Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Liên kết vùng sau sáp nhập: Nền tảng cho nông nghiệp bền vững

(GLO)- Sau sáp nhập, Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp nhờ đất đai rộng lớn, màu mỡ cùng điều kiện khí hậu thuận lợi. Để nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, tỉnh cần đề ra giải pháp căn cơ, nhất là hình thành các vùng liên kết sản xuất gắn với thị trường xuất khẩu.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai28/07/2025

Sau sáp nhập, Gia Lai là tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 2 cả nước với 21.577 km2. Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và còn dư địa để phát triển ngành nông nghiệp, nhất là về trồng trọt, chăn nuôi.

Cụ thể, khu vực phía Tây Gia Lai có địa hình cao, đất đỏ bazan chiếm ưu thế (trên 500.000 ha), giàu mùn, có khả năng giữ nước và dinh dưỡng cao, đặc biệt thích hợp với cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu, mắc ca và cây ăn quả có múi, sầu riêng...

Ngược lại, khu vực phía Đông tỉnh có cấu trúc địa hình đa dạng từ đồng bằng ven biển, đồi gò thấp đến núi cao trung bình, với nhóm đất chủ yếu là đất phù sa, đất cát pha, đất xám bạc màu… phù hợp với lúa nước, rau màu, đậu đỗ, dưa hấu và một số cây dược liệu. Sự đa dạng sinh thái này tạo nên nền tảng tự nhiên phong phú, mang lại tiềm năng to lớn để tổ chức sản xuất cây trồng theo vùng sinh thái đặc thù.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư từ các chương trình, dự án, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển rõ nét; hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân; đồng thời, tạo mối liên kết bền chặt giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đa số các chuỗi liên kết hiện nay vẫn còn manh mún, chủ yếu do doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động đề xuất và triển khai, thiếu cơ chế hỗ trợ dài hạn, kết nối thị trường xuất khẩu chưa mạnh.

Điển hình, sầu riêng Gia Lai đã và đang khẳng định thương hiệu khi bước đầu hình thành các vùng chuyên canh tập trung, được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu. Hiện đã có 11 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã và 3 nông hội đầu tư trồng và liên kết sản xuất sầu riêng với diện tích gần 2.900 ha… Thế nhưng, các chuỗi liên kết này còn tương đối manh mún, thiếu tính bền vững do chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa các bên.

Nhờ thành công trong việc xây dựng sản phẩm sầu riêng Musang King và vinh dự được trao giải thưởng “Thương hiệu phát triển bền vững châu Á-Thái Bình Dương 2024”, sản phẩm của sầu riêng của Farmstay Sâm Phát Ialy (xã Ia Ly) được nhiều công ty xuất khẩu tìm đến ngỏ ý muốn ký hợp đồng thu mua số lượng lớn.

Tuy nhiên, sản lượng sầu riêng của đơn vị hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 50-70 tấn. Trong khi đó, nhiều hộ dân quanh vùng cũng trồng sầu riêng nhưng lại không tìm được tiếng nói chung để cùng nhau liên kết, sản xuất theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Chất Sâm-Chủ Farmstay Sâm Phát Ialy-cho rằng: Tư duy sản xuất của người dân hiện nay đã thay đổi nhiều, họ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, người dân đã tham gia vào các hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, các chuỗi liên kết này thiếu sự ràng buộc về mặt pháp lý ở các khâu, nhất là việc chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mình làm ra, dẫn đến dễ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Còn ông Nguyễn Văn Thương-Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong-cho biết: Sau sáp nhập, xã có 15.145 ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 88% tổng diện tích đất tự nhiên) với điều kiện tự nhiên, đất đai màu mỡ rất phù hợp phát triển các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả, cây lúa…

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng tham gia Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Ia Ring để liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Phần lớn thành viên và người dân tham gia chuỗi liên kết đã chuyển dần từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ nên vườn cây phát triển khá bền vững, cho năng suất, thu nhập ổn định.

Theo ông Từ Tấn Lộc-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro (xã Kông Chro), việc sáp nhập tỉnh là cơ hội lớn để đơn vị tiếp cận được với các nguồn vốn đầu tư từ việc liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân (từ tỉnh Bình Định cũ) có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm trong việc phát triển rừng trồng sản xuất.

Đặc biệt, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực vào xây dựng các nhà máy chế biến gỗ quy mô lớn gắn với các vùng nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu. Từ đó, góp phần phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 và tăng cao thu nhập cho người dân.

Còn ông Thái Danh Hân-Bí thư Đảng ủy xã Ân Tường, cho rằng: Xã có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như lúa nước, cây ăn quả có múi, rừng trồng… Nông dân trên địa bàn cũng từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất theo các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Trao đổi với P.V, ông Cao Thanh Thương-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho hay: Để phát huy tiềm năng và xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, ngành sẽ tiếp tục chủ động phối hợp đẩy mạnh, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong đó, ưu tiên tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người sản xuất về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất; hướng dẫn quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản. Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, phương pháp thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển gắn với sản phẩm cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, xây dựng kế hoạch sản xuất trồng trọt và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả gắn với xây dựng, phát triển hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm gắn phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản, nhà máy chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Đặc biệt, ngành cũng tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng và phát triển các liên kết bền vững trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa có thế mạnh xuất khẩu của các địa phương.

Trong đó, tập trung hỗ trợ, kết nối liên kết bền vững giữa các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói được cấp mã số trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được cấp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường CAO THANH THƯƠNG

Sở cũng tập trung tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo, đánh giá tình hình sâu, bệnh hại phổ biến trên các cây trồng chủ lực của tỉnh có lợi thế xuất khẩu (cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh dây, chuối, ớt, khoai lang…) và xây dựng các biện pháp phòng trừ hiệu quả; thường xuyên rà soát, hướng dẫn danh mục thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất sử dụng trong sản xuất, sau thu hoạch các cây trồng hàng hóa có thế mạnh của tỉnh; kịp thời cập nhật, phổ biến danh mục hoạt chất cấm sử dụng của các thị trường nhập khẩu.

Cùng với đó, kết nối giữa doanh nghiệp thu mua, phân phối, tiêu thụ và nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với hợp tác xã kiểu mới nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững. Mặt khác, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/lien-ket-vung-sau-sap-nhap-nen-tang-cho-nong-nghiep-ben-vung-post561662.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm