Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mỗi phụ nữ có 1,39 con, TPHCM tìm giải pháp tăng mức sinh

(Dân trí) - Tỷ suất sinh năm 2024 của TP chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ, thấp hơn đáng kể so với trung bình cả nước là 1,91 con. Con số này thậm chí thấp hơn cả mức duy trì dân số là 2,1 con.

Báo Dân tríBáo Dân trí27/05/2025

Theo Đề án "Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân TPHCM và một số giải pháp góp phần làm tăng tổng tỷ suất sinh giai đoạn 2025-2030" vừa được UBND TP phê duyệt,

Cũng theo đề án, tổng tỷ suất sinh của thành phố đã liên tục giảm từ năm 2000 (1,76 con) xuống mức thấp kỷ lục 1,24 con vào năm 2016, và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục bền vững. Tỷ suất sinh năm 2024 của TP chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ, thấp hơn đáng kể so với trung bình cả nước là 1,91 con. Con số này thậm chí thấp hơn cả mức duy trì dân số là 2,1 con.

Nếu xu hướng này tiếp diễn, TPHCM sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trẻ, già hóa dân số nhanh chóng và áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Mỗi phụ nữ có 1,39 con, TPHCM tìm giải pháp tăng mức sinh  - 1

TPHCM liên tục nhiều năm lọt vào danh sách địa phương có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước. (Ảnh minh họa: Diệu Linh).

Hàng loạt giải pháp khuyến sinh

Để giải bài toán này, thành phố đặt mục tiêu tăng tổng tỷ suất sinh trong 5 năm tới thông qua nhiều chính sách hỗ trợ người dân sinh đủ 2 con với nhiều giải pháp nổi bật.

Thành phố nghiên cứu chính sách hỗ trợ chi phí sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, khám thai định kỳ, sinh con và tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho phụ nữ trước và trong thai kỳ.

Mở rộng mô hình phòng vắt - trữ sữa mẹ, điều chỉnh thời gian giữ trẻ linh hoạt, hỗ trợ học bán trú cấp mầm non và tiểu học, đặc biệt ở khu công nghiệp, chế xuất.

TPHCM cũng đang đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ khám sức khỏe tiền hôn nhân và điều trị vô sinh cho người nghèo, hộ cận nghèo và gia đình khó khăn.

Theo thống kê, chỉ trong năm 2024, TPHCM vận động được 1.469 cặp đôi khám sức khỏe trước khi kết hôn, vượt 10% so với kế hoạch. Tuy nhiên, thành phố cũng thừa nhận nhận thức người dân về giá trị của sàng lọc và khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn còn hạn chế, mạng lưới cung cấp dịch vụ chưa phủ đều, nhất là ở vùng ngoại thành và dân nhập cư.

Đề án cũng đề xuất đẩy mạnh truyền thông sức khỏe sinh sản đa hình thức (trực tuyến, mạng xã hội, hotline...) để nhấn mạnh giá trị gia đình, trách nhiệm xã hội của cán bộ, đảng viên trong việc sinh đủ 2 con cũng như cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhiều nhóm đối tượng.

Chăm sóc sức khỏe người dân toàn diện từ thai nhi đến tuổi già

Không chỉ dừng lại ở mục tiêu tăng sinh, Đề án còn đặt trọng tâm vào chăm sóc sức khỏe toàn diện người dân theo vòng đời, với 9 mục tiêu cụ thể chia theo các giai đoạn từ tiền hôn nhân đến tuổi cao niên.

Một trong những điểm mới nổi bật là số hóa dữ liệu sức khỏe cá nhân, bắt đầu từ phụ nữ mang thai, tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám thai và sinh đẻ.

Từ năm 2025, TPHCM sẽ triển khai xây dựng sổ theo dõi sức khỏe mẹ và bé điện tử, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống HIS (hồ sơ bệnh án), PACS (chẩn đoán hình ảnh) và LIS (xét nghiệm). Việc này sẽ giúp theo dõi, nhắc lịch khám thai, tiêm chủng, sàng lọc trẻ sơ sinh và kiểm soát sức khỏe suốt đời.

Đề án cũng đề xuất thành lập Trung tâm Can thiệp bào thai đầu tiên tại TPHCM, phối hợp chuyên sâu giữa bệnh viện Phụ sản và bệnh viện Nhi. Các kỹ thuật hiện đại như thông tim xuyên tử cung, thủ thuật EXIT, chẩn đoán và điều trị dị tật ngay trong thai kỳ... sẽ được triển khai để cứu sống và nâng cao chất lượng sống trẻ sơ sinh.

Mỗi phụ nữ có 1,39 con, TPHCM tìm giải pháp tăng mức sinh  - 2

Em bé được thông tim bào thai chào đời an toàn vào đầu tháng 2 tại Bệnh viện Từ Dũ (Ảnh: BV).

Trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đã thực hiện 283.488 lượt sàng lọc trước sinh, phát hiện sớm 11.753 trường hợp dị tật thai nhi (chiếm 4,15%). Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện 267.160 lượt sàng lọc sơ sinh, phát hiện 1.612 trẻ mắc bệnh chuyển hóa bẩm sinh (chiếm 0,44%).

Tuy nhiên, việc sàng lọc tim bẩm sinh và khiếm thính ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được thực hiện đại trà do thiếu thiết bị, nhân lực. Đề án lần này đặt mục tiêu đến năm 2030, 90% trẻ sinh ra được sàng lọc tối thiểu 5 bệnh lý bẩm sinh, bao gồm thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sinh tuyến thượng thận, khiếm thính và tim bẩm sinh.

Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng là ưu tiên mới trong đề án. Đến cuối năm 2023, TPHCM có hơn 1,07 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 11,33% dân số. Số liệu từ hoạt động khám sức khỏe người già cho thấy 61,6% người cao tuổi tăng huyết áp, 25,7% mắc hoặc nghi ngờ đái tháo đường, 18,3% có dấu hiệu tiền suy yếu.

TPHCM hiện có 13/32 bệnh viện tuyến thành phố có khoa Lão, nhưng dịch vụ chăm sóc tại nhà, hỗ trợ cộng đồng cho người già neo đơn vẫn còn thiếu và phân tán. Đề án sẽ mở rộng các hoạt động lão khoa, phục hồi chức năng, tăng cường mô hình "Người cao tuổi giúp người cao tuổi".

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/moi-phu-nu-co-139-con-tphcm-tim-giai-phap-tang-muc-sinh-20250527090003606.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm