Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngai vàng triều Nguyễn: Nên lắp kính bảo vệ hay trưng bày bản sao?

Sau vụ bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lắp kính cường lực tại điện Thái Hòa, Đại nội Huế để bảo vệ các hiện vật.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên22/07/2025

Việc lắp kính nhằm ngăn nguy cơ hư hại, mất mát khi lượng khách tham quan bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn ngày càng đông, nhưng lại gây tranh cãi về tính thẩm mỹ và cảm quan di sản.

Lắp kính cường lực là phù hợp, nhưng còn nhiều hạn chế

Anh P.T, một hướng dẫn viên làm việc tại TP.Huế, cho rằng việc lắp kính cường trong điện Thái Hòa để bảo vệ bảo vật quốc gia phù hợp, không gây ảnh hưởng nhiều đến mỹ quan, kiến trúc của công trình cổ kính. Tuy nhiên, theo anh, "không gian tham quan bị hạn chế cho du khách và hướng dẫn viên tác nghiệp. Cụ thể, trong điện trưng bày 'Văn hiến thiên niên quốc' được xem như bản Tuyên ngôn độc lập của vương triều Nguyễn, khi đặt lớp kính rào chắn lên đã làm khoảng cách tiếp cận bản chữ Hán này rất xa. Du khách không thể nhìn thấy những dòng chữ trên hiện vật thú vị này".

Một số ý kiến khác thì cho rằng, hệ thống kính cường lực nhìn có vẻ "hiện đại", không phù hợp với một công trình kiến trúc triều Nguyễn.

Nên lắp kính để bảo vệ bảo vật quốc gia hay trưng bày bản sao? - Ảnh 1.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vừa lắp hệ thống kính cường lực để bảo vệ ngai vàng triều Nguyễn

ẢNH: CÔNG SƠN

Liên quan đến việc lắp hệ thống kính cường lực ở điện Thái Hòa, ông Lê Công Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng việc lắp hệ thống kính được đơn vị nghiên cứu rất kỹ, đây là phương án phù hợp nhất để bảo vệ bảo vật quốc gia và các hiện vật.

"Việc lắp kính được chúng tôi tự nghiên cứu và căn cứ theo thực tiễn để làm, phù hợp với không gian của điện Thái Hòa. Phương án này được chúng tôi tính toán rất kỹ lưỡng và thông qua ý kiến của UBND TP.Huế. Các khung kính được sơn son, thép vàng để phù hợp với kiến trúc của điện Thái Hòa. Hơn hết, lớp kính trong suốt không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của du khách tham quan, đồng thời đảm bảo độ an toàn, phòng tránh những tình huống xảy ra bất ngờ như sự việc vừa rồi. Sau một thời gian đi vào hoạt động, chúng tôi thấy rằng việc lắp đặt kính cường lực bảo vệ vẫn tạo hiệu ứng tốt, được nhiều du khách đồng tình vì không làm ảnh hưởng đến việc tham quan của du khách", ông Sơn nói.

Có thể sẽ trưng bày bản sao

Theo nhiều tài liệu, ở Nhật Bản, ngai vàng Takamikura thật chỉ xuất hiện trong lễ đăng quang; còn ngày thường, người dân xem mô hình mô phỏng tại bảo tàng. 

Ở TP.Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, ngai vàng triều Nguyễn là một hiện vật đặc biệt. Nhưng sâu xa hơn, đó là biểu tượng của quốc thể, của văn hóa trị nước và của cả một triều đại.

Một số nhà nghiên cứu nêu quan điểm, đơn vị quản lý không bảo vệ di sản chỉ "để có mà ngắm", mà để các thế hệ sau hiểu đúng, cảm được và gìn giữ tiếp. Và nếu như bản sao có thể giúp bản gốc "sống lâu hơn, sống đúng hơn" thì đó không phải là giả tạo, mà là một quyết định đầy trách nhiệm và can đảm.

Nên lắp kính để bảo vệ bảo vật quốc gia hay trưng bày bản sao? - Ảnh 2.

