết, nhằm bảo đảm hệ thống chính quyền hoạt động thông suốt ngay từ ngày đầu chuyển giao.

Tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên trên 24.000 km², lớn nhất cả nước. Dân số đạt hơn 3,8 triệu người, gấp hơn bốn lần mức chuẩn về dân số. GRDP của tỉnh có quy mô lên đến 329.870 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước.

Hình thành không gian phát triển mới

Việc sáp nhập ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận đã hình thành một đơn vị hành chính có quy mô lớn, trải dài từ cao nguyên Tây Nguyên đến duyên hải Nam Trung Bộ. Không gian tự nhiên đa dạng cùng dân số đông tạo nền tảng thuận lợi cho việc tổ chức bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu quả theo mô hình chính quyền hai cấp, đồng thời thúc đẩy chiến lược phát triển vùng một cách toàn diện và cân đối giữa các khu vực.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Lâm Đồng mới hội tụ đầy đủ điều kiện để định hình một cực tăng trưởng mới của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, tập trung vào ba trụ cột chiến lược: phát triển du lịch xanh, công nghiệp nhôm hiện đại và kinh tế biển kết hợp nông nghiệp công nghệ cao.

z6726403465178_f0c588bf8e9d961aeff671034365cb90.jpg
Với trữ lượng bô xít ước tính trên 5,4 tỷ tấn nguyên khai, ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm sẽ là một trụ cột kinh tế trọng yếu của tỉnh Lâm Đồng mới

Từ sự kết nối giữa núi rừng Tây Nguyên và bờ biển duyên hải Nam Trung Bộ, Lâm Đồng mới trở thành một trong những địa phương sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng bậc nhất cả nước. Đà Lạt tiếp tục là thương hiệu du lịch quốc gia với lợi thế khí hậu đặc biệt, phong cảnh hữu tình và các điểm đến nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm, Langbiang, Thung lũng Tình yêu...

Phía tây tỉnh, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài gần 5.000 km², với hệ thống núi lửa, hang động kỳ vĩ, trong đó có gần 50 hang dài hơn 10.000m. Hồ Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên” ngày càng nổi bật trong bản đồ du lịch sinh thái. Phía đông, vùng biển Bình Thuận đem đến màu sắc riêng biệt với các điểm du lịch Phan Thiết, Mũi Né, đảo Phú Quý... kết hợp giữa các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp và nét văn hóa làng chài truyền thống. Với những tiềm năng đó, du lịch được định hướng phát triển theo chiều sâu, hướng đến chất lượng cao, gắn với bảo tồn sinh thái, văn hóa và cộng đồng bản địa.

Cùng với du lịch, ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm sẽ là một trụ cột kinh tế trọng yếu của tỉnh Lâm Đồng mới. Với trữ lượng bô xít ước tính trên 5,4 tỷ tấn nguyên khai, trong đó Đắk Nông chiếm khoảng 4,2 tỷ tấn, khu vực này đang nắm giữ gần một nửa tài nguyên bô xít của cả nước. Hiện hai dự án lớn là Tổ hợp bô xít - nhôm Lâm Đồng (Tân Rai) và Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vận hành, mỗi năm cho ra khoảng 650.000 tấn alumin/nhà máy.

Ngoài ra, một số dự án bô xít khác đang được xúc tiến, kỳ vọng sẽ nâng công suất alumin lên gấp nhiều lần. Nhờ vào sự kết nối với hệ thống cảng biển Kê Gà, các tổ hợp công nghiệp bô xít - nhôm tại đây có thể khép kín chuỗi giá trị từ khai thác, chế biến đến xuất khẩu. Theo chiến lược của TKV, từ nay đến 2045, sản lượng alumin có thể đạt 6 triệu tấn/năm, với mục tiêu sản xuất được nhôm thỏi ngay trong nước, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.

Ngoài du lịch và công nghiệp, Lâm Đồng mới còn sở hữu lợi thế lớn về kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao. Với 192 km đường bờ biển, ngư trường 52.000 km² và hệ thống đảo ven bờ phong phú, địa phương đang định hướng phát triển bền vững kinh tế biển kết hợp bảo tồn sinh thái, bao gồm năng lượng tái tạo (điện gió, điện sóng), sản xuất hydro xanh, công nghiệp công nghệ cao ven biển và du lịch biển đảo. Bình Thuận vùng ven biển của tỉnh Lâm Đồng mới đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80% vùng biển được bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời nâng cấp cảng biển, hệ thống logistics và trồng rừng ven biển nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

z6726403465177_ff9fc758412bec6cc1cb6c8d9b24320e.jpg
Tỉnh Lâm Đồng tương lai sẽ có thể trở thành "thiên đường" du lịch với tiềm năng sẵn có và cộng hưởng thế mạnh to lớn của Bình Thuận hiện tại

Bên cạnh đó, với hơn 1 triệu ha đất nông nghiệp, bao gồm các hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Lâm Đồng mới có điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp thông minh, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Từ mô hình nhà kính trồng rau hoa đến nông nghiệp số, địa phương đang từng bước hình thành nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn với thị trường xuất khẩu.

Sự kiện sáp nhập ba tỉnh không chỉ mở rộng không gian địa lý mà còn mở ra một tầm nhìn phát triển dài hạn. Nếu được hoạch định kỹ lưỡng, đặt lợi ích người dân làm trung tâm, tỉnh Lâm Đồng mới hoàn toàn có thể trở thành trung tâm kinh tế năng động, đóng vai trò chiến lược trong kiến tạo mô hình phát triển vùng bền vững của cả nước. Một vùng đất mới đang hình thành không chỉ là sự cộng gộp về địa lý mà là biểu tượng của một khát vọng vươn lên toàn diện, hiện đại và hội nhập.

Tỉnh Lâm Đồng mới có 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 103 xã, 20 phường và 1 đặc khu hành chính Phú Quý. Trong đó, 99 xã, 20 phường và đặc khu được hình thành sau quá trình điều chỉnh, sáp nhập và đặt tên lại. Chỉ còn 4 xã giữ nguyên hiện trạng gồm: Quảng Hòa, Quảng Sơn, Quảng Trực và Ninh Gia.

Hướng đi nào để Lâm Đồng sau sáp nhập phát triển bền vững?

Việc hình thành tỉnh Lâm Đồng mới mở ra một bước ngoặt quan trọng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ và hiệu quả. Trước quy mô lớn và tiềm năng đa dạng, tỉnh Lâm Đồng mới cần có hướng đi phù hợp, những giải pháp mang tính đột phá để khai thác tối đa lợi thế vùng.

z6726403463819_33e7645a74ca9b4f39412cd9988ac80b.jpg
Bình Thuận vùng ven biển của tỉnh Lâm Đồng mới đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80% vùng biển được bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời nâng cấp cảng biển, hệ thống logistics

Tại Hội thảo về những định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng mới giai đoạn 2026-2030 và những năm tiếp theo diễn ra vào ngày 10/6 tại Đà Lạt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đánh giá dư địa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng mới rất lớn, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp luyện kim bền vững, năng lượng sạch, thương mại dịch vụ, du lịch, kinh tế biển...

Để khai thác, phát triển hiệu quả, bền vững, Lâm Đồng mới cần phải tập trung phát triển liên kết đa vùng, đa cực, tổ chức lại không gian phát triển tích hợp, đa trung tâm; đảm bảo phát triển bao trùm, lấy con người làm trung tâm để mọi vùng miền đều được hưởng thành quả.

z6726403462511_e63884bc238451d60693935431e68f5a.jpg
Hồ Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên” ngày càng nổi bật trong bản đồ du lịch sinh thái

Theo PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng, tỉnh Lâm Đồng mới cần tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh và hạ tầng sinh thái. PGS.TS. Lưu Đức Hải gợi ý mô hình phân bổ cụ thể: Lâm Đồng phát triển công nghiệp chế biến nông sản sạch; Đắk Nông khai thác tài nguyên bền vững và năng lượng tái tạo; Bình Thuận phát huy thế mạnh công nghiệp năng lượng và chế biến thủy sản. Các khu công nghiệp cần đi đầu trong xanh hóa với tuần hoàn nước thải, sử dụng năng lượng tái tạo và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nhằm vừa tăng giá trị vừa bảo vệ môi trường.

