Quán trà mang slogan đầy tự hào: "Layback - Từ vùng chè đặc sản Thái Nguyên" thu hút đông đảo bạn trẻ đến thưởng thức. |
Nâng niu đặc sản quê hương
Chiều mưa giăng mờ phố núi, trong góc nhỏ ban công tầng hai, Lưu Thị Phượng, phường Linh Sơn (Thái Nguyên) rút từ ba lô ra một gói chè. Búp chè khô, cánh nhỏ xoắn cong, được gói trong tờ giấy kraft mộc mạc, vẫn còn đọng lại hương thơm thanh khiết của mảnh vườn sau nhà. “Đi đâu em cũng mang theo. Chè chính là... hơi thở của em”. Phượng nhìn gói chè, mỉm cười dịu dàng nói với tôi mà như đang nói với chính mình.
Phượng lấy ấm, đun nước hãm chè. Trong khi chờ tiếng nước reo, chúng tôi nói chuyện phiếm về chè. Phượng kể, trong mỗi chuyến đi xa, khi bạn bè háo hức khám phá cà phê Ý, rượu vang Pháp, hay những ly trà sữa thời thượng, thì hành lý của cô luôn có một góc nhỏ trang trọng dành cho vài túi trà Thái Nguyên. Đến nơi, việc đầu tiên cô làm là tìm một góc yên tĩnh, pha một ấm trà ngon. Rồi cô rót mời những người mình gặp, từ chị nhân viên dọn phòng đến bạn lễ tân khách sạn, với một lời mời chân thành: “Anh chị thử chút trà quê tôi nhé. Nước đầu hơi chát đấy, mà hậu vị ngọt lắm”.
Tôi tò mò:
- Nhà em có trồng hay kinh doanh chè không?
Phượng lắc đầu, đôi mắt trong veo:
- Em không trồng, cũng chẳng buôn bán. Em yêu trà, như người ta yêu một miền ký ức không thể tách rời.
Với Phượng, trà không phải là một mặt hàng, nó là một vật phẩm mang hồn người. Trong cốp xe cô lúc nào cũng có sẵn vài gói trà: Từ trà đinh thượng hạng, trà nõn tôm thơm ngát, cả những túi trà lọc tiện dụng. Đó là sản phẩm của những người làm chè tử tế mà cô quen, những người làm ra trà bằng cả sự chân thành, lặng lẽ như chính vị trà họ tạo ra.
Nước vừa sôi, Phượng khéo léo pha trà. Hương trà theo làn hơi nóng bốc lên, quyện với không khí mát lành sau mưa, tạo thành một mùi hương vừa thân thuộc, vừa sang trọng. Chén trà đầu tiên có màu xanh trong, sóng sánh. Tôi nhấp một ngụm, vị chát dịu dàng lướt qua đầu lưỡi, rồi tan dần, nhường chỗ cho vị ngọt sâu lắng đọng lại nơi cuống họng, bất giác “khà” một tiếng đầy sảng khoái.
Thấy tôi tâm đắc, Phượng hớn hở hẳn lên, như thể chính cô được khen. Cô khoe vừa được một người chị ở Đồng Hỷ tặng ấm trà hữu cơ làm thử nghiệm theo công nghệ Nhật Bản. "Chỉ một ngụm thôi", cô kể, "em đã ngỡ ngàng trước thứ nước xanh trong rồi lại vàng nhẹ ấy, nó chát thật dịu, rồi ngọt sâu đến tận tâm can”.
Nghe cô nói, tôi hiểu rằng Phượng không chỉ đang uống một thức uống. Cô đang uống cả một miền trời ký ức. Mỗi lần pha trà là một lần cô được quay về bên hiên nhà cũ, nơi ông nội với chiếc ấm tích sờn cũ, khoan thai rót từng chén trà mời bạn già. Trong làn khói mờ ảo ấy là bóng hình của quá khứ, là câu chuyện về những năm tháng chiến tranh, về những người đã đi xa và người còn ở lại. "Mỗi lần pha một ấm chè, em lại thấy mình sống lại trong những ngày xưa ấy, hạnh phúc ngồi bên ông, nhìn ông sảng khoái uống trà...".
Giữa nhịp sống gấp gáp, giữa vòng quay công việc và những căng thẳng vô hình, Phượng và nhiều người trẻ khác đã tìm thấy cho mình một "phanh hãm". Mỗi chén trà là một khoảnh khắc ngưng đọng, một khoảng lặng cần thiết để họ dừng lại, suy ngẫm, và lắng nghe tiếng lòng mình. Đó là một cách "sống chậm" đầy chủ động và tinh tế.
Từ bát chè xanh ngoài đồng đến những quán trà đạo
Từ câu chuyện của Phượng, tôi nhớ về quá khứ của ông bà, cha mẹ mình với bát nước chè xanh nơi đồng đất quê nhà. Ngày xưa ở những làng quê Thái Nguyên, mỗi sớm mai, việc đầu tiên mỗi người nông dân sau khi nhóm bếp là đun một ấm nước chè xanh thật đặc. Thứ nước chát nồng, thơm dịu ấy được rót đầy vào ấm tích, đặt trang trọng giữa mâm tre. Cả nhà quây quần, mỗi người một bát, uống một hơi cho tỉnh táo, mát lành rồi mới ra đồng. Bát nước chè ấy theo họ trên vai, đi qua những mùa gặt hái, những vụ cấy cày, thấm đẫm mồ hôi và tình người, trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống lao động. Mỗi bát chè đều gói trong đó sự chân thành, sự gắn bó của người với đất, người với người. Trà khi ấy là vị của sự vất vả, của đoàn kết, của quê hương.
Mỗi chén trà là một khoảnh khắc ngưng đọng, một khoảng lặng cần thiết để người trẻ dừng lại, suy ngẫm và lắng nghe tiếng lòng mình. |
Khi ấy, không ai gọi đó là "trà đạo", càng không nghĩ đó là "thưởng trà". Nhưng trong cái cách uống mộc mạc, chân thành ấy lại chứa đựng cả một triết lý sống: Gắn bó với thiên nhiên, chân thật với lòng mình, và kết nối với những người bên cạnh. Bát chè là vị của sự vất vả, của tình làng nghĩa xóm, của hồn cốt quê hương.
Từ bát chè dân dã ấy, văn hóa trà đã bước những bước dài, đi vào những không gian tinh tế hơn. Tôi nhớ một lần ngồi cùng bạn ở Hải Đăng Trà, một không gian tĩnh lặng gần chùa Phù Liễn. Hôm đó, tôi gặp một đoàn khách từ Hà Nội lên, và ngạc nhiên thay, có rất nhiều bạn trẻ. Nguyễn Thị Minh Anh, 26 tuổi, chia sẻ: Du lịch vùng chè Thái Nguyên, em rất thích ngồi uống trà trong những không gian tĩnh lặng thế này. Ở Hà Nội, bọn em cũng thường tìm đến các quán trà đạo để thư giãn, hoặc tìm một góc yên tĩnh để làm việc.
Lời của Minh Anh khiến tôi càng thêm suy ngẫm. Thế hệ trẻ ngày nay, dù không còn ngồi bên bếp củi và không phải ai cũng từng ra đồng, nhưng họ đang lặng lẽ giữ lại mạch nguồn văn hóa của cha ông. Việc mang theo gói chè trong ba lô như Phượng, việc tìm đến quán thưởng trà như Minh Anh, chính là cách họ "tiếp biến" văn hóa. Trong một thế giới luôn thúc ép con người phải nhanh hơn, mạnh hơn, thì hành động pha và uống một chén trà lại là một lựa chọn "sống sâu", sống có gốc rễ. Mỗi ly trà họ uống không chỉ làm dịu lòng, mà còn là cách giữ gìn hồn cốt quê nhà, là tiếng nói thầm lặng của một thế hệ biết yêu, biết nhớ, biết gìn giữ.
“Kể chuyện chè” bằng ngôn ngữ hiện đại
Nếu Phượng và Minh Anh đại diện cho lớp trẻ tìm về giá trị nguyên bản, thì một bộ phận khác lại đang "kể chuyện chè" bằng một ngôn ngữ sáng tạo và hiện đại hơn. Không còn là chuyện uống bát nước chè xanh quanh ấm tích của nhà nông, cũng không cần bộ bàn ghế gỗ lim, người trẻ Thái Nguyên hôm nay đã tìm ra những cách riêng để “kể chuyện chè”.
Phạm Duy Anh, chàng sinh viên 21 tuổi của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, đã "phải lòng" matcha từ những năm cấp ba. Với Duy Anh, matcha không phải là một sản phẩm "ngoại lai". Em tìm hiểu và biết rằng, về bản chất, matcha là bột được nghiền mịn từ những búp chè non chất lượng cao, tương tự như nguyên liệu làm ra những loại chè ngon nhất của Thái Nguyên.
Chị Lưu Thị Phượng, phường Linh Sơn (Thái Nguyên) có thói quen mang theo chè và pha uống khi đi du lịch. |
"Em thích cảm giác uống matcha giữa phố xá ồn ào mà vẫn như thấy mình đang đứng giữa đồi chè của quê hương. Vị đắng nhẹ ban đầu, rồi ngọt hậu về sau, giống như cuộc sống của chúng ta, có thăng trầm, có vui buồn," Duy Anh chiêm nghiệm. Ngoài việc thưởng thức ở quán, em còn tự mua bột matcha từ những nguồn uy tín về nhà, tự tay pha chế cùng sữa hạt và mật ong, tạo ra những ly trà sữa "nhà làm" mang đậm dấu ấn cá nhân và hương vị quê nhà.
Câu chuyện của Duy Anh không phải là cá biệt. Trà ủ lạnh (cold brew) từ lá chè non, hồng trà kết hợp với các loại trái cây nhiệt đới, trà hoa cúc mật ong... và vô vàn công thức sáng tạo đã ra đời từ lá chè Thái Nguyên. Mỗi người một gu, một cách cảm nhận, nhưng sợi dây kết nối vẫn là vị chát dịu, hương thơm thanh khiết và hậu ngọt đặc trưng.
Đáp ứng thị hiếu của giới trẻ, những quán kinh doanh đồ uống từ trà hiện đại mọc lên ngày một nhiều giữa lòng đô thị xứ Thái. Dạo một vòng quanh các con phố sầm uất như Bắc Sơn, Việt Bắc, Phan Bội Châu thuộc phường Phan Đình Phùng, người trẻ có thể dễ dàng tìm cho mình một “gu” trà phù hợp.
Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng với Layback, một quán trà mang slogan đầy tự hào: "Layback - Từ vùng chè đặc sản Thái Nguyên". Đây là tâm huyết của vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1998, ở phường Phổ Yên. Thay vì đi theo lối mòn, chị Vân chọn một hướng đi riêng: Tập trung vào hồng trà (trà đen) chế biến từ nguyên liệu chè Thái Nguyên. Sau hai năm ròng rã tìm kiếm vùng nguyên liệu, nghiên cứu công nghệ chế biến và thử nghiệm công thức, cửa hàng đầu tiên ra đời tại TP. Phổ Yên năm 2022. Gần một năm sau, Layback thứ hai khai trương tại đường Bắc Sơn, TP. Thái Nguyên (nay là phường Phan Đình Phùng), nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích.
Nguyễn Thị Hường, 23 tuổi, xã Kha Sơn, nhân viên một spa là “khách ruột” của tiệm trà Layback chia sẻ: Ban đầu em thử vì tò mò, không biết trà sữa làm từ trà Thái Nguyên sẽ ra sao. Nhưng rồi hương vị độc đáo, vừa hiện đại vừa có nét truyền thống của đã chinh phục em.
Hành trình đi tìm câu trả lời người trẻ và văn hóa trà đã cho tôi một bức tranh đa sắc. Có người mang chè đi muôn nơi như Phượng, xem nó là một "mảnh quê hương bỏ túi". Có người tìm đến không gian trà đạo để tĩnh tâm như Minh Anh. Có người sáng tạo không ngừng như Duy Anh và đội ngũ Layback.
Mỗi chén trà được người trẻ uống hôm nay, dù được pha theo kiểu truyền thống hay biến tấu hiện đại, đều như một nhành chè xanh, rất đỗi bình dị, đang bền bỉ tỏa hương giữa phố thị. Người trẻ uống để không bao giờ quên mình đến từ đâu, và để tự tin hơn trên con đường đi tới tương lai. Không ồn ào, không khoe khoang, nhưng đủ sức chạm đến tầng sâu tâm hồn của những người yêu chè…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/nguoi-tre-thai-nguyen-va-van-hoa-uong-tra-tinh-te-23d214e/
Bình luận (0)