Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngai vua triều Nguyễn - bảo vật quốc gia bị phá hỏng: Lỗ hổng công tác bảo vệ di tích?

Vụ một người đàn ông xâm nhập thành công vào khu vực đặt ngai vua - một bảo vật quốc gia mang tính biểu tượng tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế), rồi xâm hại hiện vật, đang gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận và dấy lên quan ngại về lỗ hổng bảo vệ di sản ở nơi cần có cơ chế giám sát nghiêm ngặt bậc nhất thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Báo Hà TĩnhBáo Hà Tĩnh26/05/2025

Ngày 25/5, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có báo cáo gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa và UBND TP Huế liên quan vụ việc Bảo vật quốc gia - ngai vua triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) bị một đối tượng có biểu hiện loạn thần xâm hại.

Theo báo cáo, sự việc xảy ra vào lúc 11h55 trưa 24/5, tại điện Thái Hòa - cung điện đặc biệt thuộc Đại Nội Huế. Đối tượng Hồ Văn Phương Tâm (sinh năm 1983, trú tại phường Hương Long, TP Huế) sau khi mua vé vào tham quan Đại Nội Huế đã tiếp cận khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn trong điện Thái Hòa, nơi được lắp đặt hàng rào bảo vệ và bố trí nhân viên kiểm soát.

Người này đã xâm nhập thành công vào khu vực cấm, có hành vi ngồi lên ngai vàng, la hét và đập gãy phần tay vịn bên trái của bảo vật. Sự việc kéo dài trong khoảng 15 phút. Đến 12h10, đối tượng mới bị lực lượng chức năng khống chế và bàn giao cho công an phường Đông Ba xử lý.

Đối tượng này đã qua mặt được bảo vệ di tích để lẻn vào khu vực đặt ngai vua và xâm hại Bảo vật quốc gia. Ảnh chụp màn hình
Đối tượng này đã qua mặt được bảo vệ di tích để lẻn vào khu vực đặt ngai vua và xâm hại Bảo vật quốc gia. Ảnh chụp màn hình
Khu vực đặt ngai vua trong điện Thái Hòa là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, với nhiều biện pháp như thiết lập hàng rào giới hạn, lắp đặt camera an ninh, bố trí lực lượng bảo vệ…
Khu vực đặt ngai vua trong điện Thái Hòa là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, với nhiều biện pháp như thiết lập hàng rào giới hạn, lắp đặt camera an ninh, bố trí lực lượng bảo vệ…

Điều đáng nói, thời điểm xảy ra vụ việc, tại điện Thái Hòa có hai nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ. Một nhân viên đã phát hiện dấu hiệu bất thường của đối tượng và mời đi ra phía hậu điện, song không ngăn được việc người này quay trở lại và gây rối. Bảo vệ chỉ tiếp cận từ xa, chủ yếu nhắc nhở và chờ hỗ trợ, do lo ngại đối tượng manh động đập phá thêm các hiện vật xung quanh.

Vụ việc ngai vua bị xâm hại ngay giữa ban ngày, ở một di tích vừa được trùng tu công phu, mang tính biểu tượng và đón hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày, cho thấy bất cập trong cơ chế bảo vệ tại chỗ.

Trung tâm cho biết đã bố trí camera, lực lượng bảo vệ trực thường xuyên và có quy chế kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng trên thực tế đã không thể ngăn chặn được một cá nhân có biểu hiện loạn thần tiếp cận và phá hoại di vật quan trọng bậc nhất trong Hoàng thành Huế.

Một kết cấu trên ngai vua triều Nguyễn đã bị phá hỏng.
Một kết cấu trên ngai vua triều Nguyễn đã bị phá hỏng.

Sự cố này đặt ra những vấn đề quan ngại về khả năng phản ứng tại chỗ của nhân viên bảo vệ. Dù họ có mặt ngay tại hiện trường nhưng không can thiệp kịp thời, chưa xử lý được tình huống khẩn cấp cụ thể đối với các trường hợp du khách có dấu hiệu hành vi bất thường.

Qua báo cáo cho thấy các biện pháp lập hàng rào giới hạn, lắp đặt camera, bố trí lực lượng bảo vệ… tại điện Thái Hòa vẫn được triển khai. Tuy nhiên, sự cố vẫn xảy ra. Thực tế đó cho thấy nếu không đi kèm đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, các biện pháp nêu trên vẫn có thể chỉ là hình thức. Đặc biệt, tại những nơi trưng bày bảo vật quốc gia, mọi sơ suất nhỏ đều có thể dẫn đến tổn thất lớn.

Ngay sau vụ việc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết đã thành lập hội đồng đánh giá tình trạng hiện vật và xây dựng phương án phục chế, xử lý theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa. Đồng thời, sẽ phối hợp với các chuyên gia để đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất biện pháp bảo quản phù hợp.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng đang nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ như nâng cấp thiết bị giám sát, tăng cường công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ, tổ chức tập huấn kỹ năng ứng phó, phát hiện và xử lý các hành vi bất thường trong khu di tích.

Tuy nhiên, các ý kiến chuyên môn cho rằng điều cần thiết là phải rà soát lại các phương án bố trí nhân sự bảo vệ tại những điểm trọng yếu như điện Thái Hòa. Đặc biệt, cần xây dựng quy trình phản ứng khẩn cấp cụ thể cho lực lượng bảo vệ, khi gặp các tình huống có nguy cơ cao, kể cả với các đối tượng biểu hiện loạn thần hoặc hành vi bất thường.

Việc đào tạo định kỳ kỹ năng xử lý tình huống cho bảo vệ cũng là yêu cầu cấp thiết. Lực lượng bảo vệ di tích cần được trang bị kiến thức về tâm lý hành vi, pháp lý can thiệp và phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để có thể xử lý linh hoạt và hiệu quả các hành vi phát sinh bất ngờ trong thực tế.

Nguồn: https://baohatinh.vn/ngai-vua-trieu-nguyen-bao-vat-quoc-gia-bi-pha-hong-lo-hong-cong-tac-bao-ve-di-tich-post288611.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm