Tôi đã đến Thái Nguyên, từ thời tỉnh còn có tên Bắc Thái, nghĩa là trước năm 1997. Năm 1989, tôi vinh dự được có mặt trong đoàn tháp tùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Đại tướng Mai Chí Thọ lên công tác tại Thái Nguyên. Lúc ấy, Bắc Thái là một trong những địa phương được chọn làm điểm thực hiện Chỉ thị 135-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Trung du xứ trà. Ảnh: Đồng Đăng |
Thuở ấy, tôi còn là một sĩ quan trẻ mới ra trường làm cái nhiệm vụ “xách cặp”, dưới sự chỉ đạo của Phó Văn phòng Bộ chuẩn bị bài nói cho Bộ trưởng. Đó là một hạnh phúc. Vì thế tôi được diện kiến Bí thư, Chủ tịch UBND và Giám đốc Công an tỉnh Bắc Thái, từ hồi đó.
Tôi được thưởng trà, từ lời mời của các lãnh đạo. Ra về tôi có phần quà của tỉnh Bắc Thái, đó là những lạng chè mơ ước. Trong ngày phiêu du cùng anh em trẻ lên hồ Núi Cốc, tôi được nghe ca sĩ Thúy Mùi, sĩ quan của Phòng Công tác chính trị hát bài “Huyền thoại hồ Núi Cốc”, (nhạc Phó Đức Phương). Giọng hát của cô dường như cũng “ngọt hậu” như trà Thái vùng Tân Cương.
Tôi không thể quên được ca từ mở đầu: “Bồng bềnh (ơ) bồng bềnh/ Chòng chành (ơ) chòng chành/Một vùng núi cao nước sâu/Thuyền trôi, thuyền trôi/Mái chèo bâng khuâng dưới chân Tam Đảo”. Không chỉ huyền thoại về một chuyện tình của đôi trai gái “Tha thiết yêu nhau vẫn không thành duyên”, bài hát neo vào lòng tôi dư địa của một vùng đất, trước là núi Cốc, sông Công; sau là Thái Nguyên.
Chúng tôi cùng nhau thưởng trà ngay trên đảo, miên du cùng câu chuyện về “Mối tình thương đau hóa sông hóa núi”. Ngày đó, đảo giữa lòng hồ chỉ có đất đá, không như bây giờ trở thành đảo hoa, một phần của khu du lịch Hồ Núi Cốc. Bây giờ thưởng trà trên đảo gia tăng nhiều giá trị.
Tôi có nhiều bạn học thời sinh viên, sau khi ra trường đến nhận công tác tại Bắc Thái (cũ). Trong số sĩ quan thời hăm hở ấy, có Lê Việt Thắng, sau này khi nghỉ hưu anh là Đại tá. Việt Thắng sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình (nay là Hưng Yên).
Tôi nhớ có lần lên công tác, Việt Thắng gọi về Phòng, nơi anh làm việc. Tôi vẫn nhớ đó là căn phòng trên tầng ba, nhìn ra sân khu làm việc của Công an tỉnh hay nhìn ra đường đều đầy nắng.
Việt Thắng chỉ ra đưởng nơi có ki ốt nhỏ, đối diện tường Công an tỉnh Bắc Thái. Nơi đó vợ anh, một người cùng quê gặp nhau ở đất Chè mà nên duyên vợ chồng, tình nghĩa tào khang. Có điều vợ anh không có công ăn việc làm. Đằng đẵng như thế, trà Thái thơm lên từ tổ ấm.
Việt Thắng dúi vào tôi 2kg trà móc câu. Chao ơi, quý, thời buổi khó khăn ấy, có được lạng trà móc câu đã quý, chứ chưa nói đến cân. Tôi cám ơn Việt Thắng kèm theo sự rối rít của tình bạn.
Vợ chồng Việt Thắng sinh được hai cháu trai. Các cháu học giỏi, lớn lên theo “nghiệp bố” đều vào Công an, hiện nay đều là những sĩ quan trẻ công tác tại Bộ Công an. Có dịp gặp lại hai cháu trong những ngày lễ hội khóa được tổ chức tại Hà Nội, các cháu đều nói lời tri ân tấm lòng mẹ, những cân trà Thái bọc đùm, nuôi dưỡng ước mơ.
Tôi kể cho hai cháu nghe những kỷ niệm thời sinh viên. Những buổi chiều sau khi kết thúc “nghêu ngao gõ bát”, từng nhóm ùa ra đường hóng gió. Thời đấy chưa ô nhiễm, những cánh đồng Thanh Trì xung quanh trường mát rượi. Hạnh phúc nhất là sau đó kéo nhau vào quán, từng nhóm 3, 5 sinh viên quây quần bên bàn, mua được ấm trà, được chủ quán mang đến một phích nước sôi và đĩa kẹo lạc, hoặc kẹo dồi.
Không có hạnh phúc nào lớn hơn, trong những buổi chiều mùa đông, gió hiu hắt. Đặt chén trà trong lòng bàn tay, hít hà, nhấm từng giọt trà vàng sóng sánh, cảm nhận được ân sủng của trời đất. Hai cháu nghe, mường tượng về cổ tích.
Cái duyên trong đời đều tự đến, không nói trước được. Năm 2023, tình cờ trong chuyến đi công tác 4 đảo và nhà giàn DK1.15 của Đoàn Công tác số 15, do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức, may mắn cho tôi có anh chị em Quân - Dân - Chính - Đảng của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Trong Đoàn Thái Nguyên có ái nữ của nhà thơ Hà Đức Toàn, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bắc Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ.
Tôi lại được xếp nằm cùng khoang với họ. Những đêm lênh đênh trên biển, chúng tôi nói chuyện về rừng, về trà Thái, về những câu chuyện thân phận liên quan đến nghề trồng chè và trà Thái.
Tôi từng uống trà nhiều nơi, theo bước chân hải hà. Từ Phú Thọ, Thái Nguyên....đến Lâm Đồng. Tuy nhiên, trà Thái không dễ đâu sánh được. Vì sao trà Thái ngon?
Câu trả lời bây giờ ai cũng biết, trước hết nhờ thiên nhiên ưu đãi. Thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, và giống chè đặc biệt, cùng với kinh nghiệm sao chè thủ công đã tạo nên hương vị đặc trưng của chè Thái Nguyên. Nếu như văn bản, AI không thay thế được con người, thì những sản phẩm lao động của con người, chắc chắn phải nhờ bí quyết.
Người trồng chè, sao chè Thái Nguyên thành sản phẩm trà có bí quyết riêng, dẫu công đoạn như nhau. Cũng là ngọn lửa, nhưng người Thái Nguyên có bí quyết điều chỉnh, đó là ngọn lửa gia truyền, ngoại vi vật thể.
***
Thái Nguyên là vùng đất rộng lớn. Thời Lý (1009 - 1225), Thừa tuyên Thái Nguyên bao gồm Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng và một phần của Tuyên Quang ngày nay. Năm 1499, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2, vua Lê Hiến Tông tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thái Nguyên, thành lập đơn vị hành chính như cấp tỉnh.
Ngày 11/4/1900, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra Nghị định tách một phần đất thuộc Thái Nguyên thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm bốn châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hóa (sau đổi thành Na Rì) và Cảm Hóa (sau đổi thành Ngân Sơn). Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định về việc thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Ngày 6/11/1996, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW của Trung ương (Khóa XII) và Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội, từ ngày 01/7/2025 việc Thái Nguyên và Bắc Kạn sáp nhập lại thành tỉnh Thái Nguyên mới là sự trở lại với lịch sử, văn hóa của vùng đất “Trăm năm Đệ nhất danh trà”.
Theo số liệu của UBND tỉnh Thái Nguyên (cũ), chỉ riêng tỉnh Thái Nguyên (cũ) có khoảng 22,5 nghìn héc ta chè, trong đó có nhiều vùng sản xuất chè tập trung như vùng chè đặc sản Tân Cương, Đại Từ, Phú Lương. Năng suất bình quân đạt 123,8 tạ chè búp tươi/ha/năm, sản lượng chè qua chế biến của toàn tỉnh đạt khoảng 50 nghìn tấn. Theo số liệu thống kê đến năm 2024, giá trị của cây chè mang lại cho Thái Nguyên đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2022.
Ảnh: Đồng Đăng |
Bình quân toàn tỉnh Thái Nguyên (cũ), mỗi héc ta chè cho thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm, đặc biệt vùng chè Trại Cài, Minh Lập (huyện Đồng Hỷ cũ) đạt giá trị 500- 600 triệu đồng/ha/năm; vùng chè La Bằng, Tân Linh (huyện Đại Từ cũ) đạt 500- 670 triệu đồng/ha/năm; vùng chè đặc sản Tân Cương đạt đến 750 triệu đồng/ha/năm. Cây chè góp phần tích cực phát triển kinh tế cho người dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm chỉ còn 2,16%.
Nói về cây chè, trước khi Bắc Kạn và Thái Nguyên được sáp nhập thành tỉnh Thái Nguyên mới, ngày 3/2/2025, Tỉnh ủy Thái Nguyên (cũ) có Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 –- 2030.
Đây là Nghị quyết quan trọng. Tỉnh ủy Thái Nguyên (cũ) xác định, phát triển hệ sinh thái trà tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất, chế biến, kinh doanh trà gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có chất lượng, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị... Đó là quá trình gắn với thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tích hợp đa giá trị của trà... Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030, tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đạt 25 nghìn tỷ đồng Việt Nam, tương đương với 1 tỷ đô la.
Lần trở lại Thái Nguyên này, tôi và Đoàn nhà văn, nhà báo có dịp vi hành, tìm hiểu vùng chè Trại Cài (nay thuộc xã Đồng Hỷ), Đập Đá, La Bằng (nay thuộc xã La Bằng mới), tiếp xúc với người hái chè, trực quan các công đoạn sơ chế, chế biến sâu, đóng gói các loại trà ở Công ty cổ phần chè Trại Cài, các hợp tác xã Hảo Đạt, La Bằng. Điều làm tôi để ý lại là “câu chuyện” ở Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên.
Giám đốc Bùi Trọng Đạt là người thế hệ 7X “đời cuối”. Ngoài việc kinh doanh các sản phẩm trà thượng hạng như trà đinh, trà tôm nõn... Hợp tác xã còn tổ chức du lịch cộng đồng. Bước chân vào Tiến Yên Farmstay được đầu tư bài bản, vốn liếng không nhỏ; quả thật du khách sẽ say mê ngay với thiên nhiên xanh mát và cách làm ăn của Bùi Trọng Đạt.
Khách đến tham quan, ngoài việc được thưởng trà còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm. Có thể đó là tự tay hái trà, tìm hiểu về quy trình chế biến trà, hoặc đơn giản là đi dạo và khám phá khu vực xung quanh. Slogan của Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên là “Trải nghiệm Xứ Trà, đậm đà bản sắc”.
Chục năm gần đây tôi hay gặp lại ông Đặng Quốc Tiến, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái thuở nào. Ông đang giữ cái “chức xã hội” là Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội. Tôi thường “khoe” ông mỗi chuyến đi trở lại Xứ Chè, kể cho nhau nghe câu chuyện “Chén trà là đầu câu chuyện”.
Trà là ngôn ngữ của bày tỏ, bất kể những người gặp nhau là thân hay sơ, trong những buổi sáng bắt đầu ngày mới, hay trong các lễ lạt khác nhau. Trà thành ngôn ngữ của đời sống, cho dù đó là “song ẩm”, “tứ ẩm”...Đông người thì “quần ẩm”; mình ta với ta cũng có thể “độc ẩm” lắm chứ? Trà lúc ấy trở thành “người bạn” cùng đối thoại với tâm tư, trắc ẩn.
Ông Đặng Quốc Tiến là người hiền lành, chân chất. Ông thường bảo tôi: “Xem ra chú là kẻ nghiện trà Thái”. Tôi cười, hơn thế, nghiện cái “tinh thần” trà Thái.
Trà Thái Nguyên đã tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, gắn kết giữa kinh tế và văn hóa nhằm phát triển xanh, bền vững, mang lại giá trị gia tăng về các mặt.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/che-thai-va-ky-uc-toi-83301a2/
Bình luận (0)