Điện Thái Hòa trước khi xảy ra vụ việc ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy

ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

Trong khi việc lắp đặt kính cường lực để bảo vệ các cổ vật tại di tích cố đô Huế đang được thực hiện, liên quan đến giải pháp bảo vệ bền vững các cổ vật quý, đặc biệt là bảo vật quốc gia như ngai vàng triều Nguyễn, PV Thanh Niên cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP.Huế.

Ông Phương cho biết các biện pháp đều đang được cân nhắc, nhưng các nhà nghiên cứu và chuyên gia di sản học và quản lý văn hóa đã gợi mở một hướng đi cần được cân nhắc nghiêm túc: đưa ngai vàng thật vào bảo tàng để bảo vệ trong điều kiện lý tưởng, đồng thời đặt một bản sao tinh xảo tại điện Thái Hòa điện để giữ gìn không gian, nghi lễ nguyên bản.

Theo ông Phương, căn cứ để đưa ra phương án này là từ kinh nghiệm của thế giới, việc "luân chuyển vị trí hiện vật gốc và bản sao" không phải là điều xa lạ. Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, thậm chí là Trung Quốc (nơi gìn giữ ngai vàng của nhà Thanh trong Cố cung) đều từng hoặc đang áp dụng giải pháp này ở các cấp độ khác nhau.

Ông Phương cho rằng mục tiêu là đảm bảo bảo vật được bảo vệ tối đa, tránh mọi rủi ro từ thời tiết, tai nạn, phá hoại…, đồng thời vẫn duy trì được trải nghiệm văn hóa sống động cho công chúng tại vị trí gốc.

Nên lắp kính để bảo vệ bảo vật quốc gia hay trưng bày bản sao? - Ảnh 3.

Ngai vàng triều Nguyễn trước khi bị bẻ gãy

ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

"Ngai vàng triều Nguyễn là một trong số ít bảo vật quốc gia còn hiện diện nguyên vẹn tại chính không gian quyền lực lịch sử. Tuy nhiên, sự cố vừa qua cho thấy việc trưng bày mở, không tủ kính, không tách rời khỏi dòng khách tham quan là một nguy cơ thực sự trong xã hội hiện đại. Cấu kiện bị hư hại lần này tuy không lớn, nhưng cũng là lời cảnh báo chúng ta có thể phục chế được phần gãy – nhưng không thể tái tạo nguyên khí di sản một lần nữa", ông Phương nói.

Vì vậy, đưa ngai vàng thật vào bảo tàng chuyên biệt, nơi có điều kiện bảo quản tối ưu (nhiệt độ, độ ẩm, an ninh, giám sát...) là bước đi hợp lý, bảo vệ an toàn dài hạn cho hiện vật quý giá bậc nhất triều Nguyễn.

Nhiều người lo ngại rằng "bản sao là giả, làm mất thiêng". Lý giải về việc này, ông Phương nêu quan điểm rằng, trên thực tế, nếu được chế tác bởi các nghệ nhân truyền thống với kỹ thuật thếp vàng, chạm khắc và tôn trọng tuyệt đối nguyên mẫu... thì bản sao có thể truyền tải đầy đủ ngôn ngữ thẩm mỹ và tinh thần hoàng cung. Tại Hàn Quốc, ngai vàng trong Gyongbokgung là bản sao toàn bộ, nhưng người dân và du khách vẫn xếp hàng ngắm nhìn và chụp ảnh như một biểu tượng quốc gia.

"Điều quan trọng là cần minh bạch với công chúng, đâu là bản thật, đâu là phục dựng. Sự thật lịch sử không nằm ở vật liệu, mà ở cách đơn vị quản lý kể lại và gìn giữ nó một cách chính trực, khoa học", ông Phương lý giải.

Nguồn: https://thanhnien.vn/ngai-vang-trieu-nguyen-nen-lap-kinh-bao-ve-hay-trung-bay-ban-sao-185250722130032146.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm