Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những không gian sinh tồn như hoa của núi

Trong công cuộc đổi mới, Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hạ tầng kĩ thuật, văn hóa –- xã hội thiết yếu như điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa từ các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ, không chỉ từng bước nâng cao mức sống người dân mà còn làm thay đổi căn bản tập quán canh tác và bộ mặt bản làng.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên28/07/2025

Những gam màu tươi sáng giữa non xanh

Tới nhiều bản làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mang nét tươi mới của những miền quê núi. Bên sắc xanh ngút ngàn của ngô lúa, cây trái, nương chè, các ngôi nhà mới xây dựng đa dạng kiểu dáng kiến trúc hiện lên thấp thoáng. Đường về nhiều bản đã được mở rộng, trải bê tông, hoặc thảm nhựa khá thuận tiện.

Bà con người Dao thu hái chè.

Bà con người Dao thu hái chè.

Tìm hiểu thực tế tại các địa phương, chúng tôi được biết: Việc đầu tư có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với điều kiện, tiềm năng thế mạnh, phong tục tập quán của đồng bào đã thu được kết quả tích cực. Công tác vận động quần chúng phát huy quyền làm chủ, sự tham gia chủ động của cộng đồng và người dân đã khơi dậy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, khoảng cách về mức sống so với bình quân chung của tỉnh từng bước thu hẹp. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa của các vùng dân tộc có bước phát triển mới.

Bằng sự chung sức, đồng lòng của 4 nhà: "Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông", đồng bào các dân tộc được trang bị kiến thức về khoa học kĩ thuật, hỗ trợ vật tư phân bón, nguồn cây, con giống chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống, chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm. Hệ thống hạ tầng viễn thông được xây dựng tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nền tảng công nghệ số. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp thực sự là cầu nối giúp người nông dân sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỉnh cơ bản hoàn thiện giao đất giao rừng và định hướng trồng rừng gỗ lớn. Các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều sản phẩm nông sản có giá trị. Bên cạnh chè là cây trồng chủ lực, nhiều địa phương chọn na, bưởi, quế… tập trung phát triển và đã cho sản lượng, giá trị thương phẩm cao.

Bản Tày xã Đồng Phúc dưới nắng ban mai.

Bản Tày xã Đồng Phúc dưới nắng ban mai.

Sản phẩm truyền thống như dệt, may trang phục dân tộc, mật ong, gạo nếp vải, cốm, miến dong, rượu men lá… đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thị hiếu người tiêu dùng và đã đạt tiêu chuẩn OCOP. Một số sản phẩm nông nghiệp khác như lợn, gà đồi cũng được định hướng phát triển. Mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất nấm, rau, củ, quả an toàn trong nhà lưới, sản xuất lúa hữu cơ, trồng cây có múi theo hướng sinh học bước đầu được xây dựng và đem lại hiệu quả thiết thực.

Những nét đẹp mang giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào như ngôn ngữ, trang phục truyền thống, phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng, ẩm thực, dân ca dân vũ được các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho bà con bảo tồn và phát huy. Nhiều lễ hội được phục dựng trở thành không gian sinh hoạt văn hóa đa dạng, phong phú và không khí vui tươi lành mạnh trong cộng đồng.

Không hẳn những không gian sinh tồn đã đáp ứng nhu cầu phát triển và tâm tư nguyện vọng của người dân. Các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi địa hình trải rộng, mật độ dân cư không tập trung, trình độ sản xuất còn dựa nhiều vào yếu tố tự nhiên, phương thức canh tác giản đơn, giá trị kinh tế thấp, ít cơ hội tiếp cận việc làm phi nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng nhiều xã phía Bắc của tỉnh chưa được đầu tư hoàn thiện. Cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn thu hút doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh đầu tư vào công nghiệp chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Bao đời nay nơi định cư của nhiều dân tộc được gọi là làng, bản, nay gọi chung là thôn, xóm như người Kinh. Tình trạng lắp ghép cơ học vào tên làng bản cũ như: Xóm Bản Tèn, xóm Làng Pháng, xóm Làng Phan… khiến người dân băn khoăn tiếc nuối. Hầu hết các nhà văn hóa xóm vùng dân tộc thiểu số đều theo mẫu thiết kế chung, không có bản sắc riêng. Nhiều ngành nghề truyền thống như làm đàn Tính, đan nón, nhuộm, dệt trang phục áo chàm, thổ cẩm, mây tre đan, mành cọ, các loại bánh... tiêu thụ sản phẩm chậm nên chưa tạo được sinh kế bền vững.

Bản Tèn xã Văn Lăng hứa hẹn là một điểm đến mới.

Bản Tèn xã Văn Lăng hứa hẹn là một điểm đến mới.

Ông Đào Trọng Xế, 86 tuổi ở bản Cây Thống, xã Đức Lương chia sẻ: Các bản làng Tày định cư ở đây từ lâu đời và bảo tồn được nét văn hóa ngàn xưa từ trang phục, phong tục tập quán đến đàn Tính, hát Then. Nhiều thôn bản còn giữ được những ngôi nhà sàn. Những việc làm thiết thực của lãnh đạo địa phương trong phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Mặc dù vậy trên địa bàn xã một số đình, chùa, miếu Na Bán, Hàm Rồng, Đồng Thin, Khuôn Thủng, Na Đon, Mon Ráy, Ruộng Lớn, Cây Thống đã xuống cấp, nên được nghiên cứu, xem xét cho trùng tu, tôn tạo…

Bản sắc văn hóa - Nguồn lực nội sinh của sự phát triển

Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã nêu rõ: “Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trở thành những nét đặc sắc của cộng đồng dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam”. Một dân tộc không thể phát triển bền vững nếu không gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống.

Bản sắc dân tộc thể hiện ý thức cội nguồn và nhân văn sâu sắc, ngoài ý nghĩa tâm linh còn là nét văn hóa truyền từ đời này sang đời khác. Trên mảnh đất Thái Nguyên, trong ngôi nhà chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, mặc dù có sự hội tụ, hòa quyện về nhiều mặt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mỗi dân tộc vẫn mang một nét văn hóa với bản sắc riêng. Duy trì các giá trị để không bị mai một mang ý nghĩa về nhiều mặt, làm sắc thái văn hóa trong cộng đồng thêm đa dạng, phong phú.

Chúng tôi cho rằng để thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chúng ta rất cần cách tiếp cận mới, điểm nhìn mới. Quan tâm các hình thức hoạt động tăng tính gắn kết cộng đồng, xây dựng mỗi thôn, bản thành không gian sống mang bản sắc riêng của từng dân tộc trong phát triển kinh tế văn hóa xã hội.

Truyền dạy đàn tính hát then cho lớp trẻ.

Truyền dạy đàn Tính, hát Then cho lớp trẻ.

Bảo tồn phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa, đặt trong tổng thể sự phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030 hứa hẹn nhiều triển vọng về các điểm đến mới và tạo thêm việc làm cho người dân. Làng du lịch sinh thái nhà sàn Thái Hải, Làng du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, Làng văn hóa dân tộc bản Quyên… có thể coi là hình mẫu để nâng cao, nhân rộng.

Thời gian gần đây nhiều địa phương quan tâm lập dự án đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất, phát triển các sản phẩm du lịch, từng bước hình thành các làng du lịch sinh thái, hoặc điểm du lịch cộng đồng như Bản Tèn, Đồng Khuân, Khuôn Tát... Một số điểm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn, lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc, văn hóa trà đang tiếp tục được triển khai tại vùng ATK Định Hóa, ATK Chợ Đồn hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn.

Những dự án đầu tư theo đề án phát triển du lịch cộng đồng mở ra một không gian du lịch văn hóa ấn tượng. Tuy nhiên, dự án chỉ có thể thực hiện trong một số thôn, bản nhất định. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu, định hướng để người dân nêu cao ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc mình, chủ động xây dựng các không gian sống. Quan tâm hỗ trợ kết nối điểm đến, tập huấn phương pháp đón tiếp khách, hỗ trợ xây nhà cộng đồng, nơi vệ sinh, bãi đỗ xe, các quầy bán hàng lưu niệm, phục dựng nét văn hóa dân tộc …

Trong việc lưu giữ bảo tồn, cần có những giải pháp hạn chế bất cập. Đơn cử các nghi lễ cấp sắc, Tết nhảy thường kéo dài 1 - 2 ngày đêm, nếu dòng họ có đông thanh niên làm việc tại doanh nghiệp cùng xin nghỉ, chủ sử dụng lao động rất khó bố trí sản xuất. Nhiều tiết mục múa trong các nghi lễ thường kéo dài, nếu các nhà quản lý văn hóa và văn nghệ sĩ chọn lọc, hỗ trợ dàn dựng trích đoạn thành những tác phẩm nghệ thuật dân vũ, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người cùng tham gia và góp phần quảng bá rộng rãi tới khách du lịch…

Một cặp vợ chồng trẻ người Mông, chủ một kênh YouTube là anh Hoàng Văn Hình, sinh năm 1990, vợ là chị Giàng Thị Dềnh sinh năm 1995, xóm Khe Mong, xã Văn Lăng dựng nhà kết hợp làm điểm đến vui chơi, check in cho bà con.Trên cổng trước căn nhà có khuôn viên khá đẹp anh gắn biển bằng tiếng Mông, dịch nghĩa “Nhà của chúng mình”. Nhiều hoạt động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng của bà con được anh bấm máy ghi hình, dựng video. Anh chia sẻ: Cùng với văn hóa phi vật thể, đồng bào Mông còn có các loại hình văn hóa vật thể rất độc đáo như ẩm thực, kiến trúc nhà ở, nghề truyền thống. Vẻ đẹp bình dị, thuần phác của mảnh đất và con người vùng cao Thái Nguyên không chỉ người Việt mà người nước ngoài cũng hết sức quan tâm. Tôi mong muốn góp sức gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Mọi người cùng chung tay, thôn bản sẽ như những bông hoa núi…

Mỗi thôn bản là một không gian sinh tồn mang bản sắc riêng từ văn hóa đến công trình kiến trúc hoặc cây trồng, vật nuôi, ngành nghề thủ công… bản sắc ấy chính là nguồn lực nội sinh của sự phát triển tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và không kẻ xấu nào có thể lợi dụng xuyên tạc chống phá.

Dẫu còn nhiều việc phải làm, nhưng với sự chung tay của các cấp, các ngành và cả cộng đồng, bà con các dân tộc đã có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Diện mạo mới, sức sống mới của các bản làng vùng cao là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực nội sinh, tạo bước phát triển mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/nhung-khong-gian-sinh-ton-nhu-hoa-cua-nui-57c2f83/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm