Anh Hồ My, 34 tuổi, ở bản K-Oóc bắt đầu học làm nỏ từ khi mới 12-13 tuổi. Ở độ tuổi nhiều đứa trẻ còn mải chơi thì anh đã theo học một người thầy trong bản. Thầy không chỉ dạy anh cách chọn cây, mà còn truyền cho anh bài học về sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tôn trọng tự nhiên-những điều không thể thiếu trong quá trình chế tác một cây nỏ hoàn chỉnh.
Hồ My cho biết, chiếc nỏ thường có 4 bộ phận chính, gồm: Cánh, thân, cò, dây. Trong đó, thân nỏ có độ dài khoảng 75-80cm và cánh nỏ có độ dài khoảng 85-90cm. Thân và cánh nỏ được làm từ cây “luộc cư chin” (theo cách gọi của bà con dân bản)-một loại cây có độ đàn hồi cao, dẻo cứng và bền. Sau khi chặt, thân gỗ được mang về phơi kỹ trong nắng từ 7-10 ngày, có khi cả tháng nếu trời ẩm. Hồ My chia sẻ: “Nếu làm vội, gỗ sẽ nứt hoặc cong, bắn không chính xác. Phải để gỗ “nghỉ” cho khô hoàn toàn, rồi mới bắt tay vào bào, gọt”.
|
Dây nỏ là điểm đặc biệt trong sản phẩm của anh. Nó được làm từ dây cáp quang cũ. “Dây cáp quang rất dai và có độ đàn hồi tốt, nếu biết cách tết thì bền hơn cả dây rừng và dây cước, dây bao xi măng trước kia ông bà dùng”, Hồ My cho biết thêm. Việc kết hợp giữa nguyên liệu truyền thống và nguyên liệu sáng tạo hiện đại giúp cây nỏ của Hồ My không chỉ bền mà còn mạnh và chuẩn xác.
Ngoài ra, tên của nỏ dài khoảng 45cm được làm bằng cây nứa nhẹ và thẳng, phần đầu được vót nhọn tỉ mỉ giúp cho mũi tên khi được phóng ra khỏi cây nỏ vừa có tốc độ nhanh, vừa chắc chắn và khi ghim trúng mục tiêu, nỏ không bị cong hay bị lệch hướng. Nhờ đó, tỷ lệ trúng mục tiêu cao hơn. Ở phần sau của mũi tên, thay vì dùng lông chim như thông thường, anh Hồ My dùng một chiếc lá dứa rừng tạo thành hình con thoi. Nỏ do anh Hồ My chế tác bắn xa từ 250-300m và bắn mục tiêu chính xác trong khoảng cách từ 20-30m.
Không dừng lại ở việc chế tác, Hồ My còn khiến người dân khắp vùng ngưỡng mộ với tài thiện xạ của mình. Anh bắt đầu thi đấu từ năm 14 tuổi, tính đến nay, Hồ My đã 7 lần đoạt giải nhất tại các hội thi bắn nỏ cấp huyện. Anh cũng từng đại diện cho địa phương tham dự các giải bắn nỏ cấp xã, huyện, tỉnh và khu vực miền Trung.
Với niềm đam mê và tràn đầy nhiệt huyết, trước mỗi Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa hay giải thi đấu của tỉnh, của huyện, Hồ My đều háo hức mong chờ, chăm chỉ tập luyện ngày đêm. Ngoài việc tập luyện, anh còn vác cây nỏ lên rẫy bắn đuổi các loài chuột rừng, sóc, chim... để bảo vệ mùa màng cho bà con dân bản.
|
Trong các hội thi, hội thao, anh Hồ My luôn hoàn thành xuất sắc những phát bắn của mình. Kỷ niệm đáng nhớ đối với anh là những lần thi đấu căng thẳng, với những phát bắn quyết định, bàn tay ướt đẫm mồ hôi cùng với áp lực khi đối thủ đang dẫn trước mình. Thế nhưng, nhờ sự cổ vũ tiếp sức của bà con dân bản, đã tiếp thêm động lực giúp anh lấy lại bình tĩnh và vượt lên chính mình để hoàn thành xuất sắc phần thi.
Mỗi lần tham gia thi đấu đều cho anh những bài học quý giá, giúp anh ngày càng hoàn thiện hơn kỹ năng thiện xạ và bề dày kinh nghiệm để trao truyền cho con cháu và các học trò của mình.
Trong căn nhà sàn đơn sơ, dường như vật dụng quý giá nhất đối với anh đó là những chiếc nỏ được treo ngay ngắn, nó như gắn với câu chuyện cuộc đời anh. Bằng niềm đam mê và đầy tâm huyết với việc chế tác nỏ, Hồ My mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, giúp thế hệ sau hiểu rằng, những vật dụng tưởng như thô sơ ấy chứa đựng hồn cốt văn hóa của người Bru-Vân Kiều cần được gìn giữ.
Hồ My còn chế tác nỏ và bán cho những người dân, như một cách để lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mỗi chiếc nỏ anh làm trong khoảng 1 tuần, bán với giá khoảng 1 triệu đồng/chiếc. |
Lê Phước
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202505/nguoi-giu-hon-no-van-kieu-giua-dai-ngan-truong-son-2226580/
Bình luận (0)