Doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam phần lớn là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ - nhóm “yếu thế” trước làn sóng hội nhập kinh tế sâu rộng. Loại hình DN này đang phải chịu sức ép lớn trong cạnh tranh, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay trên “sân nhà”, nhất là với DN FDI tiềm lực mạnh. Để DN Việt Nam lớn mạnh, Nghị quyết 68/NQ-TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Nghị quyết 68) ngoài nhiệm vụ hình thành và phát triển nhanh các DN lớn và vừa, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, còn chú trọng hỗ trợ thực chất, hiệu quả DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Đây là nội dung thiết thực bởi DN nhỏ, siêu nhỏ có quy mô, năng lực sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất khó đạt quy chuẩn quốc tế.

Tại Hà Tĩnh, DN tư nhân chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ cùng với lượng lớn hộ kinh doanh nên chính sách này đang rất được mong chờ áp dụng vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Tiến Trình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có hơn 6.800 DN đang hoạt động, trong đó 90% DN tư nhân, chủ yếu là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Với chính sách thông thoáng, thu hút đầu tư vào địa bàn nên số lượng DN thành lập mới những năm gần đây tăng khá mạnh. Tuy nhiên, điều lo ngại là hiện nay vấn đề “sức khỏe” của DN tư nhân Hà Tĩnh còn hạn chế; quy mô nguồn lực, chất lượng nguồn nhân lực, thương hiệu sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường... còn khiêm tốn. Thậm chí, nhiều DN không đủ điều kiện để tiếp cận vốn vay ngân hàng nên hoạt động rất chật vật. Với mục tiêu tạo “bệ đỡ” cho kinh tế tư nhân, đưa DN tư nhân “cất cánh”, Nghị quyết 68 đã nêu ra nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt quan tâm đến những DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh – những loại hình còn gặp nhiều khó khăn. Khi các chính sách này được triển khai nghiêm túc, bài bản chắc chắn sẽ tạo bước đệm để doanh nhân, hộ kinh doanh nắm bắt cơ hội, thay đổi căn bản hoạt động sản xuất – kinh doanh, chuỗi cung ứng trên thị trường, qua đó nâng tầm vị thế, sức cạnh tranh”.
Công ty Vận tải Toàn Thắng (phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải với 10 đầu xe chạy tuyến Hà Tĩnh – Quảng Trị. Doanh thu của doanh nghiệp khoảng 20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Vận tải Toàn Thắng chia sẻ: “Doanh nghiệp phải “tự bơi” về mọi mặt, chịu cạnh tranh gay gắt với các hãng xe trong và ngoài tỉnh nên luôn phải chú trọng đầu tư phương tiện, phần mềm quản lý, số hóa DN để đáp ứng yêu cầu nên tốn kém chi phí. Bởi vậy, khi Nghị quyết 68 dành riêng chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ, siêu nhỏ, chúng tôi rất phấn khởi. Nghị quyết 68 được triển khai, đơn vị sẽ được cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị DN, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật – đây là những nội dung thiết thực đối với sự phát triển của DN”.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, DN nhỏ nên quy mô tài chính hạn chế, trong khi các ngân hàng cho vay dựa trên tài sản cầm cố, do đó, nhiều thời điểm khó khăn về dòng tiền. Nghị quyết 68 khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất - kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị... sẽ mở ra cơ hội tiếp cận vốn linh hoạt, giúp DN quay vòng đầu tư hiệu quả.
Nghị quyết 68 còn đặc biệt quan tâm đến DN trẻ mới thành lập khi đối mặt với những thách thức như: thiếu kinh nghiệm, yếu về năng lực tài chính… Theo đó, Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ DN nhỏ và vừa; bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Linh Trang (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Chúng tôi hoạt động trên 2 mảng sản xuất trầm hương Tâm Thiên Hương và thương mại dịch vụ. Doanh nghiệp thành lập chưa lâu nên tiềm lực còn khó khăn, thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh; diện tích khoảng 100m2 vừa là nơi sản xuất vừa là văn phòng, cửa hàng trưng bày, tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã kiến nghị xin thuê đất tại Cụm Công nghiệp Thạch Đồng song chưa được giải quyết. Nghị quyết 68 sẽ tạo cơ hội để đơn vị tiếp cận đất đai, tăng quy mô sản xuất, năng lực hoạt động”.
Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết 68 là các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh. Nhà nước sẽ rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh cá thể; thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Cùng đó, đẩy mạnh số hoá, minh bạch hoá, đơn giản hoá, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình DN.
Ngoài ra, Nhà nước sẽ xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh là bước đột phá, mở ra cơ hội lớn để lành mạnh, minh bạch hóa khu vực hộ kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, chống thất thu thuế và giúp hộ kinh doanh có vị thế tốt hơn trên thị trường.
Hà Tĩnh hiện có hơn 53.000 hộ kinh doanh nên các chính sách hỗ trợ này đang được các hộ kinh doanh quan tâm.

Ông Nguyễn Duy Bảy – Chủ siêu thị Bảy Trang (thị trấn Nghèn, Can Lộc) chia sẻ: “Chúng tôi kinh doanh đa dạng mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, sữa, bánh kẹo…, liên kết tạo việc làm cho 60 lao động. Khi Nghị quyết 68 được triển khai giúp chúng tôi kinh doanh thuận lợi hơn, được cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo quản trị, kế toán, nhân sự. Ngoài ra, hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh cũng sẽ được xóa bỏ chậm nhất trong năm 2026. Nội dung này khi triển khai ban đầu sẽ có khó khăn, song nếu thực hiện tốt, hộ kinh doanh được tiếp cận ưu đãi tín dụng, giảm thiểu rủi ro pháp lý. Việc quản lý bằng hóa đơn điện tử còn giúp hộ kinh doanh kiểm soát tốt hoạt động, doanh thu”.
Nghị quyết 68/NQ-TW sẽ là cú hích quan trọng giúp khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh tại Hà Tĩnh bứt phá. Khi chính sách được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực, công nghệ và thị trường, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, khơi thông tiềm năng phát triển kinh tế địa phương và đóng góp bền vững vào nền kinh tế quốc gia.
Nguồn: https://baohatinh.vn/nghi-quyet-68-co-hoi-moi-cho-doanh-nghiep-nho-va-ho-kinh-doanh-ha-tinh-post288571.html
Bình luận (0)