Cùng với phát triển công nghiệp xanh, du lịch được xác định là trụ cột kinh tế cần cơ cấu lại theo hướng bền vững và giá trị cao. PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch đề xuất quy hoạch lại không gian du lịch theo các trục giá trị gắn với di sản văn hóa và thiên nhiên. Cụ thể, trục di sản văn hóa từ Cư Jút - Đà Lạt - Phan Thiết và trục di sản thiên nhiên từ Tà Đùng - Bidoup Núi Bà - Hòn Cau - Phú Quý cần được đầu tư hạ tầng tương xứng. PGS.TS. Phạm Trung Lương cũng nhấn mạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch chữa lành, sinh thái, chăm sóc sức khỏe và kinh tế đêm, hướng đến mô hình du lịch bền vững, thu hút khách chất lượng cao.

LAM DONG BAN MAU
Đồ họa Việt Dũng

Trong mối liên hệ với hai trụ cột trên, nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò không thể thiếu. TS. Phạm Hồng Hiển, Phó Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Lâm Đồng mới cần hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao liên vùng Nam Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, phát huy lợi thế từng địa phương. Lâm Đồng hiện nay mạnh về rau, hoa, dâu tây, chè, cà phê và bò sữa; Đắk Nông với cà phê, hồ tiêu, gạo hữu cơ và trái cây; Bình Thuận nổi bật với thanh long, nho, táo, măng tây và chăn nuôi cừu, dê.

Theo TS. Phạm Hồng Hiển, để nâng cao giá trị, tỉnh Lâm Đồng mới cần xây dựng thương hiệu nông sản vùng, phát triển hệ thống tiêu thụ hiện đại qua thương mại điện tử, xuất khẩu có kiểm soát và chuyển đổi số toàn bộ chuỗi sản xuất.

“Phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải là giải pháp tổng thể từ giống, sản xuất, chế biến đến thị trường nhằm kết nối thế mạnh từng vùng, tạo chuỗi giá trị bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế”, TS. Phạm Hồng Hiển khẳng định.

z6726403461634_e7e9f0d8df4553b93a94b8992e64553e.jpg
Năng lượng tái tạo như điện gió, điện sóng... là tiềm năng rất lớn để Lâm Đồng mới đầu tư phát triển bền vững

Phát triển tỉnh Lâm Đồng mới không chỉ là yêu cầu thực tiễn mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tại buổi làm việc với lãnh đạo ba tỉnh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những định hướng chiến lược mang tính nền tảng.

Trước hết, cần khẩn trương hoàn tất việc hợp nhất tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây là điều kiện tiên quyết để bộ máy mới vận hành thông suốt trong không gian hành chính, kinh tế mới.

Tiếp đó, Tổng Bí thư yêu cầu sớm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên tư duy tích hợp và tầm nhìn dài hạn. Đây phải là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của địa phương, bảo đảm tính hệ thống và bền vững. Bên cạnh đó, các đột phá chiến lược, từ hạ tầng, thể chế đến nguồn nhân lực cần được triển khai đồng bộ, gắn với đặc điểm từng vùng và định hướng lớn của Trung ương. Song song với phát triển, phải giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng sự đồng thuận xã hội sâu rộng nền tảng để tiến hành hợp nhất thành công và phát triển ổn định.

Cuối cùng, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, bảo đảm sự chuyển tiếp vững chắc về tư duy, tổ chức và đội ngũ cán bộ trong bối cảnh mới.

Lâm Đồng mới đang đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá, trở thành cực tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững của vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự quyết tâm chính trị cao, tinh thần trách nhiệm lớn của từng cán bộ, đảng viên và toàn hệ thống chính trị. Quan trọng hơn cả, là lựa chọn đúng hướng đi, giải pháp phù hợp, có tính đột phá và được tổ chức triển khai hiệu quả ngay từ bộ máy mới.

Nguồn: https://baolamdong.vn/lam-dong-moi-truoc-trang-su-moi-269977.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm