Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thanh Bình kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ hiện vật tại điện Thái Hòa

Ứng dụng công nghệ, tập huấn xử lý tình huống

Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung thẳng thắn nhìn nhận: “Mỗi sự cố đều cho thấy những tình huống ngoài dự đoán. Bài học lần này là phải chuẩn bị tốt nhất, phù hợp với thực tiễn và tập trung vào các điểm yếu dễ bị tổn thương trong hệ thống bảo vệ di sản”. Theo ông Trung, ngay sau sự cố, Trung tâm đã đưa Ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế theo đúng quy trình chuyên môn. Đồng thời thay thế bằng phiên bản phục chế để phục vụ tham quan. Hội đồng chuyên môn sẽ được thành lập để đánh giá tình trạng hiện vật và đề xuất phương án bảo quản, phục hồi.

Cùng lúc, nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài được thiết lập: rà soát quy trình an ninh, đánh giá hiện trạng bảo vật, phối hợp với lực lượng công an tập huấn xử lý tình huống, đề xuất tăng cường các công cụ hỗ trợ theo quy định pháp luật. Đồng thời, sẽ có sự phối hợp sâu hơn với lực lượng công an để tổ chức tập huấn cho đội ngũ bảo vệ về kỹ năng phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm hại di sản từ sớm.

“Ở điện Thái Hòa hiện có hệ thống camera giám sát, báo động đột nhập... Tuy nhiên, hệ thống cần được nâng cấp đồng bộ, bổ sung công nghệ hiện đại hơn và đặc biệt phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng bảo vệ, hướng dẫn, giám sát”, ông Trung cho hay.

Phiên bản phục chế ngai vua triều Nguyễn đã được thay thế để phục vụ tham quan 

Cùng chung tinh thần đó, ông Trần Đình Thân, Trưởng Phòng Quản lý Bảo vệ Trung tâm BTDTCĐ Huế, thông tin: Sau vụ việc, lực lượng bảo vệ tại các điểm di tích đã được quán triệt nêu cao tinh thần cảnh giác. Các tổ cơ động tăng cường kiểm tra, tuần tra, sẵn sàng hỗ trợ khi có sự cố xảy ra. “Chúng tôi đang đề xuất điều chỉnh lại phương án bảo vệ, đặc biệt tại những điểm có bảo vật quốc gia”, ông Thân nói.

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Huế Nguyễn Thanh Bình, nhấn mạnh: “Đây là sự việc hết sức đáng tiếc, gây hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đồng thời yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống bảo vệ hiện có”. Thành phố cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời rút ra các bài học để điều chỉnh, củng cố quy trình bảo vệ cả về con người, trang thiết bị lẫn cơ chế vận hành.

“Bảo vật quốc gia, di sản là tài sản vô giá của đất nước. Huế may mắn được lưu giữ những di tích vô cùng đặc biệt nên càng phải nghiêm ngặt hơn. Thành phố yêu cầu Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng lại toàn bộ phương án bảo vệ, đặc biệt đối với các hiện vật cấp quốc gia”, ông Bình khẳng định.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Ngoài các biện pháp kỹ thuật và chuyên môn, thành phố đặc biệt nhấn mạnh yếu tố con người. Đội ngũ bảo vệ sẽ được tập huấn nâng cao nghiệp vụ; hệ thống tuyên truyền tại các điểm di tích sẽ được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân, du khách về trách nhiệm chung trong gìn giữ di sản văn hóa.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế - nơi đang lưu giữ nhiều bảo vật quý hiếm cần được bảo vệ đặc biệt

Tại điện Thái Hòa, du khách Hà Thị Thùy Dung (Phú Thọ) chia sẻ: “Em rất bất ngờ khi nghe vụ việc có người phá hoại ngai vua. Đây là di sản linh thiêng, giá trị tâm linh lớn lao, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt hơn nữa để gìn giữ cho đời sau”.

Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế Ngô Văn Minh, cho biết: Hiện bảo tàng đang quản lý hơn 11.000 hiện vật, trong đó có 12 hiện vật/bộ hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó, gần 1.000 hiện vật đang được trưng bày phục vụ du khách, còn lại được bảo quản trong kho.

“Chúng tôi đang cùng với Trung tâm BTDTCĐ Huế rà soát toàn bộ các bảo vật đang trưng bày để đánh giá và đề xuất phương án bảo vệ phù hợp hơn”, ông Minh nói.

Sự cố vừa qua tại điện Thái Hòa là hồi chuông cảnh báo không chỉ về năng lực bảo vệ di tích mà còn về nhận thức cộng đồng đối với di sản. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật và quản trị, nâng cao nhận thức là “chìa khóa” quan trọng để bảo vệ di sản lâu dài.

Theo chỉ đạo từ UBND thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao và Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ tăng cường truyền thông từ các điểm tham quan đến mạng xã hội, báo chí. Qua đó, khơi dậy sự đồng hành của cộng đồng, hình thành thói quen tôn trọng và gìn giữ giá trị văn hóa chung.

“Di sản không chỉ là tài sản của Nhà nước mà còn là của mỗi người dân. Mỗi hành vi thiếu ý thức đều có thể gây hậu quả không thể khắc phục. Chúng tôi rất mong cộng đồng, người dân hãy cùng chung tay bảo vệ các di sản văn hóa mà Huế đang may mắn lưu giữ”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Liên Minh

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/ngan-chan-tu-goc-nguy-co-xam-hai-di-san-hue-153995.html