Ban Chỉ đạo dân số và phát triển tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi tại cộng đồng. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh duy trì 171 CLB “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 100% xã, phường; tổ chức 3.516 buổi sinh hoạt CLB với gần 97.000 lượt người tham dự, thực hiện hơn 4.000 buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề và phát 50.000 tờ rơi, treo 1.599 băng zôn, phướn tuyên truyền nội dung về nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên truyền thông được đào tạo chuyên sâu về tuyên truyền trong giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh tổ chức đào tạo 187 lớp cho hơn 9.100 cán bộ, viên chức cấp xã, huyện về kỹ năng vận động cộng đồng và phổ biến chính sách dân số. Song song với đó, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh lồng ghép chủ đề bình đẳng giới và hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình giảng dạy, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho hàng nghìn sinh viên, học viên.
Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện chương trình “Dân số và hạnh phúc” trên sóng phát thanh; chuyên mục “Dân số và phát triển” trên báo Quảng Ninh; chương trình “Chuyện cùng bác sĩ” trên sóng truyền hình... Nhiều hoạt động truyền thông qua mạng xã hội đã được người dân hưởng ứng và tham gia tích cực.
Để xoá dần tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, các cấp hội đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên đã lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào các phong trào “Gia đình 5 không, 3 sạch”, ngày hội truyền thông DS-KHHGĐ. Cùng với đó, Sở VH-TT&DL tổ chức sân khấu hóa tại các địa phương có tỷ số mất cân bằng cao, thu hút hàng nghìn lượt người dân tham dự.
Cùng với công tác tuyên truyền, công tác quản lý những người cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai được xác định là “mắt xích” then chốt trong chuỗi giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến nay 100% cơ sở siêu âm, nạo phá thai đã được phổ biến quy định pháp luật, cam kết không hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi và trang bị đầy đủ tài liệu hướng dẫn về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Mọi cán bộ y tế, nhân viên kỹ thuật tham gia cung cấp dịch vụ này đều phải ký văn bản cam kết và tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về bình đẳng giới, hậu quả của lựa chọn giới tính…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai đồng bộ công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất. Từ năm 2016-2024, toàn tỉnh đã tổ chức 12 cuộc thanh tra chuyên ngành, cùng hàng trăm lượt kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định cấm lựa chọn giới tính tại 345 lượt đơn vị y tế công lập và tư nhân.
Nhờ các giải pháp được triển khai đã góp phần thay đổi nhận thức của phần lớn người dân. Đến nay 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh. 100% cán bộ y tế, cộng tác viên đều nắm vững quy định cấm lựa chọn giới tính.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tư tưởng trọng nam vẫn thấm sâu ở một bộ phận người dân, nhất là vùng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, nơi ý thức về giới còn hạn chế. Việc truy xuất và xử lý vi phạm tại các phòng khám siêu âm vẫn gặp khó do thiếu bằng chứng cụ thể. Bởi vậy thời gian tới, việc tăng cường vai trò của phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội; khuyến khích nam thanh niên, trẻ em trai tham gia làm “đầu tàu” thay đổi văn hóa; đầu tư thêm nguồn lực cho công tác truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng; đồng thời phát huy tính chủ động của cộng đồng trong giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là rất quan trọng.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng bước đi bài bản trong truyền thông và giáo dục, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ khống chế, tiến tới cân bằng trở lại tỷ số giới tính khi sinh, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, duy trì ổn định dân số và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-cao-nhan-thuc-nguoi-dan-trong-giam-thieu-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-3368054.html
Bình luận (0)