
Giữa cái nắng chang chang của buổi chiều tháng 5, chúng tôi đến thăm nhà bà Hà Thị Nhi, 74 tuổi tại tổ 10, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn). Lặng lẽ bên hiên nhà, tựa người trên chiếc ghế gỗ, bà Nhi dùng đôi bàn chân để vò từng nắm chít cho sạch những tấm hoa nhỏ li ti. Vừa làm bà vừa kể về cái “duyên” gắn bó với nghề làm chổi chít: Gia đình nhà chồng có nghề làm chổi chít bán nên khi bà về nghỉ chế độ do mất sức thì bắt đầu nối nghiệp, lúc đó bà khoảng 36 tuổi, đến nay đã gần 40 năm gắn bó với nghề làm chổi. Giờ tuổi già, sức khỏe đã giảm, mắt mờ nhưng không làm thấy nhớ lắm. Làm chổi không chỉ để kiếm thêm đồng ra đồng vào mà như một hình thức tập thể dục để có sức khỏe, vì thế bà vẫn làm để giữ nghề.
Để làm chiếc chổi bền đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi nhà có cách làm khác nhau. Với bà Nhi thì chít phải phơi khô, vò sạch, bảo quản nơi khô ráo mới để được lâu. Cán trúc khi mua về phải rửa, uốn thẳng, khoan lỗ, xuyên quai. Khi đã xong các bước chuẩn bị thì mới bó chổi, đóng cán, chặt lưỡi, xòe lưỡi và khâu… Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để làm nên một cây chổi đẹp, bền đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế. Người làm chổi cũng phải tần tảo, chịu khó thì mới theo nghề được lâu.
Trước đây khi còn trẻ, có sức khỏe thì làm được nhiều. Giờ tuổi già thì mỗi năm bà Nhi mua về khoảng 2,5 tấn chít tươi; mỗi tháng làm 60 - 70 chiếc chổi hoàn thiện, bán giao với giá 60.000 đồng/chiếc. Do làm thủ công, cầu kỳ trong từng công đoạn nên chổi bà Nhi sản xuất luôn uy tín, được nhiều khách hàng tìm mua. Dùng lâu chổi chỉ cùn đi chứ chít bên trong vẫn giữ được màu xanh cốm, không bị tuột dây buộc.

Cũng tại tổ 10, phường Sông Cầu (TP Bắc Kạn) vợ chồng bà Đỗ Thị Hòa cũng làm chổi chít xuất bán về xuôi được mấy chục năm nay. Gắn bó với nghề làm chổi từ khi còn trẻ, đến nay mái tóc hai người đã lấm tấm sợi bạc. Thường thì hai vợ chồng bà Hòa tranh thủ làm buổi chiều, buổi sáng đi chợ buôn bán. Số lượng sản xuất chổi chít hằng tháng phụ thuộc vào đầu mối thương lái đặt, có tháng nhiều hơn 400-500 chiếc, bình quân thì khoảng 300 chiếc/tháng. Vì vậy, mỗi năm gia đình thu mua khoảng 5 tấn chít khô, khoảng 10 tấn chít tươi để làm chổi.

Bà Hòa chia sẻ: Một ngày hai vợ chồng cùng làm, mỗi người một khâu thì chỉ xong 14 chiếc. Giá một chiếc chổi phụ thuộc vào khách đặt, chổi mỏng hay dày có giá khác nhau. Việc gắn bó với nghề làm chổi giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Bà Trần Thị Lá ở tổ 3, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) cũng có 30 năm gắn bó với nghề làm chổi chít. Đây là nghề chính giúp bà có thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày. Những chiếc chổi được bà làm công phu, tỉ mỉ với nhiều loại để phục vụ nhu cầu khách hàng. Giá bán từ 50.000 – 60.000 đồng/chiếc phụ thuộc vào độ dày của chổi. Ngoài chổi chít, đến mùa gặt bà còn thu rơm lúa nếp để làm chổi rơm.

Bà Lá cho biết: Nghề làm chổi chít chủ yếu làm trong nhà nên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, vừa hỗ trợ con cái trông cháu được. Để tiêu thụ ngoài thương lái đặt mua, bà còn đèo xe đạp đi bán lẻ xung quanh thành phố. Hơn ba thập kỷ làm nghề, khách quen của bà cũng nhiều, ai dùng rồi cũng tìm đến mua lại.

Những chiếc chổi tưởng chừng mộc mạc ấy, qua đôi tay khéo léo của người thợ chứa đựng biết bao tâm huyết, nỗi niềm. Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, công nghệ và máy móc dần chiếm lĩnh thì nghề làm chổi chít đòi hỏi sự chăm chỉ, khéo tay, kiên trì đã không còn thu hút được người trẻ. Chính vì vậy, những người cao tuổi vẫn đang âm thầm giữ lửa cho nghề, giữ lại một nét đẹp văn hóa lao động bằng cả sự cần mẫn và đam mê./.
Nguồn: https://baobackan.vn/nguoi-cao-tuoi-giu-nghe-lam-choi-chit-post70830.html
Bình luận (0)